Làng di sản bên sông Cầu

Làng di sản bên sông Cầu

Nơi đây được ví như “làng di sản” bởi hội tụ rất nhiều giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể độc đáo, trở thành điểm đến của nhiều du khách. 

Dấu ấn thời gian

Thổ Hà, làng cổ nằm bên dòng sông Cầu thuộc xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Cây đa, bến nước, mái đình cùng những nếp nhà cổ xinh xắn rêu phong ở nơi đây đã cuốn hút nhiều du khách.

Làng Thổ Hà có ba mặt giáp sông. Muốn đến được đây chỉ có hai con đường là từ Bắc Ninh đi đò ngược qua sông Cầu và từ Bắc Giang xuôi xuống bằng đường bộ. 

Thổ Hà là một trong số ít làng cổ có các thiết chế văn hóa đã đi vào nhiều công trình nghiên cứu. Đó là một trích đoạn tuồng cổ, là một trổ dân ca quan họ, là những lễ hội chuẩn mực lệ cổ và thậm chí là cả ca trù... Các di sản hội tụ ở đây để rồi thấm vào từng vỉa đất, mạch nước, chắt chiu và lan tỏa trong đời sống, tâm hồn mỗi người dân Thổ Hà.

Ông Trịnh Đắc Thiện, người từng có thời gian dài làm cán bộ văn hóa xã Vân Hà tự hào kể về các di sản độc đáo ở Thổ Hà. Đó là chuyện từ thời kỳ phong kiến, làng quê này từng được nhà vua ban sắc “Mỹ tục khả phong” cho đến những ngôi nhà cổ có tuổi bằng mấy đời người. Rồi lễ hội làng độc nhất vô nhị mà chẳng thể giống ở bất cứ đâu trên đất nước Việt Nam. 

“Phải trực tiếp đến đây tham dự các sự kiện của làng mới thấy nó khác biệt, sinh động và đậm đà đến thế nào”, ông Thiện khoe.

Thổ Hà có những con ngõ kỳ dị, nó nhỏ đến nỗi chỉ vừa đủ cho hai người đi bộ lách tránh nhau và phía trên đỉnh đầu được người dân tận dụng để phơi bánh đa nem. Thế mà hàng trăm năm nay người dân vẫn sinh sống như thế, nó đã trở thành “đặc sản”, nói cách khác là bản sắc của vùng quê này.

Làng di sản bên sông Cầu ảnh 1
Tam Đa ở lễ hội làng. 

Ngày nay, trước tác động mạnh mẽ của kinh tế thị trường, người dân nơi đây vẫn bảo lưu khá nguyên vẹn những truyền thống lễ giáo, gia phong tốt đẹp. 

Theo dân làng, cổng làng Thổ Hà được xây dựng thế kỷ XVII (năm 1692), với kiến trúc bề thế, bức đại tự trên cổng làng có ghi: Thổ chi tân (Đất thiêng bền); Hà nguyên hậu (nước nguồn vô tận, phúc lộc trời ban cho làng Thổ Hà còn dài mãi).

Người Thổ Hà trọng tình, mến khách vì vậy cổng làng còn là một trong những điểm đến trong hành trình của nhiều du khách. Khách đến nhà chơi lần đầu được chủ ra đón ở chính cái cổng ấy. Khách về cũng vậy, cứ bắt tay nhau, vỗ vai nhau ở đây đến bịn rịn, lưu luyến khôn nguôi.

Ở Thổ Hà còn một điều hiếm có nữa, bởi dấu tích của nghề gốm vang bóng một thời vẫn còn hiển hiện trong những bức tường cổ, nhiều ngôi nhà được xây toàn bằng những mảnh gốm vỡ hay tiểu sành phế phẩm, không dùng chút vôi vữa nào, chỉ dùng bùn sông Cầu để kết dính mà vẫn trầm mặc, bền chặt qua nắng mưa, tháng ngày.

Trong quá khứ, nghề gốm ở Thổ Hà từng sánh vai cùng những trung tâm gốm nổi tiếng như Phù Lãng, Bát Tràng. Tiếc rằng, vào những năm 80 của thế kỷ XX, hàng chục lò gốm ở đây phải “tắt lửa”.

Đương nhiên, người dân Thổ Hà đã rất nhạy bén chuyển sang nghề làm bánh đa nem, bánh đa nướng, nấu rượu, nuôi lợn để kiếm kế sinh nhai. Bẵng đi một thời gian, người trong làng chẳng mấy ai còn thiết tha với gốm, thì đến năm 2006, một nông dân trong làng được xem là “người hùng” đã bỏ số tiền lớn, công sức theo đuổi giấc mộng vực dậy nghề truyền thống. 

Một nhiệm vụ cao đẹp đã thành công và nghề gốm tuy chưa thể trở lại thời vàng son, song việc vẫn còn được duy trì ở làng cổ này một lò gốm cũng là một tín hiệu đáng mừng.

