Mối nguy từ “tự giải cứu”

GD&TĐ - Lúc 3 giờ sáng hôm qua, 27/8, tổ Tuần tra kiểm soát của Trạm cảnh sát giao thông cửa ô Hòa Hiệp (Đà Nẵng) đã phát hiện 3 xe mô tô cùng 6 thanh niên trên xe đang chạy về hướng Thừa Thiên - Huế.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Khai với lực lượng tuần tra, những người này thừa nhận đều ở Quảng Trị, lao động phổ thông tại Đà Nẵng, bị mắc kẹt từ hơn một tháng qua, đang gặp khó khăn về ăn, ở nhưng không biết cách nào để về quê tìm việc nên “tự giải cứu”. 

Trước đó, cũng tại khu vực nam đèo Hải Vân, lực lượng CSGT cũng đã phát hiện một xe ô tô 16 chỗ chở đầy người, chuẩn bị ra Huế để về Hà Tĩnh. Họ cũng khai với cơ quan chức năng là đang bức bí vì mắc kẹt ở Đà Nẵng lâu quá mà không biết làm gì để sống qua ngày, trong khi chính quyền lại không có giải pháp gì ngoài một ít lương thực hỗ trợ từ các tổ chức từ thiện nên buộc phải làm cái việc chẳng đặng đừng là “trốn” khỏi Đà Nẵng dù vẫn biết đó là hành vi sai trái.

Số người lao động làm thuê tại Đà Nẵng có quê ở phía bắc Hải Vân, chỉ có một cách “tự giải cứu” là vượt đèo nếu đi xe máy và chui hầm nếu đi ô tô nên lực lượng chức năng sẽ không quá khó khăn để phát hiện và giữ họ lại bởi thế “độc đạo” này. Thế nhưng, số lao động có quê Quảng Nam, Quảng Ngãi và các tỉnh phía nam khi rời Đà Nẵng những ngày qua là không quá khó vì họ có trăm ngả để “tự giải cứu” khi tình cảnh dịch bệnh ở Đà Nẵng đang đưa họ vào ngõ cụt.

Được biết, TP Đà Nẵng đã hơn một lần đề nghị với các tỉnh lân cận có công dân đang mắc kẹt tại đây cần tìm một giải pháp căn cơ để đưa họ trở lại quê nhà sau khi thời hạn giãn cách 14 ngày đã hết mà dịch bệnh thì vẫn chưa được khống chế hoàn toàn. Tuy nhiên, đáp lại lời đề nghị đó chỉ có Quảng Ngãi. Các tỉnh lấy lý do là còn đợi ý kiến của Thủ tướng thì mới dám đưa công dân mình về.

Việc sợ trách nhiệm và quá thụ động này đã dẫn đến những hệ lụy khó lường nếu như trong số những người “tự giải cứu” kia nhiễm bệnh và mang về quê lây nhiễm cho cộng đồng. Chuyện đón đồng bào mình về quê dưới sự giám sát nghiêm ngặt của cơ quan y tế và lực lượng công an thì có gì khó khăn mà vẫn cứ phải chờ ý kiến của Thủ tướng thì thật khó hiểu.

Tỉnh Quảng Ngãi đã báo cáo sự việc “giải cứu” của mình lên các cấp rồi đem hàng chục chiếc xe ca ra Đà Nẵng để đón công dân của mình hôm 22/8. Tất cả số người này đang được cách ly theo quy định và đang được lấy mẫu xét nghiệm để có hướng xử lý nếu dương tính với SARS-CoV-2. Không một ai trong số họ phàn nàn là tại sao phải cách ly. Ngược lại, tất cả đều ủng hộ và hợp tác với chính quyền để chống dịch một cách hiệu quả và an toàn nhất.

Đà Nẵng là trung tâm kinh tế, văn hóa của cả miền Trung nên việc người dân đổ dồn về đây để lao động và học tập là dễ hiểu. Giãn cách 14 ngày thì có thể còn cầm cự chứ chịu đựng thêm với người ngoại tỉnh lúc này thì quá sức với cả người muốn về quê lẫn chính quyền Đà Nẵng. Vì vậy, các tỉnh không nên chờ ý kiến cấp trên để tiếp tục “làm khó” cho dân và chính quyền Đà Nẵng nữa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.