Mấy ai thấu hiểu gian truân giáo viên mầm non hợp đồng lâu năm

GD&TĐ - Kế hoạch tuyển dụng giáo viên cho năm học mới của Phú Thọ khiến nhiều giáo viên mầm non hợp đồng rơi vào cảnh lo lắng, đứng ngồi không yên.

Học sinh Trường Mầm non Thượng Cửu.
Học sinh Trường Mầm non Thượng Cửu.

Theo kế hoạch trên, giáo viên diện hợp đồng từ năm 2015 trở về trước phải “thi đấu” như giáo sinh mới ra trường, trong khi Bộ Nội vụ và Bộ GD&ĐT đều có văn bản hướng dẫn tuyển dụng đặc cách với trường hợp này.

Những hy sinh thầm lặng

Trong nhiều năm trở lại đây, ngành Giáo dục Phú Thọ liên tiếp đón tin vui. Chất lượng giáo dục đại trà, mũi nhọn ngày càng nâng lên. Nhiều học sinh đoạt giải quốc gia và quốc tế. Tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023, Phú Thọ cũng giữ vững vị thế thứ 8/63 tỉnh, thành về điểm trung bình bài thi.

Có được thành tích trên là nhờ sự quan tâm, chung tay vào cuộc cả hệ thống chính trị, nỗ lực của ngành Giáo dục, của học sinh và đặc biệt là đội ngũ thầy, cô giáo. Trong đó, có sự đóng góp không hề nhỏ của các giáo viên mầm non hợp đồng - những người đã dành trọn tuổi xuân để ươm mầm cho tương lai đất nước.

Ông Phan Trọng Đức, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thanh Sơn (Phú Thọ), cho biết, số lượng giáo viên mầm non hợp đồng trên địa bàn nhiều. Phòng đã hoàn thiện hồ sơ nộp về Phòng Nội vụ huyện để các cô tham gia thi tuyển viên chức. Trước đó, phòng hướng dẫn ban giám hiệu, giáo viên hợp đồng để rà soát điều kiện, hoàn thiện hồ sơ dự thi theo quy định hiện hành...

Cô Nguyễn Thị Thu Hằng hiện là giáo viên hợp đồng tại Trường Mầm non Thượng Cửu, một xã nằm ở vùng sâu, vùng xa của huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ. Ở đây đa số bà con là người dân tộc Mường và dân tộc Dao ở khu Sinh Tàn. Đời sống kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, đường sá đi lại vô cùng vất vả.

Cô Hằng nhớ lại những ngày đầu về nhận công tác, đó là tháng 2/2012. Lúc này, xã Thượng Cửu còn thưa bóng người, cơ sở vật chất nhà trường, điều kiện sinh hoạt vô cùng thiếu thốn.

Khoảng cách từ nhà đến trường chừng 40km nhưng phải trải qua cung đường đèo dốc, đôi khi bất ngờ gặp cơn lũ thượng nguồn đổ về khiến việc đi lại càng thêm khó khăn, thậm chí nguy hiểm tính mạng. Đến mùa mưa muốn về nhà, các cô phải thuê xe công nông chở qua đoạn suối sâu. Đường từ nhà đến trường của các cô vì thế gắn liền lên xe, xuống đi bộ, lội suối và cả “chiến đấu” với 4 - 5 đợt lũ.

Cô Hằng tâm sự: “Về trường nhận công tác năm 2012, đến tháng 3/2013, tôi được đóng bảo hiểm xã hội. Thời gian đầu mới về, tôi dạy lớp ghép 3 - 4 rồi 4 - 5 và cả lớp 3 - 4 - 5 tuổi. Năm 2015 khu xóm Cảy của xã làm đường, đi dạy đường dốc mưa trơn một tháng không biết ngã xe bao lần. Ngã đến mức hễ thấy mưa là sợ không dám đi xe máy nữa mà phải đi bộ. Mang tiếng là cô giáo nhưng mùa mưa cứ phải mang ủng đi bộ gần chục cây số đến lớp”.

