Ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập, gồm 34 chiến sĩ, chia thành 3 tiểu đội, do đồng chí Hoàng Sâm làm Đội trưởng, đồng chí Xích Thắng làm Chính trị viên.
Từ Đội tự vệ đến Quân đội Nhân dân
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, Nguyên Bình, Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam được thành lập theo Chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh.
Trong Chỉ thị, Người ghi rõ: “Tên ‘Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân” nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự. Nó là đội tuyên truyền”; “Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân là đội quân đàn anh, mong cho chóng có những đội đàn em khác. Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam”.
Đồng chí Võ Nguyên Giáp được Trung ương Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh ủy nhiệm tổ chức, lãnh đạo, chỉ huy, tuyên bố thành lập Đội, gồm 34 người, biên chế thành 3 tiểu đội do đồng chí Hoàng Sâm làm Đội trưởng, đồng chí Xích Thắng làm Chính trị viên, có chi bộ Đảng lãnh đạo. Ngày 22/12/1944 được lấy làm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Ngay sau ngày thành lập, vào lúc 17 giờ ngày 25/12/1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã mưu trí, bất ngờ đột nhập đồn Phai Khắt và 7 giờ sáng hôm sau (26/12) lại đột nhập đồn Nà Ngần (đều đóng tại châu Nguyên Bình, Cao Bằng), tiêu diệt hai tên đồn trưởng, bắt sống toàn bộ binh lính địch, mở đầu cho truyền thống quyết chiến, quyết thắng của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Tháng 4/1945, Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ của Đảng quyết định hợp nhất các tổ chức vũ trang thành Việt Nam giải phóng quân. Trong Cách mạng tháng Tám 1945, Việt Nam giải phóng quân cùng lực lượng vũ trang các địa phương và nhân dân tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Cách mạng thành công, Việt Nam giải phóng quân được đổi thành Vệ quốc đoàn, rồi Quân đội Quốc gia Việt Nam (1946); từ năm 1950 được gọi là Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Đỉnh cao nghệ thuật quân sự
Cuối năm 1946, theo quyết định của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả nước chia thành 12 chiến khu. Lúc này, ở Nam Bộ vẫn tổ chức các chi đội Vệ quốc đoàn, ở Bắc Bộ và Trung Bộ có 30 trung đoàn và một số tiểu đoàn.
Đêm 19/12/1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Mùa Xuân năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng và Chính phủ lên Việt Bắc, nơi đây trở thành trung tâm chỉ đạo kháng chiến của cả nước. Thu Đông năm 1947, Pháp huy động hơn một vạn quân bất ngờ tấn công Việt Bắc nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến và bộ đội chủ lực của ta nhưng bị ta phản công loại khỏi vòng chiến đấu hơn 7.000 tên địch, bảo vệ an toàn cơ quan đầu não và căn cứ địa kháng chiến.
Sau chiến dịch Việt Bắc năm 1947, quân đội có bước trưởng thành nhưng chưa có khả năng mở chiến dịch lớn. Để đánh bại âm mưu bình định của địch, ta chủ trương vừa phát động chiến tranh du kích vừa học tập tác chiến tập trung. Các tiểu đoàn tập trung được củng cố xây dựng và từng bước tiến lên đánh những trận phục kích, tập kích lớn. Từ đầu năm 1948 đến giữa năm 1950, bộ đội ta liên tiếp mở trên 20 chiến dịch nhỏ trên các chiến trường. Mức độ tập trung cho mỗi chiến dịch từ 3 đến 5 tiểu đoàn, sau nâng dần lên 2 đến 3 trung đoàn, có chiến dịch sử dụng cả sơn pháo và trọng liên.
Từ giữa năm 1949, Bộ Tổng tư lệnh chủ trương rút các đại đội độc lập về xây dựng các trung đoàn, đại đoàn chủ lực. Ngày 28/8/1949, Đại đoàn 308 ra đời; ngày 10/3/1950, Đại đoàn 304 được thành lập. Tháng 6/1950, Trung ương Đảng mở chiến dịch Biên giới, chủ động tấn công Pháp, loại khỏi vòng chiến hơn 8.000 tên địch, giải phóng khu vực biên giới từ Cao Bằng đến Đình Lập (Lạng Sơn).

