Những ngày 20/11 đáng trân trọng

GD&TĐ - Mặc dù còn không ít những hạn chế trong văn hóa quà tặng, văn hóa phong bì nhưng không thể phủ nhận, vẫn còn những hình ảnh rất đẹp, những ngày lễ 20/11 vô cùng đáng trân trọng.

Tri ân thầy cô phải từ tấm lòng của học sinh. Ảnh: TG
Tri ân thầy cô phải từ tấm lòng của học sinh. Ảnh: TG

Xây dựng “Văn hoá không phong bì và quà tặng”

Nhiều trường tại Hà Nội và TPHCM đã có những thông báo về quy định không nhận quà tặng đối với cán bộ, giáo viên trong trường. Trong thông báo nội bộ của một hệ thống trường tư thục nêu rõ: “Văn hoá không phong bìvà quà tặng” trong trường học được phụ huynh học sinh cũng như xã hội thực sự ghi nhận, giúp xây dựng được môi trường giáo dục thực sự minh bạch, nơi giáo viên lấy sự tiến bộ và thành công của học sinh là phần thưởng và món quà quý giá nhất.

Chính vì thế, nhà trường đã ban hành quy định: Cán bộ, giáo viên không được nhận quà, phong bì ở bất cứ hình thức và giá trị nào; Cán bộ giáo viên không nhận quà tặng của cá nhân phụ huynh, học sinh ngoại trừ hoa do Ban Phụ huynh tặng và các thiệp handmade do học sinh tự làm.

Một hệ thống trường ngoài công lập khác cũng đăng thông báo công khai: “Nhân cách của người thầy là sức mạnh có ảnh hưởng to lớn đối với học sinh”, một người thầy chân chính sẽ giúp các con trưởng thành và có nhìn nhận đúng đắn về cuộc sống. Nhà trường đặt mục tiêu trở thành nơi nuôi dưỡng những người thầy lấy Giáo dục Nhân cách làm trọng, lấy sự trưởng thành của học sinh làm thành tựu, đó là món quà đáng quý nhất”.

Trên tinh thần đó, hệ thống nhà trường quyết tâm xây dựng một môi trường trong sạch và minh bạch. Quy định “Văn hóa không phong bì” là một trong những hoạt động để tạo dựng nên môi trường đó. Nhà trường quy định cụ thể như sau: Giáo viên và cán bộ nhân viên không nhận phong bì, quà tặng từ các phụ huynh; Nếu những món quà thể hiện giá trị tinh thần, sự quan tâm hay lòng biết ơn như: Sách hoặc đồ handmade do học sinh tự làm… giáo viên có thể đón nhận như tấm lòng tri ân của học sinh gửi đến các thầy cô.

Lãnh đạo nhà trường khẳng định: “Đối với những người giáo viên tâm huyết, lòng biết ơn và sự tri ân được trao đi từ tấm lòng của học sinh và phụ huynh là món quà ý nghĩa nhất”.

Những hoạt động nhiều ý nghĩa

Còn nhớ năm học trước, thầy Trần Tuấn Đạt cùng các giáo viên khác của Trường THPT Anhxtanh (Hà Nội) đã đồng loạt đăng tải dòng trạng thái: “Đừng tặng hoa, đừng tặng quà mà hãy tặng chúng tôi thật nhiều phong bì nhân ngày 20/11!” trên trang cá nhân. Nhiều người đã giật mình trước thông điệp này, nhiều anh hùng bàn phím không cần đọc kỹ nội dung đã vung tay múa phím với đủ kiểu mạt sát, chê bai.

Trong khi thực tế, đằng sau lời kêu gọi đó chính là góp nguồn kinh phí để nhà trường giúp đỡ học sinh vùng sâu, vùng xa còn đang khó khăn: “Chúng tôi muốn nhân dịp này, dùng toàn bộ số tiền các bạn trao tặng, cùng với số tiền chúng tôi gây quỹ được bằng cách dạy thêm, bán hàng, lau nhà, dọn cửa hàng, hát ở Bờ Hồ… để mua chăn tặng các thầy cô giáo và các em học sinh ở Trường Tiểu học xã Pù Nhi, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa”.

