'Mở khóa' cho tăng trưởng

GD&TĐ - Ngoài nông nghiệp vẫn giữ được vai trò trụ đỡ, các động lực tăng trưởng 'truyền thống' là đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng đều trục trặc và suy yếu.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội năm 2023 do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chủ trì tổ chức giữa tuần trước, các chuyên gia cho rằng, rất khó đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm nay. Bởi lẽ, ngoài nông nghiệp vẫn giữ được vai trò trụ đỡ, các động lực tăng trưởng “truyền thống” là đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng đều trục trặc và suy yếu.

Để phục hồi nền kinh tế trong bối cảnh như vậy, theo các chuyên gia, có hai việc phải làm. Một là củng cố các động lực tăng trưởng cũ, hai là kiến tạo các động lực tăng trưởng mới.

Cụ thể, với các động lực tăng trưởng truyền thống, cần tiếp tục thực hiện thành công các cơ chế, chính sách của Quốc hội và Chính phủ đã ban hành; tiếp tục bình ổn, lành mạnh hóa các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, xăng dầu, thanh khoản ngân hàng… để củng cố niềm tin nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân.

Đặc biệt, phải đẩy mạnh đầu tư công; kích cầu tiêu dùng nội địa; hỗ trợ doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực từ suy giảm xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng; thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng của các đầu tàu nền kinh tế, nhất là Hà Nội và TPHCM… Theo tính toán của các chuyên gia, nếu giải ngân được 95% trong tổng vốn 713.000 tỷ đồng sẽ đóng góp 2 điểm % vào tăng trưởng GDP năm 2023. Kích cầu tiêu dùng nội địa, tiêu dùng (loại trừ yếu tố giá) tăng thêm 1 điểm % sẽ giúp GDP tăng thêm 0,2 điểm %.

Cùng với đó, phải chú trọng cơ cấu lại nền kinh tế nhằm thu hút và phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn. Thời gian qua, do phải ưu tiên giải quyết những việc cấp bách trước như dịch bệnh, thiên tai nên việc này đã bị chậm trễ, nay cần quan tâm hơn và kiên trì, nhất quán thực hiện.

Các động lực mới cho tăng trưởng trong trung và dài hạn cũng được các chuyên gia nêu ra trong Diễn đàn. Có thể kể tới: Xu hướng phát triển mạnh mẽ của kinh tế số; tăng năng suất các yếu tố tổng hợp; sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân; đẩy mạnh cải cách thể chế; chuyển đổi sang tăng trưởng xanh và chủ động thích ứng biến đổi khí hậu; đẩy mạnh liên kết vùng - thúc đẩy vai trò của các “đầu tàu kinh tế”. Thậm chí, quyết tâm nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu cũng có thể giúp tăng thêm 2 - 3% GDP mỗi năm.

Rõ ràng, khôi phục các động lực tăng trưởng hiện hữu và tìm kiếm các động lực mới là vấn đề vừa cấp bách vừa chiến lược với nước ta, là chìa khóa để thích ứng, chống chọi và phát triển trong bối cảnh mới nhiều biến động, rủi ro ngày càng gia tăng.

Yêu cầu đặt ra là Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phải tranh thủ thời gian, tận dụng mọi cơ hội, lợi thế để tạo bứt phá “ngay và luôn”, nhất là trong việc kiến tạo các động lực tăng trưởng mới.

Nói vậy là bởi những vấn đề liên quan đến các động lực tăng trưởng truyền thống không phải lần này mới được đề cập mà đã được phân tích tại nhiều diễn đàn chính sách khác nhau.

Điều này cho thấy, cốt lõi không nằm ở chỗ không nhìn ra hạn chế ở đâu và cần giải pháp thế nào; mà là thiếu quyết tâm và năng lực để thực thi các cải cách cần thiết. Do đó, nếu không thật sự có một quyết tâm mang tính đột phá và hành động có trọng điểm thì sẽ rất khó “mở khóa” cho tăng trưởng cả trong ngắn hạn và dài hạn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...