Môn Khoa học tự nhiên trong Chương trình GDPT mới

GD&TĐ - Khoa học tự nhiên (KHTN) là môn học phát triển từ môn Khoa học ở lớp 4, 5 (cấp tiểu học), được dạy ở các lớp 6, 7, 8 và 9, tổng số 140 tiết/ năm học.

Môn Khoa học tự nhiên giúp học sinh phát triển phẩm chất ngay từ cấp tiểu học
Môn Khoa học tự nhiên giúp học sinh phát triển phẩm chất ngay từ cấp tiểu học

Môn KHTN là gì?

Trả lời câu hỏi này, PGS.TS Mai Sỹ Tuấn - Chủ biên chương trình môn KHTN - cho biết: KHTN là môn học được xây dựng và phát triển trên nền tảng các khoa học Vật lí, Hóa học, Sinh học và Khoa học Trái đất... Đồng thời, sự tiến bộ của nhiều ngành khoa học khác liên quan như Toán học, Tin học... cũng góp phần thúc đẩy sự phát triển không ngừng của KHTN.

Đối tượng nghiên cứu của KHTN là các sự vật, hiện tượng, quá trình, các thuộc tính cơ bản về sự tồn tại, vận động của thế giới tự nhiên. Vì vậy, trong môn KHTN, những nguyên lí, khái niệm chung nhất của thế giới tự nhiên được tích hợp xuyên suốt các mạch nội dung. Trong quá trình dạy học, các mạch nội dung được tổ chức sao cho vừa tích hợp theo nguyên lí của tự nhiên, vừa đảm bảo logic bên trong của từng mạch nội dung.

Trong chương trình GDPT, môn KHTN được dạy ở THCS và là môn học bắt buộc, giúp HS phát triển các phẩm chất, năng lực đã được hình thành, phát triển ở cấp tiểu học; hình thành phương pháp (PP) học tập, hoàn chỉnh tri thức và kĩ năng nền tảng để tiếp tục học lên THPT, học nghề hoặc tham gia vào cuộc sống lao động.

Trả lời câu hỏi “Vì sao cần xây dựng môn KHTN?”, theo PGS.TS Mai Sỹ Tuấn, trong thế giới tự nhiên, mọi sự vật, hiện tượng là một thể thống nhất. Việc chia ra các lĩnh vực khoa học (hay các môn học) là để nghiên cứu sâu sự vật, hiện tượng ở một khía cạnh nhất định. Khi giải quyết một vấn đề của tự nhiên, không thể chỉ sử dụng kiến thức của một khoa học nào, mà cần kiến thức tổng hợp tích hợp từ nhiều lĩnh vực khác nhau. Tính thống nhất trong GD KHTN được thể hiện ở cả đối tượng, PP nhận thức, những nguyên lí, khái niệm cơ bản. Chính do tính thống nhất theo các nguyên lí của tự nhiên mà môn KHTN không phải là phép cộng lại một cách cơ học của các môn học riêng rẽ.

Trên thế giới có nhiều nước dạy môn “Khoa học tự nhiên” ở cấp THCS thay cho dạy học 3 môn học riêng rẽ là Vật lí, Hoá học và Sinh học. Nội dung kiến thức Vật lí, Hóa học, Sinh học liên kết với nhau thông qua các nguyên lí và khái niệm chung của tự nhiên. Việc xây dựng môn KHTN tránh được tình trạng trùng lặp kiến thức ở các môn học, đồng thời tạo thuận lợi cho thiết kế một số chủ đề tích hợp như về biến đổi khí hậu, sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên...

KHTN là môn học có ý nghĩa quan trọng với sự phát triển toàn diện của HS, có vai trò nền tảng trong hình thành, phát triển thế giới quan khoa học của HS cấp THCS. Cùng với Toán học, Công nghệ và Tin học, môn KHTN góp phần thúc đẩy GD STEM, góp phần đáp ứng yêu cầu cung cấp nguồn nhân lực trẻ cho giai đoạn CNH - HĐH đất nước.

Quan điểm xây dựng chương trình

PGS.TS Mai Sỹ Tuấn cho biết: Chương trình môn KHTN cụ thể hóa những mục tiêu, yêu cầu của Chương trình GDPT tổng thể, bao gồm: Định hướng chung cho tất cả các môn học và định hướng xây dựng chương trình môn KHTN ở cấp THCS, bao gồm:

Quan điểm hình thành, phát triển phẩm chất và năng lực HS: Chương trình môn KHTN góp phần hình thành, phát triển phẩm chất, năng lực HS thông qua nội dung GD với cốt lõi là những kiến thức cơ bản, thiết thực, thể hiện tính hiện đại, cập nhật; chú trọng thực hành, vận dụng kiến thức để giải quyết vấn đề trong học tập, đời sống; thông qua các PP, hình thức tổ chức GD phát huy tính chủ động và tiềm năng của mỗi HS; các PP kiểm tra, đánh giá phù hợp với mục tiêu GD. Chương trình đảm bảo sự phát triển năng lực của người học qua các cấp và các lớp; tạo cơ sở cho học tập tiếp lên, học tập suốt đời; tạo thuận lợi cho việc chuyển đổi giữa các giai đoạn trong GD.