Sau chiến dịch Biên giới, các đại đoàn chủ lực tiếp tục được thành lập. Trong vòng 6 tháng từ tháng 12/1950 đến tháng 6/1951, ta liên tiếp mở ba chiến dịch mang tên Trần Hưng Đạo, Hoàng Hoa Thám, Quang Trung. Đó là những chiến dịch quy mô lớn đầu tiên đánh vào phòng tuyến kiên cố của địch ở Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ, diệt hơn một vạn tên địch, trong đó số nhiều là quân cơ động.
Tháng 11/1951, Bộ Chính trị mở chiến dịch Hòa Bình, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 6.000 tên địch ở mặt trận Hòa Bình và hơn 15.000 tên địch ở mặt trận địch hậu. Trong chiến dịch này, bộ đội ta có bước tiến bộ mới về trình độ chiến thuật, kỹ thuật, về khả năng chiến đấu liên tục dài ngày, về sự phối hợp tác chiến.
Đầu tháng 9/1952, Bộ Chính trị mở chiến dịch Tây Bắc, tiêu diệt và bắt hơn 6.000 tên địch, giải phóng một vùng rộng lớn, nối thông vùng giải phóng Tây Bắc với căn cứ địa Việt Bắc và Thượng Lào.
Trước thay đổi cục diện chiến tranh Đông Dương, tháng 9/1953, Bộ Chính trị mở cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954. Sau khi thực dân Pháp đổ quân đánh chiếm Điện Biên Phủ, Bộ Chính trị mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau 56 ngày đêm, quân và dân ta đã đập tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, loại khỏi vòng chiến 16.200 tên địch, bắn rơi và phá huỷ 62 máy bay, thu toàn bộ vũ khí, kho tàng, cơ sở vật chất kỹ thuật của địch ở Điện Biên Phủ.
Chiến thắng Điện Biên Phủ giáng một đòn quyết định vào ý chí xâm lược, buộc thực dân Pháp phải ký kết Hiệp định Genève về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam. Chiến dịch Điện Biên Phủ là một điển hình xuất sắc, là đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp đồng thời là minh chứng cho sự phát triển vượt bậc của quân đội ta sau 10 năm xây dựng, chiến đấu và chiến thắng.

Quyết chiến, quyết thắng
Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ mở ra một giai đoạn phát triển mới của cách mạng Việt Nam. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng giai đoạn mới, tháng 3/1957, Hội nghị Trung ương lần thứ 12 ra Nghị quyết xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, nêu rõ: “Tích cực xây dựng một quân đội nhân dân hùng mạnh tiến dần từng bước đến chính quy hóa và hiện đại hoá”.
Đến năm 1960, từ lực lượng chủ yếu là bộ binh với tổ chức chưa thật thống nhất, vũ khí, trang bị còn thiếu thốn đã trở thành quân đội chính quy, gồm các lực lượng: Lục quân, Hải quân, Phòng không - Không quân.
Chấp hành nghị quyết Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II (1/1959), Tổng Quân ủy và Bộ Quốc phòng đẩy mạnh công cuộc xây dựng quân đội, xúc tiến chuẩn bị cho bộ đội vào miền Nam chiến đấu. Sư đoàn 338 bộ đội miền Nam tập kết ra Bắc đã được tập trung huấn luyện. Ngày 19/5/1959, Đoàn 559 được thành lập với nhiệm vụ mở đường dọc dãy Trường Sơn. Tiếp đó, Đoàn 759 cũng được thành lập với nhiệm vụ vận chuyển, tiếp tế từ miền Bắc vào miền Nam theo đường biển. Ngày 20/12/1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời. Ngày 15/2/1961, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập.
Ngày 5/8/1964, sau khi dựng lên sự kiện “Vịnh Bắc Bộ”, Mỹ sử dụng không quân mở cuộc tiến công “Mũi tên xuyên”, đánh phá vào hầu hết các căn cứ của hải quân của ta trên suốt dải ven biển miền Bắc. Nhờ chuẩn bị trước, các đơn vị dũng cảm chiến đấu, bắn rơi 8 máy bay. Trận đầu đánh thắng không quân Mỹ đã cổ vũ quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược của quân dân cả nước.
