Mở cửa trường sau Tết: Học sinh có phải test nhanh mới được vào lớp?

GD&TĐ - Trước băn khoăn của một số phụ huynh tại Hà Nội về việc, liệu học sinh có bắt buộc phải test nhanh Covid-19 âm tính mới được vào lớp, lãnh đạo một số trường đã lên tiếng.

Việc học sinh có bắt buộc phải test nhanh trước khi vào lớp hay không đang là điều được nhiều bậc phụ huynh quan tâm.
Việc học sinh có bắt buộc phải test nhanh trước khi vào lớp hay không đang là điều được nhiều bậc phụ huynh quan tâm.

Đến trường sớm ngày nào tốt ngày đấy

Mới đây, UBND TP Hà Nội đã ra văn bản đồng ý với đề xuất của Sở GD&ĐT về việc cho phép học sinh từ khối 7 đến khối 12 trên địa bàn thành phố sẽ trở lại trường học trực tiếp từ ngày 8/2. Như vậy, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, các em học sinh từ khối 7 trở lên tại các khu vực có dịch ở cấp độ 1, 2 sẽ được đến trường sau gần một năm học trực tuyến để phòng chống dịch Covid-19. 

Đang có con học tại Trường THCS Thái Thịnh (quận Đống Đa), chị Thanh Hằng bày tỏ niềm phấn khởi và cho biết, cả gia đình đã mong chờ thông tin này từ rất lâu. Việc các con phải học online để tránh dịch ít nhiều cũng ảnh hưởng tới chất lượng học tập, kết quả không thể bằng được học trên lớp. Được đến trường gặp trực tiếp thầy cô, bạn bè sẽ tăng tính tương tác và kỹ năng giao tiếp hơn rất nhiều nên các cháu rất muốn được đi học lại. 

Dự kiến từ ngày 8/2, học sinh từ khối 7 trở lên tại Hà Nội sẽ được quay trở lại trường học trực tiếp.
Dự kiến từ ngày 8/2, học sinh từ khối 7 trở lên tại Hà Nội sẽ được quay trở lại trường học trực tiếp.

"Thực sự suốt thời gian hơn 9 tháng qua, giờ giấc sinh hoạt và làm việc của chúng tôi cũng như nhiều gia đình bị đảo lộn vì các cháu phải học trực tuyến. Có hôm vợ chồng phải phân công nhau ở nhà để kèm con học và xê xếp thời gian nấu cơm để con kịp giờ vào học. Nếu được đi học như trước, mọi thứ sẽ trở lại nhịp bình thường. Đây thực sự là một món quà Tết về tinh thần rất lớn cho cả phụ huynh lẫn học sinh" - chị Hằng cho hay. 

Chung quan điểm trên, anh Nguyễn Cường trú huyện Hoài Đức cũng cho rằng, việc cho học sinh từ lớp 7 trở lên đi học lại thời điểm này là rất hợp lý khi tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn Thủ đô đang dần được kiểm soát tốt hơn.

Nam phụ huynh nhấn mạnh: "Thời điểm này các cháu đã được tiêm đủ hai mũi vắc xin phòng Covid-19 theo quy định, phụ huynh cũng yên tâm phần nào. Mặt khác, việc học online trong thời gian quá dài như vừa qua đã bộc lộ nhiều nhược điểm. Con gái tôi đã bị tăng độ cận của mắt và phải đi thay mắt kính do tiếp xúc quá nhiều với máy tính. Đó là chưa kể nhiều cháu còn bị cám dỗ bởi nhiều thứ xấu, độc trên mạng mà người lớn chưa thể kiểm soát. Do đó, các cháu đến trường sớm ngày nào tốt ngày đấy". 

Có bắt buộc test nhanh?

Hiện tại mới chỉ có học sinh khối 9 của các huyện ngoại thành Hà Nội được học trực tiếp.
Hiện tại mới chỉ có học sinh khối 9 của các huyện ngoại thành Hà Nội được học trực tiếp. 

Theo chị Thúy Liên - một phụ huynh có con học lớp 7 tại quận Tây Hồ, việc học sinh được đi học lại là rất mừng. Tuy nhiên, điều chị còn băn khoăn là trước khi đến trường, bố mẹ có phải tự test nhanh Covid-19 cho con tại nhà bằng bộ kit test tự mua hay không? Đến trường, các thầy cô có bắt buộc học sinh phải test nhanh âm tính rồi mới được vào lớp học? 

