Môn tin học trong Chương trình GDPT mới

GD&TĐ - “Môn Tin học giúp HS thích ứng, hoà nhập được với xã hội hiện đại; hình thành, phát triển cho HS năng lực tin học để học tập, làm việc và nâng cao chất lượng cuộc sống, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Môn học cũng tạo cơ sở ứng dụng ICT để đổi mới tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá, phát triển nhiều phương thức dạy học hiện đại, hiệu quả” - PGS.TS Hồ Sĩ Đàm, chủ biên Chương trình môn Tin học trong Chương trình GDPT mới, cho biết.  

Môn tin học trong Chương trình GDPT mới

Phân hóa theo hai định hướng

Ông có thể chia sẻ về mục tiêu của Chương trình môn Tin học ở giai đoạn GD cơ bản?

- Ở giai đoạn GD cơ bản, môn Tin học giúp HS hình thành, phát triển khả năng sử dụng công cụ kĩ thuật số, làm quen, sử dụng Internet; bước đầu hình thành, phát triển tư duy giải quyết vấn đề với sự hỗ trợ của máy tính, hệ thống thông tin; hiểu, tuân theo các nguyên tắc cơ bản trong trao đổi và chia sẻ thông tin.

Ở tiểu học, chủ yếu HS học sử dụng các phần mềm đơn giản hỗ trợ học tập,sử dụng thiết bị tin học tuân theo các nguyên tắc giữ gìn sức khoẻ, bước đầu được hình thành tư duy giải quyết vấn đề có sự hỗ trợ của máy tính.

Ở THCS, HS học sử dụng, khai thác các phần mềm thông dụng để làm ra sản phẩm số phục vụ học tập, đời sống; thực hành phát hiện, giải quyết vấn đề một cách sáng tạo với sự hỗ trợ của công cụ và các hệ thống tự động hoá của công nghệ kĩ thuật số; học cách tổ chức lưu trữ, quản lí, tra cứu và tìm kiếm dữ liệu số, đánh giá và lựa chọn thông tin.

Ở giai đoạn GD hướng nghiệp, Chương trình môn Tin học thể hiện sự phân hóa như thế nào, thưa ông?

- Chương trình môn Tin học ở THPT được phân hóa theo hai định hướng, có thể chọn học một trong hai định hướng đó. Thứ nhất là Tin học ứng dụng nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng máy tính như công cụ không thể thiếu trong các ngành nghề, lĩnh vực. Thứ hai là Khoa học máy tính đáp ứng mục đích bước đầu tìm hiểu nguyên lí hoạt động của hệ thống máy tính, phát triển tư duy máy tính, khả năng tìm tòi, khám phá, kĩ năng phát triển phần mềm, dịch vụ giá trị gia tăng trên hệ thống máy tính nhằm chuẩn bị cho HS bước vào bậc học tiếp theo hoặc ra đời lập nghiệp trong lĩnh vực tin học.

Bên cạnh nội dung GD cốt lõi, mỗi năm học, HS có thể chọn học một số chuyên đề tùy theo sở thích, nhu cầu, định hướng nghề nghiệp. Chuyên đề học tập môn Tin học cũng được tổ chức theo hai định hướng là Tin học ứng dụng và Khoa học máy tính.

Định hướng Tin học ứng dụng đáp ứng số đông HS có sở thích cá nhân hoặc có dự kiến theo những ngành nghề khác nhau, kể cả thuộc hay không thuộc lĩnh vực tin học, sử dụng máy tính như công cụ nâng cao chất lượng, hiệu suất làm việc.

Định hướng Khoa học máy tính sẽ chuẩn bị tốt đầu vào cho nhiều khoa Công nghệ thông tin (CNTT) cũng như các ngành đòi hỏi cao về kiến thức, kĩ năng tin học, tư duy máy tính…

“Chương trình môn Tin học có tính mở cao, địa phương có thể lựa chọn dạy các chủ đề tùy chọn khác nhau, ngay cả khi dạy cùng chủ đề bắt buộc thì các địa phương có thể theo các bộ SGK với những lựa chọn công cụ phần mềm khác nhau. Do vậy, đánh giá năng lực tin học trên diện rộng, toàn quốc phải căn cứ trên chuẩn cần đạt đối với các chủ đề bắt buộc, tránh xây dựng công cụ đánh giá dựa vào SGK hay các chủ đề tuỳ chọn cụ thể”. PGS.TS Hồ Sĩ Đàm
“Chương trình môn Tin học có tính mở cao, địa phương có thể lựa chọn dạy các chủ đề tùy chọn khác nhau, ngay cả khi dạy cùng chủ đề bắt buộc thì các địa phương có thể theo các bộ SGK với những lựa chọn công cụ phần mềm khác nhau. Do vậy, đánh giá năng lực tin học trên diện rộng, toàn quốc phải căn cứ trên chuẩn cần đạt đối với các chủ đề bắt buộc, tránh xây dựng công cụ đánh giá dựa vào SGK hay các chủ đề tuỳ chọn cụ thể”. PGS.TS Hồ Sĩ Đàm 

Môn Tin học đóng góp vào việc hình thành và phát triển năng lực tin học cho HS như thế nào?

- Môn Tin học đóng vai trò chủ đạo trong hình thành, phát triển năng lực tin học gồm 5 thành phần: Sử dụng và quản lý các phương tiện CNTT và truyền thông; Ứng xử phù hợp trong môi trường số; Giải quyết vấn đề với sự hỗ trợ của CNTT và truyền thông; Ứng dụng CNTT và truyền thông trong học và tự học; Hợp tác trong môi trường số.

