Mở đường đưa di sản Thăng Long - Hà Nội vào trường học

GD&TĐ - Hà Nội có rất nhiều cụm di sản được UNESCO vinh danh. Nơi đây cũng có nhiều di sản được Bộ VH,TT&DL công nhận cấp quốc gia. Tuy nhiên, số lượng học sinh Thủ đô biết tới các địa danh này còn rất hạn chế và hành trình đưa di sản Hà Nội đến gần hơn với thế hệ trẻ còn nhiều gian nan.

Học sinh tham gia hoạt động trải nghiệm khi tham quan di sản văn hóa thế giới – Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: BQL
Học sinh tham gia hoạt động trải nghiệm khi tham quan di sản văn hóa thế giới – Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: BQL

Bài toán còn bỏ ngỏ

Báo cáo sơ kết Chương trình giáo dục di sản tại Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) cho thấy, số lượng học sinh trên địa bàn Thủ đô tham quan tự do ở cả hai di tích Hoàng thành Thăng Long và khu di tích Cổ Loa đạt khoảng 19 nghìn lượt học sinh/năm.

Con số này là quá nhỏ nếu so với hơn 1,9 triệu học sinh các cấp của Hà Nội. Sở GD&ĐT Hà Nội, Bộ GD&ĐT đã có những chương trình, đề án dạy học gắn với thực tiễn, hoặc đề án đưa di sản đến gần hơn với các em học sinh nhưng sau thời gian triển khai vẫn chưa đạt được kết quả như mong đợi.

Hoạt động dạy học gắn với thực tiễn hay đề án đưa di sản Hà Nội đến gần hơn với học sinh vẫn đang chỉ dừng lại ở mức tổ chức cho học sinh đến các điểm tham quan, tổ chức hoạt động tập thể tại các khu di tích.

Theo bà Nguyễn Thị Thuý Minh – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đông Thái (Tây Hồ, Hà Nội), giáo dục di sản sẽ góp phần đa dạng hóa hình thức dạy học cũng như kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh. Tuy nhiên, đưa giáo dục di sản vào trường học thế nào thật hiệu quả lại là một bài toán khó. Giáo dục di sản cho học sinh là một nội dung đã được Bộ GD&ĐT chỉ đạo các địa phương thí điểm triển khai nhiều năm nay nhưng mỗi nơi thực hiện mỗi khác.

Chia sẻ những khó khăn, Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thuý Minh cho biết, đối với nhà trường việc xếp thời gian để đưa nội dung giáo dục di sản Hà Nội cho học sinh là rất khó khăn. Lãnh đạo các trường phải thật sự tâm huyết, giáo viên phải rất linh hoạt về thời khóa biểu cũng như phải có kinh phí và sự ủng hộ của phụ huynh.

Thực tế, hầu hết các di tích, bảo tàng tại Hà Nội chưa có những chương trình giáo dục di sản hấp dẫn, đủ để lại những bài học ấn tượng sâu sắc cho các em học sinh. Vì vậy, tại các điểm di sản, cần phải có những chuyên đề, triển lãm thu hút học sinh, sinh viên chứ không chỉ đơn giản dừng lại ở việc trưng bày hiện vật.

Giáo dục di sản là một trong những giải pháp quan trọng trong nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hà Nội, bổ trợ hiệu quả cho công tác giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử tại các nhà trường trên địa bàn Thủ đô. Để đạt được hiệu quả như mong muốn, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa nhà trường, phụ huynh và các địa điểm di sản.

Theo GS.TS Phạm Quang Minh - Trưởng Bộ môn Nghiên cứu Phát triển Quốc tế, Khoa Quốc tế học (Trường ĐH KHXH&NV): “Nội dung giáo dục di sản Hà Nội cho học sinh cần được đưa vào chương trình học tập một cách có hệ thống, khoa học phù hợp với từng lứa tuổi. Theo đó, hàng năm các trường nên xây dựng kế hoạch đến học tập trải nghiệm tại các di sản Hà Nội vào thời điểm phù hợp.

