Doanh nghiệp, hộ kinh doanh “kiệt sức” vì dịch: Giải cứu người lao động bằng cách nào?

Doanh nghiệp, hộ kinh doanh “kiệt sức” vì dịch: Giải cứu người lao động bằng cách nào?

9.872 người nộp hồ sơ lĩnh bảo hiểm thất nghiệp

Cách đây hai tháng, khi dịch Covid-19 bùng phát từ Trung Quốc, không ai có thể nghĩ mức độ tàn phá của dịch lại nặng nề cho nền kinh tế mọi quốc gia như những ngày vừa qua. Mệnh lệnh cách ly toàn xã hội từ 0 giờ ngày 1/4/2020 trong 15 ngày nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19, trước đó là lệnh cấm quán xá hoạt động, buôn bán, đã và sẽ tác động không nhỏ đến phương kế sinh nhai của nhiều lao động.

Thống kê sơ bộ của Sở LĐ-TB&XH TPHCM cho thấy, trong hai tháng qua, hàng nghìn doanh nghiệp đã phải cắt giảm quy mô sản xuất, giảm giờ làm vì dịch Covid-19. Cụ thể, hơn 2,8 triệu lao động ngành dệt may, gần nửa triệu lao động ngành hàng không, đường sắt, đường bộ... đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ giảm lương, nghỉ việc không lương cho đến tạm dừng sản xuất. Đó là chưa kể hàng triệu hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp nhỏ và vừa các lĩnh vực ăn uống, dịch vụ, du lịch, sản xuất tiêu dùng bị ảnh hưởng lớn vì tụt giảm lượng khách, nhu cầu nguồn cung cũng như lệnh tạm ngừng kinh doanh từ TPHCM.

Theo Sở LĐ-TB&XH TPHCM chỉ trong tháng 2/2020 có 9.872 người nộp hồ sơ lĩnh bảo hiểm thất nghiệp, tăng gần 4.000 người (tăng 80%) so với tháng 1 năm ngoái. Tháng 3/2020 dự kiến số lượng người thất nghiệp sẽ còn tiếp tục tăng khi hàng nghìn doanh nghiệp phải đóng cửa và phá sản bởi tác động ngày càng lớn của dịch Covid-19.

Đánh giá của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân TPHCM cũng cho biết: Nếu dịch Covid-19 kéo dài thêm 6 tháng nữa, 60% doanh nghiệp giảm doanh thu 50%. Trong đó, gần 74% doanh nghiệp được khảo sát cho biết có nguy cơ phá sản. Việc doanh nghiệp đóng cửa sẽ làm tăng tỉ lệ thất nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của hàng triệu hộ gia đình.

Không chỉ đối mặt với những khó khăn hiện hữu trước mắt, nhiều chuyên gia kinh tế, xã hội học còn cho rằng: Nền kinh tế Việt Nam sẽ còn đối mặt với “làn sóng” mất việc làm lần thứ 2 sau khi dịch đi qua. Đó là khi nền kinh tế rơi vào kiệt quệ, suy yếu vì các giải pháp quyết liệt trong chống dịch Covid-19. Các gia đình sẽ đối mặt với thiếu thốn vì kinh tế suy kiệt, doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải cắt giảm chi tiêu.

Doanh nghiệp, hộ kinh doanh “kiệt sức” vì dịch: Giải cứu người lao động bằng cách nào? ảnh 1
Hàng loạt các hộ kinh doanh phải đóng cửa vì dịch Covid-19. Ảnh minh họa

Quyết liệt hỗ trợ cho người lao động

Để chung vai với người dân và doanh nghiệp trong cuộc chiến với dịch Covid-19, Chính phủ đã tung gói tín dụng 250.000 tỷ đồng, gói tài khóa 30.000 tỷ đồng và hàng loạt biện pháp khác để giúp doanh nghiệp vượt qua dịch Covid-19. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia kinh tế, những giải pháp đang được Chính phủ áp dụng sẽ chỉ giảm áp lực tài chính, dòng tiền cho chủ doanh nghiệp. Còn với người dân, cụ thể là người lao động, đặc biệt là với lao động mất việc áp lực và gánh nặng chi tiêu cho cuộc sống hàng ngày của gia đình vẫn còn rất nặng nề.

Chia sẻ với người dân, TPHCM đã thực hiện giải pháp hỗ trợ cho hơn 600.000 lao động mất việc vì dịch tại địa phương, mỗi người 1 triệu đồng/tháng trong vòng 3 tháng. Bên cạnh đó, TPHCM cũng đang xây dựng nhiều chính sách hỗ trợ cho người vô gia cư, lao động mất việc dài hạn nhằm ổn định tốt nhất chính sách an sinh xã hội.

Tại cuộc họp mới đây của Thường trực UBND TPHCM, ông Nguyễn Thiện Nhân - Bí thư Thành ủy TPHCM đã đề nghị UBND khẩn cấp nghiên cứu các giải pháp tín dụng. Qua đó nhằm hỗ trợ thêm nữa cho lao động mất việc, lao động tự do đặc biệt là người vô gia cư. Bên cạnh đó là các chính sách miễn, giảm, hoãn việc nộp thuế, đóng BHYT, BHXH trong thời gian dài nhằm giúp các doanh nghiệp và người dân bớt khó khăn.

Để giảm áp lực và gánh nặng cho nền kinh tế, công tác quản lý của các địa phương, ngày 30/3, Bộ LĐ-TB&XH cũng đã khẩn cấp đề xuất Chính phủ 6 nhóm giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động mất việc. Trong các nhóm giải pháp và chính sách đề xuất đáng chú ý nhất là kiến nghị cho người lao động mất việc, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh sẽ được hỗ trợ vay vốn ưu đãi với thời hạn vay tối đa là 12 tháng, lãi suất 3,96%/năm, bằng 50% lãi suất cho vay đối với hộ cận nghèo từ Ngân hàng Chính sách Xã hội.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, chính sách tài chính này sẽ hướng tới khoảng 350.000 lao động với mức vay bình quân 30 triệu đồng/người và 20.000 cơ sở sản xuất kinh doanh mức vay bình quân 500 triệu đồng/cơ sở. Số tiền huy động cần khoảng 20.000 tỷ đồng, kinh phí cấp bù lãi suất chỉ khoảng 800 tỷ đồng nhưng sẽ bảo đảm tốt chính sách an sinh xã hội trong thời gian dài.

“Chúng ta cần có nhiều phương án để bảo đảm quyền lợi cho người lao động và các đối tượng dễ chịu tổn thương như không được đóng bảo hiểm, không có lương. Thậm chí có các giải pháp mạnh hơn như hỗ trợ người dân thông qua giảm thuế VAT, thuế thu nhập cá nhân để bớt gánh nặng chi tiêu, kích cầu”. - TS Nguyễn Quang Tiệp (Viện trưởng Viện Đào tạo Kinh tế quốc tế - Bộ KHCN) 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