Khẩn trương mở cửa trường học

GD&TĐ - Dự kiến đầu tháng 1/2022, các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long bắt đầu mở cửa trường học. Hiện, công tác chuẩn bị, phương án phòng dịch, kịch bản xử lý tình huống được khẩn trương thực hiện.

Giáo viên ở TP Cần Thơ vệ sinh trường lớp, chuẩn bị đón học sinh.
Giáo viên ở TP Cần Thơ vệ sinh trường lớp, chuẩn bị đón học sinh.

Không để bị động khi có F0 trong trường, lớp

Theo ông Đoàn Tấn Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành Giáo dục phối hợp với ngành Y tế và các địa phương xây dựng phương án chuẩn bị mở cửa lại trường học, dạy học trực tiếp. Theo ông Bửu, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh đã cơ bản được kiểm soát nhưng nguy cơ bùng phát dịch vẫn còn. Do vậy, việc tổ chức dạy và học trực tiếp phải thận trọng và thực hiện theo từng bước. Dự kiến đầu tháng 1/2022, xem xét từng bước mở cửa lại trường học, trước tiên là khối lớp 9, 12 và tiếp theo mở rộng các khối lớp còn lại.

“Để đảm bảo cho việc mở cửa trường học, tỉnh Đồng Tháp tổ chức tập huấn, xử lý các tình huống phòng, chống dịch Covid-19 trong trường học; bảo đảm phòng y tế học đường tại trường học phải có thiết bị, thuốc tối thiểu phục vụ chăm sóc sức khỏe học sinh trong tình hình mới (bình oxy; test nhanh; que, lọ lấy mẫu xét nghiệm; các loại thuốc…)”, ông Bửu nhấn mạnh.

Tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, tỉnh Tiền Giang cho học sinh trở lại học trực tiếp từ ngày 3/1/2022. Theo đó, huyện Tân Phú Đông dạy học trực tiếp các khối lớp 9, 10, 12; các huyện, thành, thị còn lại của tỉnh dạy học trực tiếp khối lớp 9 và 12. UBND tỉnh Tiền Giang lưu ý, an toàn phòng chống dịch bệnh được đặt lên hàng đầu khi học sinh trở lại trường học trực tiếp. Yêu cầu các cơ sở giáo dục phải đảm bảo đạt “Mức độ an toàn rất cao” theo Bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn, phòng chống dịch Covid-19 của Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh.

Tỉnh Tiền Giang chỉ tổ chức dạy 1 buổi/ngày, mỗi lớp không quá 24 học sinh; kết hợp dạy trực tiếp và trực tuyến tùy theo tình hình của đơn vị. Chưa tổ chức hoạt động sinh hoạt tập thể, giáo dục kỹ năng sống, dạy thêm, học thêm; không tổ chức bán trú, nội trú. Các trường xây dựng phương án phòng chống dịch, thành lập Ban chỉ đạo, Tổ an toàn Covid-19, có phương án xử lý cụ thể khi phát hiện ca nhiễm, bảo đảm cơ sở vật chất, nhân sự…

Theo ông Lê Quang Trí, Giám đốc Sở GD&ĐT Tiền Giang, các cơ sở giáo dục tăng cường phối hợp với gia đình học sinh để đảm bảo các điều kiện an toàn cho học sinh khi đến trường. Lưu ý an toàn từ nhà đến trường và ngược lại, an toàn trong nhà trường. Trong ngày đầu tiên, các đơn vị bố trí thời gian phù hợp để thông tin, phổ biến đến học sinh về đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19 và kế hoạch học tập...

Tỉnh Sóc Trăng dự kiến cho học sinh cấp THPT và tương đương đến trường từ ngày 4/1/2022; cấp THCS và tương đương đến trường từ ngày 10/1/2022; cấp tiểu học và trẻ mẫu giáo từ 3 - 5 tuổi đến trường từ ngày 14/2/2022. Nhà trẻ tiếp tục tạm dừng đến trường cho đến khi tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát.