Đắm say câu quan họ

Làng di sản bên sông Cầu ảnh 2
Một nét quê ở Thổ Hà.

Nói đến Thổ Hà là nói đến quan họ. Quan họ của làng có nét độc đáo mà khắp vùng Kinh Bắc không đâu có được, đó là cảnh hát trên sông. Bao năm chơi quan họ, liền anh, liền chị Thổ Hà chưa bao giờ cảm thấy hổ thẹn với tiền nhân bởi lối chơi không dễ dãi, đặc biệt là chưa bao giờ thấy ai phải phàn nàn việc “ngả nón xin tiền”.  Họ chơi vì đắm đuối, hát bằng trái tim chứ không nặng chuyện tiền nong, thóc lúa. 

Anh Phú Hiệp, nghệ nhân quan họ của làng bảo: Hát quan họ thì dễ, nhưng chơi quan họ thì không phải làng nào và ai cũng hiểu và làm được. Chơi thì thanh tao, khiêm nhường, có lề, có lối và đắm đuối hết lòng.

Có người bảo dân Thổ Hà sao chẳng thức thời, ngần ấy di sản cha ông để lại mà chẳng thể biết cách làm du lịch, khách đến nghe hát, các liền anh, liền chị chỉ cần biểu diễn là có thù lao, thậm chí làm tốt thì còn… sống khỏe. 

Thế nhưng, Nghệ nhân Ưu tú Phú Hiệp từng có lúc phải thốt lên: “Không phải người dân chúng tôi không ý thức được việc phát triển du lịch, nhưng quả thực còn nhiều băn khoăn lắm”. 

Bản thân nghệ nhân Hiệp từng hát dân ca quan họ phục vụ nhiều đoàn khách trong nước và quốc tế khi về làng nhưng “khi xong xuôi tất cả lại về”, ngoài những tràng pháo tay và lời khen ngợi anh hầu như chẳng được lợi ích kinh tế nào. 

“Người quan họ rất ngại nói đến tiền bạc nên cứ “đành lòng vậy, cầm lòng vậy”, liền anh Phú Hiệp nói. Bởi vậy cái nghề làm bánh đa nem, cộng thêm cắt tóc ở cổng làng chính là cái “cần câu cơm” và xa hơn là để tiếp sức cho bản thân nghệ nhân Hiệp thể hiện sự đam mê, gắn bó với di sản.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Mai, Phó Trưởng khoa Du lịch (Trường Đại học Mở Hà Nội): Để biến tiềm năng thành sản phẩm du lịch đòi hỏi nhiều yếu tố, vì du lịch là ngành tổng hợp và tính liên ngành. Ở Thổ Hà cần đáp ứng các điều kiện như: Vận chuyển, lữ hành, lưu trú, điểm tham quan và ăn uống, nhưng hiện tại điểm mạnh ở đây chỉ mới có điểm tham quan, các yếu tố còn lại rất hạn chế. 

Đương nhiên cũng có ý kiến cho rằng, phát triển du lịch ở Thổ Hà cần bảo đảm hài hòa để không ảnh hướng tới di sản, tránh những tác động tiêu cực làm phá vỡ cảnh quan, môi trường tự nhiên lẫn môi trường văn hóa. Ngoài ra còn phải có những cơ chế rõ ràng để người dân hưởng lợi trực tiếp từ hoạt động du lịch.

Và nỗi khổ truyền đời

Làng Thổ Hà không có đất giãn dân, việc xây mới các công trình công cộng, phúc lợi như trường học, nhà văn hóa, sân thể thao... lại càng khó khăn. 

Trưởng thôn Cáp Trọng Việt khẳng định: Việc lo chỗ ở cho người sống đã khó, nơi mai táng cho người chết cũng luôn là vấn đề cấp thiết. Ngôi làng diện tích chưa đến 0,2km2 mà có tới 970 hộ với gần 4 nghìn nhân khẩu sinh sống. Nơi chôn cất cho người qua đời vỏn vẹn chưa đầy 300m2, khu đất đó cũng phải thuê của làng Yên Viên từ hơn chục năm trước. 

“Mong ước có một nghĩa trang được quy hoạch rộng rãi là điều xa xỉ đối với Thổ Hà”, ông Việt nói. 

Đất chật người đông cũng là lý do để Thổ Hà có số lượng các “gia đình lớn” nhiều hơn so với nơi khác. Thống kê cho thấy, có tới gần 80% số hộ trong làng có từ 3 - 4 thế hệ sống chung, bên cạnh điều tích cực thì cũng nảy sinh rất nhiều bất cập.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ thuộc Đội chiến đấu Lữ đoàn 1, Sư đoàn Dù 82 của quân đội Mỹ.

Điều gì đã xảy ra với quân đội Mỹ?

GD&TĐ - Ngày thứ bảy lần ba của tháng 5 được Mỹ vinh danh là Ngày Lực lượng Vũ trang, một ngày lễ tôn vinh tất cả các thành viên của quân đội nước này.