Nhóm thực hiện đề án này gồm Nguyễn Trần Minh Đức, Nguyễn Văn Thắng, Trần Quốc Đạt, Cao Anh Tú (Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội), Lương Đức Trung (Trường ĐH Ngoại thương).
Chia sẻ về lý do thực hiện đề án, Ngô Trần Minh Đức – sinh viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội – cho biết: Hiện nay, thân sen tại đầm vẫn bị bỏ phí, gây ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, sản phẩm từ tơ sen đem lại nhiều giá trị, nhưng tơ sen vẫn đang sản xuất ở quy mô nhỏ, thủ công, chưa được tự động hóa.
“Việc chế tạo ra máy lấy tơ sen có ý nghĩa quan trọng trong việc hòa nhập xu hướng tự động hóa. Và cũng là bước đi tiên phong, mang giá trị góp phần thúc đẩy nền kinh tế cũng như góp phần đưa văn hóa đặc trưng của Việt Nam được truyền bá rộng rãi” – Ngô Trần Minh Đức chia sẻ.
“Máy lấy tơ sen” được thiết kế tối ưu, thuận tiện sử dụng; kết cấu gọn nhẹ, dễ lắp đặt, phù hợp cho các đơn vị làng nghề thủ công, các doanh nghiệp sản xuất và các mục đích nghiên cứu, triển lãm. Đây cũng là sản phẩm được yêu thích nhất trong cuộc thi năm nay.
Đạt giải nhì “Sáng tạo trẻ Bách khoa 2019” là đề án “Vòng đai theo dõi các chỉ số thiết yếu trong vận động” (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội); giải ba là đề án “Chế tạo các vật liệu nhựa sinh học cao cấp làm từ tảo” (Trường ĐH Thủy lợi).
3 đề án đạt giải khuyến khích đều thuộc về các đội thi của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, gồm: Đề án “Nghiên cứu, thiết kế và chế tạo robot nhặt bóng tennis thông minh Black Hole”, “Hệ thống đánh giá rối loạn thăng bằng ở người” và "Đèn Tảo" thông minh giúp cải thiện chất lượng không khí trong nhà”.
Đội giải Nhất sẽ nhận được giải thưởng trị giá 20 triệu đồng; giải Nhì: 10 triệu đồng; giải Ba: 5 triệu đồng; giải khuyến khích: 3 triệu đồng.
“Sáng tạo trẻ Bách khoa năm 2019” được khởi động từ ngày 30/5/2019 với chủ đề “Smart up for life”, hướng tới các sản phẩm có khả năng khởi nghiệp, phục vụ cho các lĩnh vực của cuộc sống như giao thông, giáo dục, môi trường, biển đảo, công nghiệp, nông nghiệp và y tế.