Món quà 20/11 không ngờ của cô giáo trẻ "gieo chữ" trên non

"Những bông hoa dại còn ướt sương sớm và những câu nói ngọng nghịu: “Em tặng cô” hoặc “Cho cô” cùng gương mặt đỏ ửng vì ngượng ngùng của các em cũng đủ làm tôi và các thầy cô giáo ở đây ấm lòng rồi”.

Món quà 20/11 không ngờ của cô giáo trẻ "gieo chữ" trên non

Bỏ phố, cõng chữ lên núi

Mai Thị Thùy Hương (1991, Quảng Trị) tốt nghiệp loại giỏi ngành Giáo dục Tiểu học tại trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng năm 2013. Sau khi ra trường, Thùy Hương nhanh chóng tìm được công việc giảng dạy tại một trường tiểu học ở thành phố. Hè năm 2014, Thùy Hương tham gia kì thi tuyển công chức và đỗ ở hai nơi: quận Liên Chiểu – Đà Nẵng và Hướng Hóa – Quảng Trị.

Mặc dù bạn bè và gia đình đều khuyên Hương ở lại sinh sống và làm việc tại Đà Nẵng, nhưng Thùy Hương quyết định nghỉ việc ở trường và chọn về vùng núi xa xôi Ba Tầng (Hướng Hóa – Quảng Trị). Tính đến nay, Thùy Hương đã có gần 3 năm gắn bó với các em học sinh dân tộc Vân Kiều nơi đây.

Mon qua 20/11 khong ngo cua co giao tre

Cô giáo Thùy Hương luôn cố gắng kết nối với những tổ chức từ thiện ở miền xuôi để xin hỗ trợ cho các em học sinh.

Hiện tại, Thùy Hương dạy và chủ nhiệm lớp 1C của điểm trường lẻ Cu Tiêng (thuộc Trường Tiểu học và THCS Ba Tầng), với 16 học sinh. “Tất cả các em đều là gia đình hộ nghèo, thiếu từ quyển vở đến cây bút. Tất cả các em gần như chưa từng biết đến mùi sách giáo khoa mới là gì. Tất cả sách các em đều dùng sách từ các lớp trước để lại hoặc sách quyên góp từ miền xuôi gửi lên", Thùy Hương kể bằng giọng nghẹn ngào.

Mon qua 20/11 khong ngo cua co giao tre

Lớp học của cô giáo Thùy Hương.

Khi được hỏi về các trường hợp học sinh bỏ học, Thùy Hương khẳng định chắc nịch: “Các em tuy gia đình đều thuộc hộ nghèo, thiếu cái ăn cái mặc, nhưng các em rất ham học. Cho đến hiện tại, lớp của tôi dạy chưa có trường hợp học sinh nào bỏ học cả. Thỉnh thoảng, có trường hợp các em nghỉ học, Hương và các thầy cô giáo xuống tận nhà các em, tìm hiểu nguyên nhân và động viên các em đến lớp trở lại”. .

Con đường từ nhà đến trường dạy học của Thùy Hương dài 50km với hầu hết là đường rừng, dốc đá lởm chởm. Mùa nắng thì nóng như đổ lửa, bụi mịt mù. Còn mùa mưa, nước suối từ đầu nguồn đổ về rất xiết, nhấn chìm con đường vốn dĩ đã khó đi.

Mon qua 20/11 khong ngo cua co giao tre

Sách giáo khoa sử dụng trong giảng dạy hầu hết là từ các lớp trước để lại hoặc quyên góp từ miền xuôi.

“Nhớ hồi mới về trường, đường bắt đầu làm nên bị cày xới, gặp trời mưa đất nhão nhoét ra, bánh xe không di chuyển được. Đã thế lại còn trơn trượt ngã lên ngã xuống không biết bao nhiêu lần, đi dạy mà lấm lem như đi cày vậy đó. Có nhiều lần ngã xuống đau quá cũng khóc rồi tự mình đứng dậy mà đi tiếp”, Thùy Hương kể lại.

Mon qua 20/11 khong ngo cua co giao tre

Cô giáo Thùy Hương - người dám từ bỏ công việc mơ ước ở thành phố để lên miền núi dạy học.

