Mấy ý kiến về "điểm sàn" trong tuyển sinh đại học

Mấy ý kiến về "điểm sàn" trong tuyển sinh đại học

(GD&TĐ) - Những năm gần đây, cứ đến dịp tuyển sinh đại học là dư luận xã hội lại rộ lên xung quanh vấn đề nên hay không nên quy định điểm sàn, và mức điểm sàn là bao nhiêu cho phù hợp? Xung quanh vấn đề này, có hai luồng ý kiến. 

Luồng ý kiến thứ nhất, đòi xóa bỏ điểm sàn, để các trường tự chủ trong tuyển sinh theo nhu cầu và điều kiện mà Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. Những người đưa ra ý kiến cho rằng: Vấn đề là chất lượng đầu ra, chứ không phải là quản lý chất lượng đầu vào. Rồi họ dẫn cách làm của một số nước để “khuyên” Bộ Giáo dục và Đào tạo làm theo.
Ngoài lý lẽ cho rằng, bỏ điểm sàn sẽ không ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo, họ còn đưa ra cả lý lẽ về công bằng và bình đẳng để tranh thủ sự ủng hộ của dư luận (nhất là các đối tượng học sinh và phụ huynh của học sinh có lực học THPT còn yếu).
Theo họ, đó là giải pháp để tạo cơ hội cho mọi người được học đại học, đảm bảo công bằng trong giáo dục cho mọi người.
Loại ý kiến thứ hai, ủng hộ quan điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo về quy định điểm sàn, coi điểm sàn là yêu cầu xác định chất lượng đầu vào tối thiểu để người học có điều kiện, khả năng tiếp thu được kiến thức của chương trình đào tạo đại học.
Đặc biệt là, trong tình hình chất lượng giáo dục phổ thông chưa có chuyển biến rõ rệt mà việc phát triển quy mô đại học lại “nóng” dẫn đến suy giảm về chất lượng thì đây còn là giải pháp để đảm bảo chất lượng đào tạo (một trong những vấn đề hết sức bức xúc mà dư luận xã hội đang quan tâm hiện nay). 
Khoan hãy nói đến những người thuộc nhóm ý kiến thứ nhất là ai, họ có động cơ gì? Hãy xem xét vấn đề đặt ra một cách khách quan? 
Mọi người đều biết, trong những năm vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có rất nhiều nỗ lực để đổi mới quản lý giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng. Trong giáo dục đại học, Bộ đã tỏ ra rất “mạnh tay” trong việc giao quyền tự chủ cho các trường.
Nhưng nếu chỉ bằng cách tạo cơ chế cho các trường được tự chủ mà không có biện pháp để  quản lý những người làm giáo dục nhưng thiếu cái tâm, chỉ lo cho lợi ích riêng, thương mại hóa trong giáo dục để họ lợi dụng thì rất nguy hiểm. Nhận thức như vậy, nên Bộ thấy rất cần phải xây dựng cơ chế kiểm soát và hệ thống đánh giá theo “chuẩn”.
Hệ thống đánh giá theo chuẩn được áp dụng ở các lĩnh vực: từ đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, khung chương trình... đến thư viện, trang thiết bị và cả “chuẩn” về kiểm định đánh giá chất lượng (chuẩn đầu ra), thì hà cớ gì mà Bộ không quy định về chuẩn đầu vào đại học? Điểm sàn là điểm tối thiểu để các trường tuyển sinh chính là “chuẩn đầu vào” vậy! Việc quy định này có nhiều ý nghĩa:
Một là, nó lượng hóa về kiến thức, kỹ năng theo yêu cầu tối thiểu mà người học phải có để có thể học tiếp chương trình đại học; nó không chỉ là chỉ số về biết kiến thức và kỹ năng, mà cả về tư chất của người học.
Hai là, nó tạo cho học sinh phổ thông có động lực để vươn lên trong học tập. Chúng ta sẽ không thể hình dung nổi giáo dục phổ thông sẽ ra sao, nếu học sinh không cần thi, tức không cần nỗ lực, phấn đấu cũng được học đại học.
Có thể nói, giải pháp “ba chung” gắn với quy định về điểm sàn là một “phát minh” quan trọng của Bộ Giáo dục và Đào tạo, phù hợp với tình hình tuyển sinh của nước ta trong những năm qua, được xã hội rất hoan nghênh. 
Trong tình hình giáo dục như hiện nay thì chưa thể nói trước được đến bao giờ chúng ta bỏ giải pháp “ba chung” gắn với quy định mức điểm sàn. Nếu bỏ nó thì hãy tìm một giải pháp đảm bảo chất lượng tuyển đầu vào tốt hơn, khách quan hơn, công bằng hơn; chứ không phải để cho các trường có chất lượng đào tạo thấp - nhất là các cơ sở đào tạo ngoài công lập mặc sức tuyển sinh.