Một giáo viên đã dí dỏm viết thông báo: “Cấm sinh viên không được tặng quà nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 vì thầy đã được nhận từ nhà trường rồi. Hãy dùng số tiền đó để đóng học phí. Thầy không cần gì nhiều chỉ cần… rủ thầy đi uống bia Campuchia”.

Nhiều địa phương cũng đã có những hoạt động thiết thực chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam theo đúng bản chất. Sở GD&ĐT TPHCM đã có văn bản thông báo chủ trương về dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 năm nay. Theo đó, Sở ra thông báo không tổ chức tiếp khách, không nhận hoa, quà chúc mừng. Đây là năm thứ bảy TPHCM thực hiện không nhận hoa và quà từ các tổ chức, đơn vị.

Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, Sở không tổ chức đón tiếp các đoàn đến chúc mừng và không nhận hoa chúc mừng tại trụ sở cơ quan. Sở xin được đón nhận tình cảm đó của các cơ quan, đơn vị bằng thiệp chúc mừng điện tử qua địa chỉ email của Văn phòng Sở. Đây là món quà ý nghĩa nhất đối với đội ngũ cán bộ, chuyên viên, nhân viên Sở trên tinh thần thân ái và tiết kiệm.

Sở GD&ĐT Bình Dương cũng có hướng dẫn các đơn vị, cơ sở giáo dục trực thuộc tổ chức họp mặt Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Trong đó lưu ý, tổ chức họp mặt Ngày Nhà giáo Việt Nam tại đơn vị với không khí trang trọng, vui tươi, tiết kiệm và ý nghĩa để học sinh chúc mừng, tri ân thầy cô giáo. Các đơn vị, trường học không được huy động tiền của học sinh và cha mẹ học sinh để tổ chức ngày 20/11.

Sở GD&ĐT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục chủ trương thực hiện tinh thần tiết kiệm trong tổ chức hoạt động kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam. Theo đó, năm nay không phải năm chẵn, các đơn vị không tổ chức lễ kỷ niệm nhưng có thể tổ chức họp mặt truyền thống, tọa đàm và tổ chức các hoạt động giáo dục, thi đua như thăm hỏi nhà giáo nghỉ hưu, các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao, đọc sách, hoạt động trải nghiệm. Đặc biệt, không được tặng quà và tổ chức chiêu đãi trong các hoạt động kỷ niệm.

Tháng 11, tháng tri ân thầy cô, nhưng đừng nghĩ đến việc cứ tri ân thầy cô là phải gửi phong bì và cũng đừng nhìn hiện thực giáo viên nhận phong bì mà quy kết bản chất bởi phong bì là sự cho - nhận nhưng ý nghĩa ở mỗi trường hợp là khác nhau.

Tại Điều 76 Luật Giáo dục 2005 sửa đổi 2009 nêu rõ, ngày 20/11 hằng năm là Ngày Nhà giáo Việt Nam. Đây là dịp để toàn thể xã hội thể hiện sự tri ân đối với các thầy cô giáo, những người đã bỏ bao công sức, tâm huyết cho sự nghiệp “trồng người” cao cả.
Điều 4 Nghị định 111 năm 2018 quy định nguyên tắc tổ chức kỷ niệm ngày thành lập, ngành truyền thống của các bộ, ngành, địa phương có nêu rõ:
- Hoạt động kỷ niệm được tổ chức trang trọng, an toàn, tiết kiệm, không phô trương, hình thức;
- Chỉ tổ chức kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống khi có văn bản thành lập hoặc quyết định công nhận của cơ quan có thẩm quyền;
- Chỉ được tổ chức lễ kỷ niệm vào năm tròn. Trong đó, năm tròn là năm có chữ số cuối cùng là “0”;
- Không tặng quà và tổ chức chiêu đãi trong các hoạt động kỷ niệm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