Mối lo rớt chuẩn

Mối lo rớt chuẩn

(GD&TĐ) - Phấn đấu nâng cấp đạt trường chuẩn quốc gia là mong muốn của các nhà trường và các địa phương nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Với khu vực nông thôn thì những tiêu chí khó đạt chuẩn nằm ở bằng cấp giáo viên và chất lượng giáo dục; trong khi đó với khu vực đô thị, đặc biệt là đô thị kinh tế đầu tàu cả nước như Hà Nội, TP.HCM thì tiêu chí “bất khả thi” là diện tích sử dụng và sĩ số học sinh/lớp. Trong khi mỗi năm có thêm những trường học tại các đô thị lớn đạt chuẩn thì thực tế có rất nhiều trường đã rơi chuẩn ở tiêu chí sĩ số học sinh.

 Theo số liệu của Bộ GD-ĐT, năm học 2011-2012, cả nước có thêm 600 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Như vậy tổng số trường đạt chuẩn đã đạt 10.999 trường, chiếm gần 27% tổng số trường hiện có. Cấp tiểu học có tỉ lệ trường đạt chuẩn cao nhất với 38,9%, trường mầm non là 18,9%... Số trường học đạt chuẩn sẽ tăng nhanh trong những năm tới khi nâng cấp trường đạt chuẩn là một mục tiêu lớn của nhiều địa phương. Như ngành GD Thủ đô phấn đấu đến năm 2015 sẽ có khoảng 50 – 55% số trường đạt chuẩn (hiện số trường đạt chuẩn là 656 trường, chiếm tỉ lệ 28%). Riêng trong năm nay Hà Nội đặt kế hoạch có thêm 100 trường đạt chuẩn.

Các trường học đạt chuẩn tại các đô thị lớn có ý nghĩa lớn trong cải thiện chất lượng GD với những lớp học có sĩ số học sinh thấp. Theo qui định của Bộ GD-ĐT, tiêu chí quan trọng nhất để xét các trường đạt chuẩn quốc gia ở cấp học mầm non là không quá 15 lớp/ trường; ở cấp tiểu học là bảo đảm số HS trong lớp không quá 35, số lớp không quá 30 lớp/trường; ở cấp trung học là không quá 45 HS/lớp và không quá 45 lớp/trường.

Nhìn vào chuẩn trên có thể thấy với hầu hết những trường tiểu học công lập ở nội đô Hà Nội sẽ không thể đạt chuẩn do sức ép quá lớn từ tuyển sinh. Trong khi tại khu vực nội đô hầu như không có mấy trường học được xây mới thì những khu chung cư vài chục tầng mọc lên cùng với làn sóng di dân từ ngoại thành vào trung tâm khiến các trường học mỗi năm thêm quá tải. Ngay trong năm học này, tình trạng dồn lớp để tăng số lớp 1 là giải pháp bắt buộc của một số trường khi mà số lượng tuyển sinh đúng tuyến tăng vọt. Một đồng chí lãnh đạo UBND một quận trung tâm Hà Nội cho biết mở rộng diện tích nhà trường để dãn HS và đạt chuẩn là quá khó và gần như là không thể thực hiện trong môi trường “tấc đất tấc vàng” và việc giải phóng mặt bằng rất tốn kém và phức tạp.

Theo Quy hoạch mạng lưới trường học TP đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 mới được HĐND TP Hà Nội thông qua thì thành phố sẽ ưu tiên dành quĩ đất xây dựng trường học... Đây là một tín hiệu mừng nhưng cũng có thể đoán trước được rằng quĩ đất xây trường sẽ chỉ được dành tại những khu vực vùng ven khi mà chỉ để mở rộng đoạn phố Sơn Tây dài gần 500 mét, chi phí giải phóng mặt bằng ngồn gần 67% tổng mức đầu tư dự án 225 tỉ đồng.

Nếu việc nâng cấp trường đạt chuẩn được hướng vào khu vực ngoại thị thì trường chuẩn quốc gia sẽ không phát huy được tác dụng giảm sĩ số lớp học và vươn tới mục tiêu tối thượng là nâng cao chất lượng GD. Bên cạnh việc một số trường chuẩn nội đô (dù số lượng cũng rất ít ỏi) thực tế đã rớt chuẩn thì với rất nhiều trường học nội đô khác, cái đích tiệm cận chuẩn cũng đang ngày một xa vời!

Đức Duy

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