Một khi thực tế chưa có đủ bằng chứng phủ nhận thì sự thay thế cách làm đang phát huy tác dụng tích cực sẽ là việc áp đặt chủ quan, tạo mảnh đất tốt cho “tiêu cực trong giáo dục” phát triển.
Mặt khác, việc quy định mức điểm sàn còn là một giải pháp quan trọng để phân luồng đào tạo, và đây mới là việc cần làm. Những nhà hoạch định chiến lược đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước nghĩ gì nếu hàng năm có hầu hết học sinh tốt nghiệp phổ thông vào đại học nếu hạ thấp điểm sàn?
Tỷ lệ này trong thực tế hàng năm tiếp tục được nâng lên, khi mà một bộ phận còn lại thí sinh không đạt điểm sàn tiếp tục thi đại học năm sau, hoặc qua chương trình đào tạo liên thông từ trung cấp, cao đẳng lên đại học, hoặc đi học đại học theo con đường du học tự túc...
Cho nên, việc xóa điểm sàn, hạ thấp điểm sàn để các trường đại học ồ ạt tuyển sinh, không chỉ tác động tiêu cực đến chất lượng dạy học ở phổ thông, đi ngược với mục tiêu nâng cao chất lượng đại học, mà còn làm cho tình trạng mất cân đối giữa đào tạo đại học với đào tạo trung cấp chuyên nghiệp, đào tạo nghề ngày càng trở nên nghiêm trọng.
Hậu quả là, thị trường lao động thiếu người lao động có tay nghề, còn sinh viên sau khi ra trường nhập vào đội quân thất nghiệp ngày càng tăng! Điều đó gây thiệt hại cho người học không chỉ về kinh tế mà cả tinh thần và thời gian vật chất. 
Ngoài ra, nó còn gây  ra bao nhiêu hệ lụy khác cho xã hội khác, như: người dân đã nghèo lại nghèo thêm vì đầu tư cho con không có hiệu quả; người “học thật” mất cơ hội tìm việc bởi người “học giả” học để lấy bằng rồi “chạy việc” chính là “đội quân” gây ra bao nhiêu tiêu cực trong tuyển dụng mà buồn thay chỉ có cơ quan đảng, đoàn thể và cơ quan nhà nước gánh chịu chứ không phải là doanh nghiệp sử dụng lao động!
Tôi rất phản đối những ý kiến ủng hộ phát triển giáo dục đại học ồ ạt khi đưa ra số sinh viên/đầu dân của Việt Nam và so sánh với một số nước trong khu vực như: Singapore, Thái Lan, Malaysia... để biện hộ cho quan điểm của mình.
So sánh như vậy là không gắn giáo dục với hoàn cảnh cụ thể của mỗi nước, là siêu hình trong phương pháp tư duy về giáo dục. Giáo dục phải gắn với kinh tế, xã hội của một đất nước, đào tạo phải gắn với sử dụng, để đảm bảo lợi ích của người học và đáp ứng nhu cầu xã hội.
Sự thực hiển nhiên như vậy. Thế mà những người thuộc nhóm ý kiến thứ nhất vẫn cứ tìm mọi lý lẽ để ngụy biện - trong đó có cả những nhà khoa học có uy tín nữa mới thật đáng buồn! Lý do thật dễ hiểu: Họ không vì lợi ích chung của cộng đồng, của nhân dân, mà chỉ vì lợi  ích cục bộ!
Không, chúng ta phải phê phán động cơ của họ và đứng về lợi ích của người đi học, lợi ích của nhân dân và lợi ích của xã hội.
Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo hãy kiên định quan điểm của mình, không thể xóa hoặc hạ điểm sàn; đồng thời trong việc chỉ đạo công tác tuyển sinh, cần “ưu tiên” thanh tra những trường mà số thí sinh dự thi bằng hoặc thấp hơn chỉ tiêu được tuyển; cảnh giác với tình trạng chấm thi cho “vống điểm lên” để thí sinh có đủ điểm sàn.
Khẩu hiệu mà dư luận cần ủng hộ Bộ Giáo dục và Đào tạo lúc này là: Không thể xóa điểm sàn để biến hàng triệu thanh niên - mà hầu hết là con em nông dân, đang ở tuổi học nghề - thành hàng hóa của các nhà đầu tư xây trường đại học; không thể xóa điểm sàn để cứu vãn cho “thị trường đại học” đã và đang phát triển theo kiểu bong bóng như thị trường bất động sản và chứng khoán!
Để kết thúc bài viết, xin được nhắc lại hai ý kiến đáng nhớ: Trong một hội thảo về công tác tuyển sinh, có đại biểu nói: Người ủng hộ giải pháp “ba chung” kèm theo quy định mức sàn là người “đứng đắn”; còn GS Đào Trọng Thi, trả lời phóng viên khi được hỏi quan điểm của mình trước ý kiến “đòi bỏ hoặc hạ thấp điểm sàn, vì nó không phải là yếu tố quyết định chất lượng đào tạo”, đã cho rằng, nói như vậy là “cố đấm ăn xôi”!
Cảnh Thụy

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