Cùng chung thắc mắc trên, chị Vân Hường trú quận Hai Bà Trưng còn bày tỏ băn khoăn: "Nếu sau Tết các cháu được đến trường nhưng nhà trường không tổ chức ăn bán trú, gia đình tôi cũng chưa biết tính thời gian đón con thế nào. Ngoài ra, ở nhà tôi cũng tự mua kit test nhanh Covid-19 và hàng tuần cả nhà lại tự test một lần. Tuy nhiên, khi tới trường thì các thầy cô có bắt các em ngày nào test nhanh ngày đấy hay không? Trừ khi có các biểu hiện nghi ngờ thì mới test, nếu test quá nhiều sẽ ảnh hưởng tới tâm lý các con". 

Về thắc mắc trên, theo thầy Nguyễn Cao Cường - Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh (Đống Đa, Hà Nội), nhà trường sẽ không áp dụng máy móc như việc bắt học sinh phải test nhanh trước khi vào lớp. Trong văn bản của thành phố cũng không đề cập đến việc này. Trường đã có phương án cụ thể, chỉ test nhanh nếu các em có những dấu hiệu bất thường nghi ngờ với Covid-19 và được sự đồng ý của phụ huynh học sinh. 

Vị Hiệu trưởng nhấn mạnh, đơn vị này đã lên kịch bản chi tiết cho việc đón học sinh cả ba khối 7, 8, 9 tới trường. Kịch bản đã xây dựng các khâu từ việc phối hợp với phụ huynh kiểm tra sức khỏe học sinh tại nhà, đón các em từ cổng trường cũng như các tình huống học sinh học ở lớp. Đặc biệt, các tình huống khi có ca nhiễm Covid-19 đều được lên kịch bản chi tiết cho xử lý đảm bảo theo quy định.

Thầy Nguyễn Cao Cường - Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh khẳng định, nhà trường không bắt buộc học sinh phải test nhanh Covid-19 mới được vào lớp.
Thầy Nguyễn Cao Cường - Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh khẳng định, nhà trường không bắt buộc học sinh phải test nhanh Covid-19 mới được vào lớp. 

Trong tình huống lớp có học sinh vùng dịch không thể tới lớp, nhà trường đã lắp đặt hệ thống internet tới các khu vực của trường với đường truyền ổn định. Với học sinh ở nhà học trực tuyến cùng các bạn tại lớp, trường đã lắp đặt camera ở vị trí bao quát được bảng đen, đảm bảo các em ở nhà vẫn theo dõi được bài giảng của giáo viên trên lớp. Nếu giáo viên ở vùng dịch không tới trường, nhà trường cũng đã thiết lập đường truyền, thiết bị hoặc thời khóa biểu để thầy cô vẫn đảm bảo được việc dạy học đúng kế hoạch.

Còn tại Trường THCS Thụy Phương (Bắc Từ Liêm, Hà Nội), công tác vệ sinh trường lớp cũng như diễn tập các tình huống khi đón học sinh trở lại trường cũng đã được thực hiện nghiêm túc. Cô Hoàng Ngọc Lan - Hiệu trưởng nhà trường nhấn mạnh, khi nhận được thông tin về việc được trở lại trường, các em học sinh khối 7, 8, 9 rất phấn khởi vì sắp được gặp mặt nhau. Bên cạnh đó, nhà trường luôn có sự trao đổi, thông tin hai chiều tới phụ huynh. 

"Về việc test nhanh Covid-19 cho học sinh, nhà trường thực hiện theo đúng chỉ đạo của Sở GD&ĐT Hà Nội cũng như hướng dẫn của Phòng GD&ĐT quận. Theo đó, không bắt buộc tất cả học sinh phải test nhanh âm tính mới được đến trường. Việc này là do phụ huynh học sinh chủ động làm ở nhà, nhà trường không bắt buộc. Tuy nhiên, điều học sinh cần làm nhất chính là thực hiện nghiêm khuyến cáo "5K" về phòng chống dịch. Ngoài ra, thầy cô sẽ động viên về tinh thần để các em ổn định tâm lý để thích nghi khi chuyển từ học online sang học trực tiếp" - cô Lan cho hay. 

Ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hà Nội cho biết, việc cho học sinh đi học trực tiếp là mong muốn chính đáng của các bậc phụ huynh. Theo khuyến cáo của ngành Y tế, phụ huynh nên cho con tiêm vắc xin nhưng trên cơ sở tự nguyện. Trường hợp vì lý do khách quan khác nhau mà chưa tiêm sẽ không ảnh hưởng tới việc được tới trường học trực tiếp cùng các bạn. Nếu em nào không thể tới trường học trực tiếp, nhà trường vẫn linh hoạt các hình thức dạy học trực tuyến kết hợp với trực tiếp. Việc dạy trực tiếp tại lớp hoàn toàn có thể kết nối trực tuyến tới tận nhà học sinh, đảm bảo trẻ có quyền bình đẳng về học tập và tiếp nhận kiến thức. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.