Mối lo về 'sói đơn độc'

GD&TĐ - Nhật Bản đang đối mặt với thách thức về bảo vệ yếu nhân do nguy cơ các 'sói đơn độc' tấn công bất ngờ.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Nhật Bản đang đối mặt với thách thức về bảo vệ yếu nhân do nguy cơ các “sói đơn độc” tấn công bất ngờ, mới nhất là vụ ném bom khói vào Thủ tướng Fumio Kishida.

Hội nghị Ngoại trưởng G7 đang diễn ra tại thị trấn Karuizawa ở tỉnh Nagano, Nhật Bản trong bối cảnh an ninh được thắt chặt. Trước đó, hôm 15/4, một thiết bị nổ đã bị ném về phía Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida khi ông thực hiện bài phát biểu trước công chúng tại Wakayama.

Vụ tấn công này không gây hậu quả nhưng gợi nhớ đến vụ ám sát cựu Thủ tướng Shinzo Abe hồi năm ngoái, khi ông cũng đang đứng diễn thuyết trước đám đông.

Nghi phạm vụ ném bom khói hành động một mình và được coi là một “sói đơn độc”. Sau vụ việc này, ông Kishida vẫn tiếp tục các bài diễn thuyết vận động tranh cử tại nơi công cộng khác mà không thay đổi kế hoạch.

Ông vẫn đứng phát biểu trên sân khấu, xung quanh là các sĩ quan cảnh sát mặc đồng phục và thường phục, còn bên dưới là đám đông đứng xem. Ông thậm chí còn bắt tay với một số người đứng nghe.

Không giống như các quốc gia khác như Mỹ, nơi các diễn giả chính trị nổi tiếng thường đứng xa khán giả và được che chắn bằng kính chống đạn, còn tại các cuộc vận động tranh cử ở Nhật Bản, các chính trị gia thường bắt tay và phát biểu trước số lượng lớn khán giả mà không hề có điểm kiểm tra an ninh.

Theo các chuyên gia, chính những yếu tố này đã tạo ra kẽ hở an ninh ở Nhật Bản. Tại vụ việc ở thành phố Wakayama vừa qua, thiết bị nổ đã bị ném vào khu vực của Thủ tướng Kishida và rơi xuống vị trí chỉ cách ông khoảng 1 mét ngay trước khi ông có bài phát biểu trước đám đông khoảng 200 người. Trong khi đó, số người mà các chính trị gia bắt tay lại được cho là ảnh hưởng trực tiếp đến số phiếu bầu mà họ thu được.

Trên thực tế, sau vụ ám sát cựu Thủ tướng Shinzo Abe hồi tháng 7/2022 đã có những thay đổi về an ninh bảo vệ các chính trị gia tại Nhật Bản. Trong đó có việc bổ sung việc tiến hành kiểm tra chung địa điểm diễn thuyết trước khi yếu nhân xuất hiện cùng một số yêu cầu chi tiết khác.

Trong vụ việc với ông Kishida, các nhân viên an ninh hộ tống ông đã có phản ứng kịp thời khi ngay lập tức gạt quả bom khói và sử dụng một chiếc vali chống đạn để bảo vệ Thủ tướng Nhật Bản.

Đây được cho là dấu hiệu của sự cải thiện của các biện pháp an ninh so với vụ ám sát ông Abe hồi năm ngoái, khi tay súng Tetsuya Yamagami đã lợi dụng lỗ hổng an ninh để thoải mái bắn ông từ phía sau lưng.

Tuy đã có cải thiện, mối lo về các “sói đơn độc” như vụ ám sát ông Abe và vụ ném bom khói vào Thủ tướng Kishida vẫn còn hiện hữu, nhất là thời điểm Nhật Bản sắp tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh G7 vào tháng 5 tới tại Hiroshima.

Đây là sự kiện lớn nhất do Nhật Bản đảm nhận kể từ Hội nghị Thượng đỉnh G20 năm 2019 tại Osaka. Nhật Bản đang cố gắng giải quyết mọi thách thức an ninh tiềm tàng đối với sự kiện lớn này, trong đó việc ngăn ngừa các cuộc tấn công của “con sói đơn độc” như nghi phạm ám sát cựu Thủ tướng Abe và ném bom khói vào Thủ tướng Kishida sẽ trở thành một trong những trọng tâm về an ninh.

Nhưng theo các chuyên gia, việc này được cho là khó hơn nhiều so với ngăn ngừa các vụ tấn công từ các tổ chức khủng bố vì “những con sói đơn độc” vốn đã bị cô lập khỏi xã hội nên khó đoán định hành vi của chúng từ trước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.