PGS.TS Mai Sỹ Tuấn

Quan điểm dạy học tích hợp: KHTN là một lĩnh vực thống nhất bởi đối tượng, PP nhận thức, những khái niệm và nguyên lí chung nên việc dạy học KHTN cần tạo cho HS nhận thức được sự thống nhất đó. Mặt khác, định hướng phát triển năng lực, gắn với các tình huống thực tiễn cũng đòi hỏi tiếp cận quan điểm dạy học tích hợp. Nhiều nội dung GD cần được lồng ghép vào GD khoa học: Tích hợp GD khoa học với kĩ thuật, với GD sức khoẻ, GD bảo vệ môi trường, phát triển bền vững...

Môn KHTN quan tâm tới những nội dung kiến thức gần gũi với cuộc sống hằng ngày của HS, tăng cường vận dụng kiến thức, kĩ năng khoa học vào các tình huống thực tế; góp phần phát triển ở HS khả năng thích ứng trong một thế giới biến đổi không ngừng. Chương trình đồng thời bảo đảm tính khả thi, phù hợp với các nguồn lực để thực hiện chương trình như giáo viên, thời lượng, cơ sở vật chất... 

Quan điểm kế thừa và phát triển: Chương trình môn KHTN bảo đảm kế thừa và phát triển những ưu điểm của chương trình các môn học đã có của Việt Nam tiếp thu kinh nghiệm của những nền GD tiên tiến;bảo đảmkết nối chặt chẽ giữa các lớp học, cấp học với nhau và liên thông với chương trình của các môn học Vật lí, Hoá học, Sinh học ở cấp THPT và chương trình GD nghề nghiệp.

Quan điểm GD toàn diện: Chương trình môn KHTN góp phần hình thành và phát triển phẩm chất và năng lực HS thông qua nội dung GD với những kiến thức, kĩ năng cơ bản, thiết thực, thể hiện tính toàn diện, hiện đại và cập nhật; chú trọng thực hành, vận dụng kiến thức, kĩ năng để giải quyết vấn đề trong học tập và đời sống; thông qua các PP, hình thức tổ chức GD phát huy tính chủ động và tiềm năng của mỗi HS; các PP kiểm tra, đánh giá phù hợp với mục tiêu GD. Chương trình bảo đảm sự phát triển năng lực của HS qua các cấp học, lớp học; tạo thuận lợi cho việc chuyển đổi giữa các giai đoạn trong GD; tạo cơ sở cho học tập suốt đời.

Quan điểm kết hợp lí thuyết với thực hành và phù hợp với thực tiễn Việt Nam: Thông qua hoạt động thực hành trong phòng thực hành và trong thực tế, chương trình môn KHTN giúp HS nắm vững lí thuyết, đồng thời có khả năng vận dụng kiến thức, kĩ năng KHTN vào thực tiễn đời sống.

Góp phần hình thành và phát triển thế giới quan khoa học cho HS

Chia sẻ của PGS.TS Mai Sỹ Tuấn, phát triển phẩm chất, năng lực chung và năng lực chuyên môn được thực hiện thông qua nội dung dạy học môn KHTN. Môn KHTN giúp cho HS biết trân trọng, giữ gìn, bảo vệ tự nhiên; có thái độ, hành vi tôn trọng các quy định chung về bảo vệ tự nhiên; hứng thú khi tìm hiểu thế giới tự nhiên và vận dụng kiến thức vào bảo vệ thế giới tự nhiên của quê hương, đất nước. Thông qua dạy học, môn KHTN GD cho HS biết yêu lao động, có ý chí vượt khó; có ý thức bảo vệ, giữ gìn sức khoẻ của bản thân, của người thân trong gia đình và cộng đồng.

Môn KHTN góp phần hình thành, phát triển các năng lực chung quy định trong Chương trình GDPT tổng thể và góp phần chủ yếu trong việc hình thành và phát triển thế giới quan khoa học của HS; đóng vai trò quan trọng trong việc GD HS phẩm chất tự tin, trung thực, khách quan, tình yêu thiên nhiên, hiểu, tôn trọng và biết vận dụng các quy luật của thế giới tự nhiên để từ đó biết ứng xử với thế giới tự nhiên phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững; đồng thời hình thành và phát triển được các năng lực tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo.

Môn KHTN đồng thời hình thành, phát triển cho HS năng lực KHTN, gồm các thành phần: Nhận thức KHTN, được thể hiện qua khả năng trình bày, giải thích và vận dụng được những kiến thức phổ thông cốt lõi về thành phần cấu trúc, sự đa dạng, tính hệ thống, quy luật vận động, tương tác và biến đổi của thế giới tự nhiên; với các chủ đề khoa học: Chất và sự biến đổi của chất, vật sống, năng lượng và sự biến đổi vật lí, Trái đất và bầu trời; vai trò và cách ứng xử phù hợp của con người với môi trường tự nhiên;

Tìm hiểu thế giới tự nhiên, được thể hiện qua khả năng thực hiện được một số kĩ năng cơ bản trong tìm hiểu một số sự vật, hiện tượng trong thế giới tự nhiên và trong đời sống: Quan sát, thu thập thông tin; dự đoán, phân tích, xử lí số liệu; dự đoán kết quả nghiên cứu; suy luận, trình bày;

Qua môn học, HS bước đầu vận dụng kiến thức KHTN và kĩ năng đã học vào giải quyết vấn đề của một số tình huống đơn giản trong thực tiễn; mô tả, dự đoán, giải thích được các hiện tượng khoa học đơn giản; ứng xử thích hợp trong một số tình huống có liên quan đến vấn đề bản thân, gia đình và cộng đồng; trình bày được ý kiến cá nhân nhằm vận dụng kiến thức đã học vào bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và phát triển bền vững.

_____________________

Bài 2: Nội dung môn học và giải pháp giảm tải

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