Từ giữa năm 1965, Mỹ chuyển sang chiến lược “Chiến tranh cục bộ”. Trước tình hình đó, Bộ Quốc phòng thành lập tại chiến trường miền Nam 5 sư đoàn bộ binh và một đơn vị pháo binh. Vừa xây dựng, vừa chiến đấu, quân ta trên các chiến trường miền Nam đã tổ chức các trận tiến công, bẻ gãy nhiều cuộc hành quân quy mô lớn của Mỹ - ngụy, mở ra phong trào “tìm Mỹ mà đánh”, “tìm ngụy mà diệt”.
Mùa khô 1965 - 1966, Mỹ mở cuộc phản công chiến lược. Qua nửa năm chiến đấu, quân và dân miền Nam đã đánh bại cuộc phản công, loại khỏi vòng chiến hàng vạn tên địch. Tháng 10/1966, Mỹ mở cuộc phản công chiến lược lần hai nhưng lại bị ta gây nhiều thiệt hại về sinh lực và phương tiện chiến tranh, buộc Mỹ phải chấm dứt cuộc phản.
Tháng 1/1968, Hội nghị Trung ương lần thứ 14 thông qua Nghị quyết của Bộ Chính trị (12/1967), quyết định mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, gây cho địch thiệt hại nặng nề, làm đảo lộn thế trận chiến lược của đế quốc Mỹ, buộc Mỹ phải xuống thang, rút dần quân về nước, chấp nhận đàm phán với ta tại Hội nghị Paris.

Trong những năm 1969 - 1972, Mỹ sử dụng tối đa về sức mạnh quân sự, kết hợp với những thủ đoạn chính trị và ngoại giao xảo quyệt, hòng cô lập và bóp nghẹt cuộc kháng chiến của nhân dân ta. Trước tình hình đó, quân và dân ta phối hợp với cuộc chiến đấu của nhân dân Lào và Campuchia, giành được những thắng lợi to lớn.
Ngày 6/4/1972, Mỹ huy động không quân và hải quân mở cuộc chiến tranh đánh phá miền Bắc lần thứ hai. Qua 7 tháng chiến đấu, quân và dân miền Bắc đã bắn rơi 654 máy bay, bắn chìm và bắn cháy 125 tàu chiến Mỹ. Đêm 18/12/1972, Mỹ liều lĩnh mở cuộc tập kích đường không chiến lược quy mô lớn nhất đánh phá miền Bắc, tập trung ồ ạt vào Hà Nội, Hải Phòng. Một lần nữa quân và dân miền Bắc đã anh dũng chiến đấu, bắn rơi 81 máy bay. Bị tổn thất lớn và không đạt mục đích, Mỹ buộc phải tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc từ bắc vĩ tuyến 20 trở ra và nối lại cuộc đàm phán ở Paris. Sau đó, Mỹ phải ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27/1/1973), rút quân về nước.
Tuy nhiên, ngụy quyền Sài Gòn ngang nhiên vi phạm Hiệp định, ráo riết thực hiện kế hoạch “tràn ngập lãnh thổ”, đẩy mạnh lấn chiếm vùng giải phóng của ta. Trong 2 năm 1973 - 1974, quân và dân ta liên tiếp giành được thắng lợi quan trọng. Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, ngày 4/3/1975, bộ đội ta mở chiến dịch Tây Nguyên.
Sau khi chiến dịch Tây Nguyên nổ ra được một ngày, ngày 5/3/1975, quân ta mở chiến dịch Trị Thiên - Huế; từ ngày 26/3 - 29/3/1975, mở chiến dịch Đà Nẵng giải phóng nhiều tỉnh thành. Từ những thắng lợi đó, Bộ Chính trị quyết định giải phóng Sài Gòn và toàn miền Nam lấy tên là “Chiến dịch Hồ Chí Minh”.