Nơi Thùy Hương dạy là trường thuộc xã miền núi, vùng sâu vùng xa nhất của Hướng Hóa. Cách xa nhà nên Hương ở lại nhà tập thể giáo viên. Mỗi tuần mới về thăm nhà một lần. Mỗi lần về, cô giáo trẻ Thùy Hương lại khăn gói cả gạo, cá khô, mắm muối để dành làm thức ăn cho cả tuần sau đó.

"Tôi tranh thủ về nhà chiều thứ 7 thì chiều chủ nhật mình lại vội vã trở lại trường để kịp chuẩn bị bài giảng cho sáng hôm sau. Ban đầu, tôi cũng nhớ nhà lắm, nhưng rồi thành quen. Các em học sinh còn thiếu thốn và thiệt thòi nhiều quá, nên những vất vả của tôi chẳng là gì cả”, Thùy Hương chia sẻ về con đường cõng chữ đến trường của mình.

Mặc dù khó khăn là vậy nhưng Thùy Hương và các giáo viên trẻ khác ở đây như Cô Quyên, Cô Liên, cô Thuần, cô Diệp Hương, thầy Hiếu,… đều luôn tự động viên lẫn nhau không được bỏ trường, bỏ lớp.

Hương bảo, vì các em học sinh ở đây thiệt thòi rất nhiều so với học sinh thành phố. Cho nên Hương và các giáo viên luôn tự nhủ sẽ gần gũi, chăm sóc các em nhiều hơn nữa để bù đắp phần nào những thiếu thốn đó.

Đóa hoa rừng tặng cô nhân ngày Nhà giáo

Thùy Hương tâm sự, mặc dù ở trường đang dạy, ngày 20/11 không có quà, có hoa như ở trường thành phố. Nhưng các thầy cô giáo như Hương không hề thấy chạnh lòng hay cô đơn. Vì Hương và mọi người hiểu rõ, gia đình các em còn khó khăn rất nhiều.

Khi chúng tôi hỏi Thùy Hương về món quà mà Hương và các giáo viên ở trường nhận được vào dịp 20/11 hằng năm, giọng Hương chùng xuống: “Các em học sinh nhà còn nghèo lắm. Nhiều em buổi sáng phải nhịn đói đến trường thì cũng không nghĩ đến chuyện mua quà cho thầy cô. Vào ngày Nhà giáo Việt Nam, nhà trường tổ chức buổi lễ nhỏ để kỉ niệm, sau đó mọi người về lớp giảng dạy như thường”.

Mon qua 20/11 khong ngo cua co giao tre

Món quà duy nhất Thùy Hương nhận được trong ngày 20/11 là những bông hoa rừng.

Theo lời Thùy Hương, mấy năm gần đây, các em học sinh đã hiểu hơn rất nhiều. Cho nên, vào dịp 20/11, nhiều em hái hoa rừng trên đường đi học rồi buộc thành bó đưa lên lớp tặng thầy cô. "Những bông hoa dại còn ướt sương sớm và những câu nói ngọng nghịu: “Em tặng cô” hoặc “Cho cô” cùng gương mặt đỏ ửng vì ngượng ngùng của các em cũng đủ làm tôi và các thầy cô giáo ở đây ấm lòng rồi”,Thùy Hương tươi cười nói.

Với những giáo viên như Thùy Hương, chỉ cần các em đến lớp đều đặn và không bỏ học là món quà lớn và ý nghĩa nhất trong sự nghiệp trồng người.

Mon qua 20/11 khong ngo cua co giao tre

Thùy Hương phát quà cho học sinh trong một lần trao quà từ thiện.

Thương các em mặc chiếc áo cũ rách, ố vàng để tới lớp; thương khi thấy các em gói sách vở trong túi nilon và chạy đầu trần đến lớp trong trời mưa. Các em vào lớp mà người ướt như chuột lột, nước chảy ròng ròng dưới chân, môi tím tái. Mùa đông đến mà các em vẫn tấm áo mỏng trong tiết trời giá rét. Những hình ảnh ấy cứ ám ảnh và hối thúc tôi cần làm gì đó giúp các em", Thùy Hương chia sẻ.

Hiểu được tinh thần ham học và sự thiếu thốn của các học sinh nơi đây, Thùy Hương luôn tìm cách kết nối với những câu lạc bộ từ thiện ở miền xuôi để xin hỗ trợ cho các em từ đôi dép, cái áo đến những cuốn vở, cây bút, sách giáo khoa để giúp các em học tập tốt hơn.

Theo Em Đẹp

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