Năm thành phần của năng lực tin học được hình thành, phát triển thông qua các mạch kiến thức, các chủ đề nội dung và các yêu cầu cần đạt tương ứng là:

Ba mạch kiến thức: Khoa học máy tính (CS); CNTT và truyền thông (ICT) và Học vấn số hóa phổ thông (DL). Mỗi mạch kiến thức chứa ít nhiều những kiến thức thuộc một hoặc cả hai mạch kiến thức còn lại, không thể tách rời. Do đó mỗi nội dung kiến thức cung cấp cho HS có sự hoà lẫn, bện chặt vào nhau của ba mạch kiến thức đó. Tuỳ theo ý nghĩa, vai trò trọng tâm của một nội dung trong hệ thống kiến thức Tin học phổ thông mà xem nó thuộc về mạch kiến thức nào. Một chủ đề nội dung có thể nằm trong cả 2 hoặc 3 mạch kiến thức nói trên. Có những đơn vị kiến thức khó phân định rạch ròi chỉ nằm trong một mạch kiến thức, nhưng có những chủ đề hàm lượng của mạch kiến thức này nhiều hơn mạch kiến thức khác.

Có 7 chủ đề lớn xuyên suốt từ lớp 3 đến lớp 12, gồm: Máy tính và xã hội tri thức; Mạng máy tính và Internet; Tổ chức, lưu trữ, tìm kiếm và trao đổi thông tin; Đạo đức, pháp luật và văn hóa trong môi trường số hóa; Ứng dụng tin học; Giải quyết vấn đề với sự trợ giúp của máy tính; Hướng nghiệp với tin học. Mỗi chủ đề trực tiếp hình thành, phát triển một hoặc nhiều thành phần năng lực đồng thời góp phần phát triển các thành phần khác.

Khai thác những ưu thế có tính đặc thù của tin học

Ông có thể chia sẻ những điểm mới cơ bản về phương pháp GD tin học trong Chương trình mới?

- Định hướng mới về phương pháp GD tin học là khai thác những ưu thế có tính đặc thù của tin học để tổ chức cho HS hoạt động giải quyết các vấn đề thực tế và để HS chủ động cập nhật kiến thức trong môi trường số. Định hướng nói trên được thể hiện cụ thể hơn ở những nội dung dưới đây:

Coi trọng dạy học trực quan, thực hành. Phương pháp dạy học (PPDH) thực hành rất quan trọng để phát triển năng lực sử dụng công cụ, phần mềm kĩ thuật số cho HS; đặc biệt khi triển khai các chủ đề của định hướng Tin học ứng dụng. PPDH nêu, giải quyết vấn đề phù hợp với nhiều chủ đề của định hướng Khoa học máy tính nhằm phát triển tư duy máy tính cho HS. HS được cuốn hút vào các hoạt động học tập tự khám phá, bổ sung kiến thức chứ không thụ động tiếp thu những kiến thức đã được giáo viên sắp đặt.

Môn Tin học sẽ có những phân hóa theo từng bậc học
Môn Tin học sẽ có những phân hóa theo từng bậc học 

Khai thác tính đa dạng của môi trường số để HS chủ động thu thập xử lí và đánh giá thông tin. Một ưu thế của môn Tin học là tạo nhiều cơ hội để có thể sử dụng PPDH theo hướng hoạt động, làm dự án nhằm phát huy khả năng vận dụng kiến thức, kĩ năng giải quyết vấn đề thực tiễn, tăng cường tính chủ động, phát triển khả năng làm việc nhóm, năng lực tự học của HS.

Khai thác khả năng vận dụng các phương pháp dạy học khác nhau. Tùy theo nội dung bài, giáo viên lựa chọn, phối hợp các hình thức tổ chức dạy học cho hiệu quả. Có thể thiết kế các hoạt động học tập phù hợp, sử dụng máy tính như công cụ hỗ trợ để HS tự khám phá, rèn luyện tư duy dự đoán, phân tích, tổng hợp, khái quát vấn đề. Một số chủ đề liên quan trực tiếp đến lập luận, suy diễn logic, tư duy thuật toán và giải quyết vấn đề có thể được dạy học không nhất thiết phải có máy tính.

Khai thác hình thức GD đa dạng. Thực hiện dạy học tích hợp liên môn và GD STEM, giáo viên cần chọn lọc các chủ đề thiết thực, hấp dẫn, tạo điều kiện cho HS học tập, ứng dụng tin học không chỉ trong phạm vi môn Tin học mà cả trong các môn học khác, không chỉ trong khuôn viên nhà trường mà cả ở môi trường ngoài khuôn viên trường. Gắn nội dung kiến thức với các vấn đề thực tế, yêu cầu HS không chỉ đề xuất giải pháp cho vấn đề mà còn phải biết kiểm chứng hiệu quả của giải pháp thông qua sản phẩm số hóa.

Áp dụng PPDH phân hóa và theo tình huống. Ở THCS, giúp HS lựa chọn những chủ đề tùy chọn thích hợp, khơi gợi niềm đam mê và giúp HS phát hiện khả năng của mình đối với môn Tin học, chuẩn bị cho sự lựa chọn môn Tin học ở THPT. Ở THPT, cần lưu ý tới sự khác nhau không chỉ về nội dung kiến thức mà cả về PPDH phù hợp với đặc trưng, yêu cầu cần đạt riêng của hai định hướng Khoa học máy tính và Tin học ứng dụng.

Xin cảm ơn ông!

Bài 2. 10 điểm mới nổi bật

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các chiến binh Houthi cùng hệ thống 2K12 Kub.

Ác mộng với tiêm kích Mỹ

GD&TĐ - Lực lượng Ansar Allah (Houthi) ở Yemen tuyên bố đã bắn hạ một tiêm kích hạm F/A-18 của Hải quân Mỹ khi tham gia chiến dịch tấn công Houthi.