Các di tích, bảo tàng trên địa bàn Hà Nội cần phải nâng cấp cơ sở vật chất, dịch vụ để phục vụ, hoàn thiện nội dung chương trình, có sản phẩm cụ thể phù hợp với các cấp học, đẩy mạnh sự kết nối, hợp tác giữa các di sản với nhà trường, các cơ sở giáo dục để thực hiện hiệu quả chương trình.

Chương trình giáo dục di sản cho học sinh phải thường xuyên đổi mới chương trình tham quan nhằm thu hút, hấp dẫn lứa tuổi học sinh thích đến các di tích, bảo tàng”.

Poster giới thiệu tại di tích Nhà tù Hỏa Lò – Hà Nội. Ảnh: BQL
Poster giới thiệu tại di tích Nhà tù Hỏa Lò – Hà Nội. Ảnh: BQL

Khơi dậy tình yêu di sản

Gần đây một số di tích ở Hà Nội đang thực hiện triển khai Chương trình giáo dục di sản cho học sinh hiệu quả bởi đã mềm hóa được cách tiếp cận.

Chương trình giáo dục di sản không chỉ tạo sức sống bền vững cho di sản Hà Nội, mà còn lan tỏa tinh thần dân tộc, tự hào dân tộc trong học sinh Thủ đô. Thông qua Chương trình giáo dục di sản, tăng cường mối liên kết giữa di sản với nhà trường, giữa di sản với gia đình, góp phần nâng cao trách nhiệm của thế hệ trẻ Thủ đô trong việc giữ gìn, bảo tồn những di sản Hà Nội, những di sản quý của dân tộc.

Nhiều chương trình các khu di tích Hà Nội đã thực hiện triển khai như hai chương trình “Em là nhà khảo cổ” và “Em tìm hiểu di sản” tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long, chương trình “Em học làm thuyết minh” tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò, chương trình “Cuộc thi tìm hiểu về Văn Miếu – Quốc Tử Giám và lịch sử Thăng Long – Hà Nội” tại Di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám, hay hai chương trình “Câu lạc bộ em yêu lịch sử” và “Giờ học lịch sử tại bảo tàng” tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

Đây là những chương trình đã tạo ra một hướng tiếp cận mới trong giáo dục di sản Hà Nội cho học sinh Thủ đô, nhận được sự hưởng ứng rất cao của các trường trên địa bàn. Các khu di tích liên kết với các trường học tổ chức cuộc thi tìm hiểu về di tích, chương trình trải nghiệm, trưng bày, triển lãm. Các chương trình khuyến khích học sinh chủ động khám phá, tìm hiểu di sản thông qua các hoạt động tương tác, trải nghiệm. Qua đó giúp hiểu thêm về các di sản Hà Nội, trân trọng giá trị truyền thống, văn hóa lịch sử và bồi đắp lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc.

Với cách tiếp cận này, Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thuý Minh cho biết, các em học sinh rất háo hức. Bởi, các em tiếp thu được rất nhiều điều bổ ích, nâng cao tinh thần tập thể, nề nếp, kỷ luật, biết quan sát thế giới xung quanh, có những kiến thức cơ bản về giá trị di tích văn hóa và rèn luyện được nhiều kỹ năng. Sau trải nghiệm thực tế đó, trở về các em học tập tiến bộ hơn.

GS.TS Phạm Quang Minh cho rằng: Đưa di sản tới trường học có tác dụng giáo dục, mở rộng hiểu biết của học sinh về lịch sử, văn hóa, truyền thống của dân tộc. Điều này góp phần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của các giá trị tinh thần, bồi đắp niềm tự hào dân tộc, từ đó thôi thúc các em tìm hiểu và có cái nhìn khách quan, khoa học, bình đẳng, cởi mở về các di sản của các dân tộc khác. Đặc biệt, dạy các em biết tôn trọng quyền, lợi ích của chủ nhân các di sản là cộng đồng dân cư đã làm nên các di sản đó.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.