Về ứng phó với các tình huống dịch bệnh, theo ông Châu Tuấn Hồng, Giám đốc Sở GD&ĐT Sóc Trăng, trong trường hợp phát hiện trẻ có dấu hiệu bất thường (sốt cao, khó thở, hắt hơi…) hoặc nghi ngờ phát bệnh thì kịp thời đưa ngay đến phòng cách ly tạm thời; phân công giáo viên ổn định lớp học tại chỗ, đồng thời báo cáo với cơ quan chủ quản và phối hợp nhanh với cơ quan y tế để xử lý.

Khi có yêu cầu giải tán lớp học, giáo viên chủ nhiệm có nhiệm vụ thông tin nhanh đến phụ huynh, đồng thời phải giữ trật tự, cho học sinh ra về có phân luồng theo từng khối lớp, cấp học. Với học sinh ở vùng “nguy cơ rất cao”, nhà trường phải thông tin kịp thời đến gia đình và học sinh thông qua nhóm Zalo để tạm dừng đến trường.

Giáo viên tỉnh Tiền Giang được test Covid-19 trước khi dạy học trực tiếp.
Giáo viên tỉnh Tiền Giang được test Covid-19 trước khi dạy học trực tiếp. 

Tập trung tuyên truyền, tạo đồng thuận

Trao đổi công tác chuẩn bị tổ chức dạy học trực tiếp, ông Đoàn Tấn Bửu nhấn mạnh: Địa phương quan tâm truyền thông các nội dung có liên quan đến dạy học trực tiếp (thời gian; số buổi học/tuần; hình thức tổ chức học trực tiếp; các biện pháp xử lý tại trường...). Chú trọng khảo sát ý kiến của cha mẹ học sinh, học viên về việc trở lại trường học trực tiếp...

Sở GD&ĐT tỉnh Tiền Giang lập đoàn công tác do lãnh đạo sở dẫn đầu đến các địa phương trong tỉnh để kiểm tra công tác chuẩn bị đón học sinh. Trong đó, công tác tuyên truyền, vận động phụ huynh an tâm cho học sinh trở lại trường được chú trọng. Theo bà Huỳnh Thị Phượng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, các trường đang tích cực rà soát những gì còn thiếu, hạn chế để kịp thời bổ sung. Đặc biệt là chú ý khâu tuyên truyền, vận động làm sao để phụ huynh an tâm cho con đến trường; tạo sự đồng thuận, không gây hoang mang, áp lực cho học sinh và phụ huynh…

Tỉnh Sóc Trăng đã xây dựng kế hoạch tổ chức hoạt động dạy và học năm học 2021 - 2022 đảm bảo “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” với phương châm “nhập học phải an toàn, an toàn mới nhập học”. Theo ông Châu Tuấn Hồng, sở phối hợp với các ban, ngành có liên quan và UBND huyện, thị xã, thành phố để chuẩn bị điều kiện cần thiết nhất về cơ sở vật chất để đảm bảo cho trẻ đến trường được an toàn.

Phòng GD&ĐT các huyện, thị xã, thành phố và thủ trưởng cơ sở giáo dục khẩn trương xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện của đơn vị phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương, từng vùng, trình cấp có thẩm quyền của địa phương phê duyệt trước khi tổ chức cho học sinh đến trường. Đồng thời phải chuẩn bị các điều kiện cần thiết trước khi trường hoạt động dạy học trực tiếp trở lại.

Các cơ sở giáo dục ở Sóc Trăng thành lập, kiện toàn Ban Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 do thủ trưởng cơ sở giáo dục làm trưởng ban, có đầu mối tham mưu, tổ chức triển khai công tác phòng chống dịch. Tổ an toàn Covid-19 của cơ sở giáo dục gồm thành viên là đoàn viên Công đoàn, Đoàn Thanh niên. Mỗi tổ an toàn Covid-19 có từ 3 - 5 người, tổ trưởng là lãnh đạo Công đoàn hoặc Đoàn Thanh niên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