Thực hiện tư tưởng chỉ đạo: “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, quân ta hình thành thế bao vây Sài Gòn từ 5 hướng, 17 giờ ngày 26/4, chiến dịch bắt đầu. Sau nhiều trận chiến đấu quyết liệt đánh chiếm vòng ngoài thắng lợi, sáng 30/4 quân ta tổng công kích vào nội thành Sài Gòn, thọc sâu đánh chiếm các mục tiêu then chốt. 10 giờ 5 phút, Quân đoàn 2 đánh chiếm dinh Độc Lập, bắt toàn bộ nội các chính quyền Sài Gòn, buộc Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng không điều kiện. 11 giờ 30 phút cùng ngày, lá cờ của Quân Giải phóng được cắm trên nóc dinh Độc Lập, đánh dấu sự toàn thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Song song với các cuộc tiến công trên bộ giành thắng lợi, Quân chủng Hải quân đã khẩn trương chuẩn bị lực lượng, tranh thủ thời cơ, bất ngờ tiến công giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa: Song Tử Tây (14/4), Sơn Ca (25/4), Nam Yết (27/4), Sinh Tồn (28/4), Trường Sa (29/4). Đây là thắng lợi có ý nghĩa chiến lược, góp phần giữ vững chủ quyền quốc gia ở quần đảo Trường Sa.

Chiến đấu, công tác, lao động sản xuất
Ngay sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước kết thúc thắng lợi, các đơn vị quân đội đứng chân trên các vùng mới được giải phóng đã phối hợp với Ủy ban Quân quản các cấp, khẩn trương xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng cơ sở, xây dựng lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang địa phương; tổ chức cải tạo binh lính cảnh sát của bộ máy chính quyền cũ, trấn áp các phần tử và tổ chức phản động… Đồng thời, các đơn vị đã tích cực tham gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế, tham gia xây dựng nhiều công trình trọng điểm trên mọi miền đất nước.
Sau đại thắng mùa Xuân 1975, quân đội ta lại phải tiến hành cuộc chiến tranh chính nghĩa bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng quân dân Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt. Trước hành động xâm lược của quân Pôn Pốt và đáp lời kêu gọi khẩn thiết của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nướcCampuchia, quân tình nguyện Việt Nam cùng với lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia đã thực hiện cuộc phản công, tiến công mạnh mẽ, đánh đổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt, giải phóng thủ đô Phnôm Pênh, tiến tới giải phóng toàn bộ đất nước Campuchia. Trong 10 năm (1979 - 1989), quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam đã phát huy tinh thần quốc tế trong sáng, cùng quân dân Campuchia truy quét tàn quân Pôn Pốt, củng cố chính quyền cách mạng, xây dựng lực lượng vũ trang, hồi sinh đất nước.
Cũng đầu năm 1979, quân và dân ta phải chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc. Cuộc chiến đấu diễn ra trong thời gian ngắn (17/2 - 6/3/1979), nhưng trên thực tế tình hình biên giới phía Bắc căng thẳng kéo dài đến cuối những năm 80 của thế kỷ XX. Trong cuộc chiến đấu này, quân và dân ta đã anh dũng chiến đấu, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, lãnh thổ của Tổ quốc.
Trong những năm 1980 - 1986, quân đội ta đã đẩy mạnh công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, giáo dục - đào tạo, xây dựng nền nếp chính quy; tích cực tham gia xây dựng kinh tế, xã hội. Toàn quân đã tổ chức hàng trăm cuộc diễn tập tác chiến hiệp đồng quân binh chủng quy mô lớn với nhiều binh khí kỹ thuật hiện đại trên các địa bàn chiến lược, góp phần rèn luyện, nâng cao khả năng tổ chức chỉ huy của cán bộ và trình độ sẵn sàng chiến đấu của bộ đội.
Từ sau Đại hội lần thứ VI của Đảng (12/1986) đến nay, quân đội cùng toàn dân tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, quân đội luôn thực hiện tốt chức năng đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất, đóng góp xứng đáng vào thành tựu chung của đất nước.
______________________________________________
(Tổng hợp theo Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024) do Ban Tuyên giáo Trung ương và Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam phối hợp biên soạn)