Đảm bảo chuyên môn, chú trọng phòng dịch khi dạy học trực tiếp tại Côn Đảo

GD&TĐ - Từ đầu năm học 2021-2022 đến nay, các trường tại huyện Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) áp dụng linh hoạt các hình thức dạy học. Trong đó, vừa phòng dịch, vừa đảm bảo chuyên môn là ưu tiên hàng đầu.

Ngành giáo dục huyện Côn Đảo vẫn đang thực hiện nhiều giải pháp để duy trì chất lượng giáo dục và an toàn phòng dịch khi cho học sinh đi học trực tiếp. Ảnh: Đình Tuệ.
Ngành giáo dục huyện Côn Đảo vẫn đang thực hiện nhiều giải pháp để duy trì chất lượng giáo dục và an toàn phòng dịch khi cho học sinh đi học trực tiếp. Ảnh: Đình Tuệ.

Chú trọng an toàn phòng dịch

Thông tin từ UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, căn cứ vào tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn, toàn tỉnh đón học sinh khối 9 và 12 đi học trực tiếp từ ngày 10/1/2022. Riêng tại Côn Đảo, học sinh 2 khối này đã đến trường từ 5/9/2021.

Trao đổi với Báo Giáo dục & Thời đại ngày 14/1, ông Nguyễn Văn Mạnh - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Côn Đảo cho biết, tất cả các trường trên địa bàn vẫn tổ chức dạy và học linh hoạt, phù hợp với thực tế. Đây cũng là một trong những vấn đề ưu tiên được lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện cùng các ban ngành rất quan tâm và chỉ đạo sát xao.

Cụ thể, từ đầu năm học 2021 - 2022, toàn bộ hơn 2.800 học sinh ở 6 cơ sở giáo dục từ mầm non đến THPT tại đây vẫn tiến hành tổ chức các hoạt động giáo dục trực tiếp. Trong đó, giai đoạn từ ngày 24/11 đến 12/12/2021 khi phát sinh ca bệnh, toàn bộ các trường trong huyện chuyển hình thức học từ trực tiếp sang trực tuyến. Phòng GD&ĐT đã xây dựng phương án triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học. 

Cô trò Trường THCS Lê Hồng Phong trong một giờ học trực tiếp trên lớp, học sinh ngồi theo giãn cách.
Cô trò Trường THCS Lê Hồng Phong trong một giờ học trực tiếp trên lớp, học sinh ngồi theo giãn cách. 

Ông Mạnh nhấn mạnh: "Ngay từ đầu năm học, đơn vị đã quán triệt tới các trường phải chủ động xây dựng các phương án, kế hoạch dạy học để thực hiện kế hoạch năm học 2021 - 2022. Khi đủ điều kiện dạy học trực tiếp, các cơ sở giáo dục cần tuyệt đối chú trọng khâu phòng dịch cũng như xử lý tình huống nếu phát sinh F0 tại trường, đảm bảo khâu giãn cách. Đồng thời, thực hiện việc dạy học linh hoạt, đảm bảo tiến độ chương trình đề ra. Khi dạy trực tuyến, nhà trường cần phối hợp chặt chẽ với cha mẹ học sinh để hỗ trợ, quản lý các em thực hiện các biện pháp phòng dịch ngay cả khi ở nhà". 

Công tác kiểm tra học kỳ 1 ở các khối lớp trên địa bàn đã được thực hiện trực tiếp trên lớp và đạt kết quả tích cực. Thống kê từ ngành y tế cho thấy, có 944 em trong độ tuổi từ 12 - 17 tuổi trên địa bàn huyện đã hoàn thành tiêm mũi 2 vắc xin phòng Covid-19. Công tác tiêm chủng được y tế địa phương tổ chức thực hiện theo hướng dẫn của ngành. 

Cô Vương Mỹ Lan - Hiệu trưởng Trường THCS Lê Hồng Phong cho hay, trước khai giảng năm học mới, nhà trường đã ban hành kế hoạch dạy học trong tình hình dịch bệnh Covid-19. Theo đó, nếu trường hợp phải học online, thầy cô sẽ dạy học thông qua ứng dụng Zoom, Google Meet, Microsoft Teams. Tại nhà, học sinh chủ yếu sẽ xem các video hướng dẫn và làm bài trên phần mềm học tập LMS. Nhà trường cũng khuyến khích học sinh có thể tham gia học qua truyền hình. 

Học sinh phải đeo khẩu trang, đo thân nhiệt và sát khuẩn tay trước khi vào lớp.
Học sinh phải đeo khẩu trang, đo thân nhiệt và sát khuẩn tay trước khi vào lớp. 

