Quanh năm vất vả với công việc gieo chữ, dạy người, có một ngày dành riêng để được tôn vinh, gặp gỡ học trò, để nhận về những lời chúc mừng, tri ân, với người thầy, thật hạnh phúc nào bằng.
Thực sự, những ngày qua có nhiều hoa, quà, lời chúc tốt đẹp nhất… được gửi đến những người gắn bó với nghiệp bảng đen, phấn trắng, như một sự tôn vinh, tri ân. Sự quan tâm của toàn xã hội dành cho nhà giáo nhân ngày Hiến chương của ngành thể hiện sâu sắc truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc, có ý nghĩa động viên, cổ vũ thầy cô vượt mọi khó khăn, nêu cao ý thức trách nhiệm, làm tròn sứ mệnh “trồng người”.
Thế nhưng, niềm hạnh phúc nhất với thầy cô không phải là việc nhận về thật nhiều sự tôn vinh, hoa tươi, quà cáp giá trị hay tiền bạc.
Những cô giáo ở vùng biên giới Sốp Cộp (Sơn La), nơi nhiều học trò còn nhem nhuốc, mong manh áo mỏng, trầy trật trên sỏi đá bùn lầy để đến trường, cho biết mình quý làm sao từng bó rau, quá bí ngô, túm măng mà phụ huynh, học sinh dành tặng. Với các cô, được dân bản quý mến, học trò biết cái chữ và tin yêu thầy cô giáo là những món quà đặc biệt, hạnh phúc vô bờ bến.
Lại có thầy giáo ở giữa Sài Gòn khoe món quà đặc biệt dịp 20/11 năm nay là những mầm giá đỗ các em tự tay trồng theo hướng dẫn bài học, thiết kế trình bày lại thành lẵng hoa tặng thầy. Đó không phải là đóa hoa bình thường. Thầy hạnh phúc vì trong món quà này có sự trưởng thành và sáng tạo của trò qua bài học mình truyền dạy, và hơn thế nữa, ăm ắp tình yêu thương.
Món quà hạnh phúc của bà giáo 30 năm mở lớp “gieo chữ” miễn phí cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, chậm phát triển ở Đà Nẵng lại là việc những học trò “đặc biệt” đã thành đạt, lập gia đình, sinh con cái vẫn thường xuyên liên lạc. Trong các đợt bão lũ liên tiếp vừa qua, cũng chính những người học trò năm nào thay phiên nhau đến chèn chống nhà cửa, chặt cây cối xung quanh sợ ngã vào nhà cô…
Cũng không phải hoa hay quà, hạnh phúc lớn nhất trong ngày 20/11 của những người thầy ở rốn lũ Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị là việc đưa được từng học sinh sau thiên tai sớm trở lại trường. “Không hoa, cũng chẳng phải quà, chỉ cần học sinh đến lớp đầy đủ là chúng tôi vui lắm rồi”, cô Phạm Thị Quỳnh Nga (Trường Mầm non xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) cho biết. Hướng Sơn là nơi bị cô lập lâu nhất tỉnh Quảng Trị vì mưa lũ và sạt lở. Những ngày qua, toàn bộ thầy cô nơi đây vẫn vừa dạy vừa tranh thủ đến từng nhà vận động phụ huynh đưa trẻ trở lại trường. Sát ngày 20/11 từng thầy cô vẫn trèo đèo lội suối về bản tìm học sinh, 80% em đã có mặt, họ chỉ mong 20% số còn lại đến lớp, vậy là đủ đầy niềm vui…
Không phải ngẫu nhiên mà sách sử xưa nay, dù Đông hay Tây đều thấy hai chữ “thiên chức” chỉ dành xưng tụng người mẹ và người thầy. Sau bao vất vả, gian nan trong hành trình gieo chữ, dạy người, người thầy, cũng như người mẹ không mong trò đáp trả lại bất cứ món quà vật chất nào. Gieo mầm tương lai và thắp lên tình yêu cuộc sống cho thế hệ trẻ, với người thầy, món quà lớn nhất vẫn chính là niềm vui đến trường và sự trưởng thành của học trò.
Thêm một ngày 20/11 qua đi, từ những niềm vui bình dị mà trân quý của nhà giáo để thấy dù đây đó vẫn có những việc này kia chưa như ý muốn nhưng thiên chức người thầy vẫn được giữ vững, xã hội vẫn luôn tôn trọng người thầy. Và tình nghĩa thầy trò vẫn mãi mãi là những câu chuyện cảm động, tuyệt vời nối tiếp không bao giờ cạn trong cuộc sống…