Nữ nhà giáo cũng nhớ như in những hình ảnh về điểm trường lẻ ở khu Sinh Tàn. Đó là năm học 2021 - 2022, cô được điều động lên công tác, nơi đây không có sóng điện thoại, không Internet. Cuộc sống vô vàn gian khó.

Vất vả là vậy nhưng giáo viên hợp đồng Nguyễn Thị Thu Hằng luôn dành trọn tình yêu với nghề, tình thương với những đứa trẻ ngây thơ đang khát khao tri thức.

Cô Hằng kể: “12 năm công tác ở vùng cao, tôi có nhiều kỷ niệm về vùng đất, con người Thượng Cửu. Đáng nhớ nhất trong cuộc đời giáo viên là khi tôi công tác trên khu lẻ Sinh Tàn, với bà con là người dân tộc Dao. Người dân vô cùng thân thiện và gần gũi, những cô cậu học trò hồn nhiên và đáng yêu. Vào ngày Tết Thanh Minh đặc trưng của dân tộc Dao, tôi được phụ huynh, các con tặng gói xôi màu, chiếc bánh được gói bằng nhân rau cải hay con cá suối nướng thơm lừng…”.

Dù là giáo viên hợp đồng nhưng cô Trần Thu Hằng luôn nỗ lực để đạt được nhiều thành tích trong công tác.

Dù là giáo viên hợp đồng nhưng cô Trần Thu Hằng luôn nỗ lực để đạt được nhiều thành tích trong công tác.

Khi niềm tin bị… đánh cắp

Hơn 10 năm gắn bó với giáo dục vùng khó, cô Nguyễn Thị Thu Hằng cũng như nhiều đồng nghiệp chỉ mong có ngày được tuyển dụng chính thức. Khi biết Bộ Nội vụ có văn bản gửi tỉnh Phú Thọ xem xét tuyển dụng đặc cách đối với giáo viên mầm non hợp đồng, cô Hằng rất vui. Cô mong lãnh đạo tỉnh Phú Thọ quan tâm, xem xét đến những cống hiến của giáo viên mầm non hợp đồng lâu năm, có nhiều đóng góp cho ngành Giáo dục được tuyển dụng đặc cách để giảm bớt khó khăn trong cuộc sống và yên tâm với nghề.

Nhưng mọi hy vọng của cô Hằng và nhiều nhà giáo diện hợp đồng lâu năm bị sụp đổ khi theo kế hoạch tuyển dụng của tỉnh, các cô phải “thi đấu” như người mới ký hợp đồng và giáo sinh mới ra trường.

Trong quá trình tiếp xúc, tìm hiểu về công tác tuyển dụng giáo viên của tỉnh Phú Thọ năm 2023, hàng chục giáo viên mầm non hợp đồng đã gửi tâm sự, chia sẻ tới Báo GD&TĐ. Những tâm tư ấy đều toát lên một điều đó là tình yêu họ dành cho nghề; là sự vất vả khi phải “vật lộn” với cuộc sống hằng ngày bằng đồng lương ít ỏi. Và, điều mong mỏi nhất ở họ đó chính là được xem xét tuyển dụng theo cơ chế đặc cách.

Cô Trần Thu Hằng, giáo viên hợp đồng tại Trường Mầm non thị trấn Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ thuộc diện có thâm niên nhất ở huyện này. Cô vào nghề từ tháng 8/2013 nhưng đến tháng 1/2017 mới được đóng bảo hiểm cùng nhiều đồng nghiệp khác. Trong quá trình công tác, cô được công nhận là giáo viên dạy giỏi tỉnh, 2 lần giáo viên dạy giỏi cấp huyện, 2 lần nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND huyện.

“Qua 11 năm học nhưng lương tháng vừa rồi của tôi chỉ được hơn 2,7 triệu đồng. Bản thân được lãnh đạo trường và Phòng GD&ĐT động viên tham gia các phong trào để sau này được ưu tiên trong xét tuyển nhưng khi biết kế hoạch tuyển dụng của tỉnh Phú Thọ, tôi thấy chưa được công bằng với những giáo viên hợp đồng lâu năm. Bởi, chúng tôi đã cống hiến, có thành tích và kiên trì bám trụ với đồng lương ít ỏi nhưng nay lại thi tuyển như giáo viên hợp đồng ở các trường tư hay sinh viên mới ra trường. Đó là thiệt thòi rất lớn”, cô Hằng phân trần.

Cô Hằng mong lãnh đạo tỉnh Phú Thọ xem xét đến những cống hiến của giáo viên hợp đồng lâu năm để có quyết sách phù hợp, nhất là vận dụng để xét tuyển đặc cách như ở các giai đoạn trước tỉnh đã làm.

Tâm trạng giống như cô Trần Thu Hằng, cô Nguyễn Thị Hải Yên, giáo viên hợp đồng của Trường Mầm non Thanh Đình (TP Việt Trì), cho biết: “Tôi đi dạy từ tháng 9/2014, đến 1/2016 được đóng bảo hiểm xã hội. Mặc dù học đại học chính quy, công tác cũng gần 10 năm nhưng lương tháng vừa rồi mới xấp xỉ 3,8 triệu đồng”.

Chia sẻ về nguyện vọng cá nhân, cô Yên bộc bạch: Mong lãnh đạo tỉnh Phú Thọ thực hiện việc xét tuyển đặc cách với giáo viên đang hợp đồng lâu năm. Có thể để những người nhiều tuổi, có nhiều năm công tác vào trước rồi đến lượt người đi sau. Còn nếu thi tuyển mà thông tin chạy chọt lan truyền như hiện nay thì bản thân rất lo ngại. Bởi, với nhiều giáo viên mầm non hợp đồng, lương thấp khiến họ tự ti với người thân. Họ phải mưu sinh bằng đủ thứ nghề như bán bảo hiểm, bán hàng online…

Như chia sẻ của cô giáo tại huyện Thanh Thủy, lương giáo viên hợp đồng 10 năm mà được trên dưới 3 triệu đồng. Mức lương này không đủ một lần đưa con đi khám bệnh ở thành phố. Đã có nhiều đồng nghiệp phải bỏ nghề vì vất vả, một số thì bán hàng kiếm thêm thu nhập.

Với những người bám trụ lại với nghề, khó khăn có thể khắc phục nhưng tuổi tác không chờ họ. Nhiều giáo viên mầm non năm nay đã ngoài 40 tuổi chỉ mong được tuyển dụng để yên tâm công tác, ổn định đời sống. Ngoài việc mong muốn được tuyển dụng đặc cách, nhiều giáo viên mầm non hợp đồng tại tỉnh Phú Thọ còn kiến nghị tỉnh có cơ chế về lương hè, phụ cấp đứng lớp và các chế độ đãi ngộ khác để đội ngũ đảm bảo đời sống và yên tâm công tác.

Ngày 7/7/2023, ông Bùi Văn Quang, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, ký ban hành Kế hoạch số 2543/KH-UBND về việc tuyển dụng giáo viên mầm non trên địa bàn tỉnh năm 2023. Trong đó, có 808 chỉ tiêu giáo viên hưởng lương từ ngân sách Nhà nước và 8 chỉ tiêu hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp.

Sau khi UBND tỉnh Phú Thọ ban hành kế hoạch trên, nhiều giáo viên mầm non hợp đồng có thâm niên công tác và được đóng BHXH từ 5 năm trở lên bày tỏ lo lắng vì tỉnh không đề cập đến việc tuyển dụng đặc cách theo Công văn 5378 của Bộ Nội vụ. Ngoài ra, nhiều giáo viên còn lo ngại về tình trạng “cò” chạy biên chế đang được bàn tán xôn xao tại địa phương này, mỗi suất có giá hàng trăm triệu đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.