Về nội dung học tập online, giáo viên sẽ tập trung dạy học tất cả các môn văn hóa ít nhất 1 tiết/tuần. Ngoài ra, có thể kết hợp các môn học để học sinh vận dụng kiến thức liên môn làm sản phẩm nộp (Vật lý, Hóa học, Sinh học, KTCN; Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân; Âm nhạc kết hợp với Tiếng Anh; Thể dục sẽ hướng dẫn các động tác tập luyện để  phòng chống Covid-19... Thầy cô bộ môn cũng xây dựng các bài giảng có thuyết minh, các video bài giảng để ôn tập, củng cố kiến thức, luyện tập giải đề thi theo nội dung kiến thức đã được học và đưa lên LMS. 

"Khi được học trực tiếp, Tổ trưởng chuyên môn chỉ đạo giáo viên bộ môn tận dụng "thời gian vàng" này để lựa chọn các nội dung cốt lõi, trọng tâm của môn học. Việc triển khai học trực tiếp phải đồng thời được củng cố lại thông qua tiết học online. Việc này nhằm giúp cho phụ huynh và học sinh làm quen dần, sẵn sàng với tình huống không thể học trực tiếp. Thầy cô phải có kế hoạch ôn lại kiến thức, tăng cường kỹ năng qua hình thức trực tuyến nếu việc dạy trực tiếp bị giới hạn do dịch bệnh. Đồng thời, khi các em tới trường phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn của ngành y tế", đại diện nhà trường nhấn mạnh.

Nâng cao chất lượng chăm nuôi trẻ mầm non

Cũng là đơn vị đang dạy học trực tiếp cho trẻ, cô Phạm Thị Nhung - Hiệu trưởng Trường Mầm non Sen Hồng (Côn Đảo) cho hay, do đặc thù của lứa tuổi này nên nhà trường rất chú trọng khâu phòng dịch cũng như đảm bảo chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ tại trường. 

Công tác chăm nuôi và giáo dục trẻ mầm non tại Côn Đảo vẫn được các nhà trường duy trì, bất chấp khó khăn về dịch bệnh.
Công tác chăm nuôi và giáo dục trẻ mầm non tại Côn Đảo vẫn được các nhà trường duy trì, bất chấp khó khăn về dịch bệnh.

Nhà trường luôn đảm bảo công tác vệ sinh an toàn thực phẩm tại bếp ăn, phòng ăn tại các nhóm, lớp học. Phân công cán bộ, giáo viên, nhân viên y tế đón nhận và giao trả học sinh theo đúng hướng dẫn của ngành y tế cũng như của Sở GD&ĐT. Có bảng thông báo về kế hoạch đưa đón học sinh trước cổng trường. 

Bên cạnh đó, thường xuyên theo dõi, kiểm tra sức khỏe của học sinh hàng ngày, kịp thời phối hợp với phụ huynh học sinh, y tế huyện để xử lý y tế các trường hợp nghi ngờ theo quy định. Tổ chức vệ sinh khử khuẩn tại trường hàng ngày như: Hành lang, tay vịn cầu thang, lớp học, các tay nắm cửa. Vệ sinh sân trường, đồ chơi, đồ dùng cá nhân theo đúng yêu cầu và hướng dẫn của ngành học.

Giáo viên nhắc nhở phụ huynh và học sinh thực hiện nghiêm túc việc đeo khẩu trang khi đến trường, khi tham gia giao thông, nơi đông người và đeo khẩu trang đúng cách đã được hướng dẫn. Đồng thời, tại trường luôn đảm bảo đầy đủ các điều kiện vệ sinh phục vụ học sinh và giáo viên như: Nước rửa tay khô, quy trình hướng dẫn rửa tay khô, nước sạch, xà phòng, khăn giấy lau tay, khẩu trang y tế để sử dụng trong các trường hợp cần thiết trong toàn trường.

"Trước đó, nhà trường đã tổ chức cho 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên được tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức về công tác phòng, chống dịch trong trạng thái bình thường mới; các phương pháp đảm bảo an toàn cho trẻ khi ở trường và các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19 trong nhà trường. Bồi dưỡng giáo viên kỹ năng quan sát trẻ, nắm bắt tâm sinh lý trẻ, kịp thời phát hiện những biểu hiện về bệnh của trẻ khi đến lớp, trong lớp học, kịp báo cáo lãnh đạo, nhân viên y tế của nhà trường xem xét, xử lý kịp thời" - cô Nhung chia sẻ thêm. 

Hiện tại, huyện Côn Đảo hiện có 3 trường mầm non gồm: Sen Hồng, Hướng Dương, Tuổi Thơ; Trường Tiểu học Cao Văn Ngọc, Trường THCS Lê Hồng Phong và Trường THPT Võ Thị Sáu. Theo tìm hiểu, địa phương này vẫn đang trong quá trình xây dựng thêm một trường tiểu học nữa với 17 lớp. Dự kiến công trình này sẽ hoàn thành trong mùa hè năm 2022, sẵn sàng đón học sinh vào học từ năm học 2022-2023. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.