Mở cửa trường học trở thành ưu tiên hàng đầu của nhiều quốc gia

GD&TĐ - Trong bối cảnh mô hình “Sống chung với Covid-19” được nhiều nước áp dụng, mở cửa trường học đã trở thành ưu tiên hàng đầu của nhiều quốc gia trên thế giới.

Ông Phạm Quang Hưng, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu tại hội thảo.
Ông Phạm Quang Hưng, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo trực tuyến toàn quốc về tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp đảm bảo an toàn phòng chống dịch trong các cơ sở giáo dụ sáng 19/1, ông Phạm Quang Hưng, Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những chia sẻ về kinh nghiệm quốc tế trong mở cửa trường học.

Thông tin về tình hình mở cửa trường học trên thế giới, ông Phạm Quang Hưng cho biết: Trước khi có vaccine, việc học online là một giải pháp hoàn toàn đúng để giảm lây nhiễm trong cộng đồng. Qua kinh nghiệm quốc tế cho thấy, khi tỷ lệ phủ vaccine của quốc gia đạt yêu cầu thì việc quay lại học trực tiếp là tất yếu để đảm bảo chất lượng giáo dục và kể cả sức khỏe thể chất và tinh thần của học sinh. Ví dụ: Theo UNICEF, tại Ấn Độ, tỷ lệ trẻ em có thể đọc hiểu văn bản cấp 1 giảm từ 42% trong năm 2018 xuống 24% trong năm 2020.

Trong bối cảnh mô hình “Sống chung với Covid-19” được nhiều nước áp dụng, mở cửa trường học đã trở thành ưu tiên hàng đầu của nhiều quốc gia trên thế giới. Số liệu UNICEF và UNESCO ngày 7/1/2022 cho thấy: trong khu vực Đông Á Thái Bình Dương với 26 nước có 65% mở cửa hoàn toàn; 35% còn lại mở cửa một phần, trong đó có Việt Nam).

UNICEF và UNESCO khuyến cáo: “Trong đại dịch, nơi đóng cửa muộn nhất là trường học và nơi mở cửa sớm nhất cũng là trường học”.

Để mở cửa trường học, theo ông Phạm Quang Hưng, các quốc gia đều có văn bản hướng dẫn cụ thể về việc mở cửa trường học, trong đó dựa trên các khuyến nghị của WHO, UNICEF và UNESCO về mở cửa trường học. Trong đó, có: quy định về việc tiêm vắc xin và chiến lược xét nghiệm cho học sinh; các biện pháp quản lý nguy cơ khi có dịch trong trường học; tăng cường nhận thức của phụ huynh và học sinh trong giai đoạn đầu mở cửa trường học.

Ví dụ: Thái Lan cho phép các trường học có giáo viên/nhân viên tiêm chủng vắc xin Covid-19 từ 85% trở lên được mở cửa trở lại. Một số quốc gia (Indonesia, Campuchia, Ấn Độ, Malaysia) triển khai chương trình tiêm chủng vắc xin Covid-19 cho trẻ em dưới 12 tuổi. Hàn Quốc và Singapore hoàn thành tiêm vắc xin Covid-19 cho học sinh từ 12-18 tuổi.

Với trẻ chưa tiêm và không tiêm, các nước cũng hối thúc đi học. Kinh nghiệm của Singapore và Nhật Bản trong việc này là quản lý chặt hơn (kiểm tra các triệu chứng); với Canada và Mỹ thì yêu cầu nộp kết quả xét nghiệm.

Việc áp dụng quy định không được cứng nhắc mà phải giao quyền tự chủ cho các địa phương. Ví dụ: Pháp giao từng địa phương quyết định căn cứ tình hình thực tế kiểm soát dịch bệnh, các trường từ tiểu học đến THPT sẽ học trực tiếp nếu là vùng xanh và vàng, còn vùng cam và đỏ sẽ kết hợp học trực tuyến và trực tiếp.

Một vấn đề được các nước quan tâm là quyền tự chủ được giao đến cấp quản lý hành chính nào? Trước câu hỏi này, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế đưa ví dụ từ Nhật Bản và Thái Lan cho phép hiệu trưởng được quyền quyết định đóng cửa các trường học khi xuất hiện nhiều ca lây nhiễm trong trường học, thời gian đóng cửa tối đa 7 ngày.

Từ kinh nghiệm quốc tế, ông Phạm Quang Hưng, nhận định: Việc mở cửa trường học là xu hướng chung của các nước trên thế giới theo phương châm “Sống chung với Covid”. Ở Việt Nam, các biện pháp đảm bảo an toàn để học sinh có thể quay trở lại trường học đã và đang thực hiện khá tương đồng với thế giới. Chúng ta cần đẩy nhanh tiến độ mở cửa trường học như khuyến cáo của UNICEF và UNESCO. Cùng với đó, tăng cường công tác truyền thông nhằm chuẩn bị tâm lý sẵn sàng thích ứng, cho phụ huynh, học sinh và giáo viên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.