Ngày 15/5, bác sĩ Lê Ngọc Duy, Phó trưởng khoa Cấp cứu, Chống độc (BV Nhi TƯ) cho biết, BV đang điều trị cho bé P.P.T. (3 tuổi, ở Hà Nội) bị ngộ độc do uống phải dầu hỏa.
Gia đình bệnh nhi cho biết, cách đây vài hôm bé ở nhà với gia đình. Trong lúc chơi, bé khát nên tìm nước uống. Trong lúc gia đình không để ý, bé phát hiện thấy vỏ chai nước lọc, bên trong đựng dầu hỏa.
Nghĩ rằng đó là chai nước, bé mở nắp và uống một mạch. Khi người thân phát hiện, thấy bé miệng nồng nặc mùi dầu hỏa nên đưa đi cấp cứu.
Theo bác sĩ Duy, bệnh nhi được gia đình đưa vào viện cấp cứu trong tình trạng nôn, ho liên tục, miệng nồng nặc mùi dầu hỏa. Tiếp nhận bệnh nhi, các bác sĩ đã tiến hành các biện pháp cấp cứu, theo dõi và truyền dịch cho bé.
Hiện tại, bệnh nhi đã qua cơn nguy kịch, nhưng có dấu hiệu viêm phổi nên các bác sĩ đang tiếp tục nỗ lực điều trị.
Bác sĩ Duy cho biết, khi trẻ uống nhầm xăng dầu, chất tẩy rửa phụ huynh không được gây nôn cho trẻ. Vì khi gây nôn, hóa chất được đưa ra ngoài thì hơi hóa chất có cơ hội tràn vào khí quản làm tăng mức độ ngộ độc, gây bỏng thực quản. Thay vào đó, phụ huynh cho bé uống vài ngụm nước lọc rồi đưa đến cơ sở y tế để các bác sĩ cấp cứu.
Để hạn chế trẻ uống nhầm hóa chất, phụ huynh cần để các loại thuốc, hóa chất xa tầm tay của trẻ; không nên đựng hóa chất trong vỏ chai đựng nước uống như lavie; không đựng các đồ uống vào các chai lọ vốn là bao bì đựng hóa chất để tránh các trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra.