Tương truyền, khi vua Quang Trung kéo quân ra Bắc để tiêu diệt quân xâm lược nhà Thanh có nghỉ lại xứ Kim Tân. Tại đây vua được thưởng thức giống mía ngon, lạ và rất quý nên Vua rất thích. Đến nỗi, sau khi đại phá xong quân xâm lược nhà Thanh, vua Quang Trung đã có chiếu dụ tổ chức hội mía tại Phố Cát (Thanh Hóa).
Đến thời nhà Nguyễn, năm nào cũng cử người và xe ngựa ra bứng, chở từng bụi mía Kim Tân vào kinh thành Huế dâng Vua. Ngọn và gốc mía được đưa ra ngoài dân gian và được nhân giống trên mảnh đất xứ Huế cho đến ngày nay…
Mía cơm rượu là giống mía quý, hiếm, có “họ hàng” với giống mía tím; thân mía cao to, đốt thưa, mắt nhỏ, vỏ màu đỏ pha tím sẫm. Tuy nhiên, ruột giống cây mía tím có màu trắng sữa, còn ruột mía cơm rượu có màu đỏ pha nâu nhạt và giống mía tím không giòn mềm và ngọt thanh, thơm mát như mía cơm rượu.
Cũng theo các bậc cao niên ở Huế thì tên gọi là “mía cơm rượu” có thể là do ngày xưa, khi vận chuyển mía từ Thanh Hóa về kinh thành Huế phải mất một thời gian nhất định, trong khi giống mía này có độ ngọt cao nên một phần nào chuyển hóa thành rượu, tỏa mùi thơm như cơm rượu nếp cẩm. Từ đó có tên là “mía cơm rượu”.
Mía cơm rượu là giống mía được ưa chuộng nhất từ xưa cho đến nay ở xứ Huế. Giống mía này tuy ngon, giàu dinh dưỡng nhưng không dễ trồng và năng suất không cao lắm so với các giống mía khác. Chính vì thế từ xưa tới nay, nó vẫn là giống mía quý hiếm ở Huế. Giá bán loại mía này thường cao gấp nhiều lần so với các giống mía thông thường.
Theo y học cổ truyền, mía có vị ngọt mát, tính bình. Có tác dụng thanh nhiệt, giải khát, giải độc. Tiêu đờm và chống nôn mửa. Bởi mía rất giàu dinh dưỡng. Các loại vitamin và khoáng chất như kali, magiê, phốt pho, can xi… có trong cây mía giúp phục hồi sự thiếu hụt dinh dưỡng trong cơ thể do sốt cao.
Theo y học hiện đại, mía còn có thể chữa được các bệnh vàng da, bởi mía có khả năng khôi phục các chức năng gan. Chữa lành các ổ nhiễm trùng. Tốt cho người bị sỏi thận hay người bị tiểu đường. Trong mía có chất làm ngọt tự nhiên không gây nguy hiểm hoặc làm tăng đường huyết nếu dùng một liều lượng thích hợp. Chính vì thế mía cơm rượu không những ngọt ngon mà còn rất bổ dưỡng.
Vào mùa đông, xứ Huế rất lạnh, mía có thể róc vỏ, cắt khúc ngắn (vừa ăn) rồi hấp cách thủy, dùng cho người lớn tuổi và trẻ em vừa hợp vệ sinh, vừa đại bổ cam tỳ. Ăn mía hấp, nhai bỏ xác, nuốt nước làm sạch răng, miệng, thông mát vòm họng, yết hầu.
Ngoài ra, nếu thêm 3gr gừng xắt lát mỏng, ăn sau bữa cơm sẽ làm dễ tiêu hóa, giảm hấp thụ đường, mỡ, diệt vi khuẩn bám ở các vết viêm loét gan, dạ dày, kích thích tiết mật nhanh, có lợi cho hệ tiêu hóa. Hoặc có thể nướng mía cơm rượu cho đến lúc ngửi thấy mùi thơm mật mía thì mang ra róc vỏ cháy bên ngoài và cắt đoạn vừa ăn rất thơm ngon và khoái khẩu.
Các lão nông vùng Quảng Điền cho hay, mía cơm rượu khi trồng ở Huế, thường thích hợp với các vùng đất bãi bồi cao, thoát nước trên lưu vực các con sông. Đặc biệt lưu vực phù sa con sông Bồ đã làm nên một “thủ phủ” của giống mía quý hiếm này tại xã Quảng Phú (huyện Quảng Điền).
Từ các tháng 10, 11, 12 (âm lịch) hàng năm là mùa thu hoạch mía. Thời điểm này, mía cơm rượu được bày bán hầu khắp các chợ xứ Huế. Đấy là giống mía chỉ dùng để “ăn vặt” chứ không ép lấy nước uống. Thương lái mua mía tại vườn, sau đó sẽ dùng xe tải chở đi bán ở khắp nơi. Người buôn mía bỏ mối cho các chủ bán lẻ. Do đặc tính cao về chất lượng, lại bắt mắt về hình thức nên giống “mía tiến Vua” xứ Huế rất được người tiêu dùng ưa chuộng.
Với đặc điểm lịch sử đã từng là kinh đô của chế độ phong kiến, xứ Huế là nơi vẫn còn lưu giữ được nhiều món ăn ngon và những loại cây trái quý hiếm đã một thời dùng để tiến Vua. Trong đó có giống “mía cơm rượu” ngọt lành. Nếu bạn đến Huế vào mùa thu hoạch, hãy một lần tìm và thưởng thức giống mía tiến Vua. Chắc chắn bạn sẽ có một trải nghiệm thú vị.