(GD&TĐ) - Cũng là giáo viên mầm non, cùng làm việc trong một môi trường, có cùng trình độ nhưng giáo viên mầm non hợp đồng vẫn chưa nhận được đồng lương tương xứng với công sức của họ đã bỏ ra.
Vất vả, áp lực
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, mỗi ngày giáo viên mầm non sẽ dạy 6 giờ trên lớp/ngày đối với nhóm trẻ học 2 buổi và 4 giờ dạy/ngày đối với nhóm trẻ học một buổi. Ngoài ra, GV phải thực hiện các công việc chuẩn bị cho giờ dạy trên lớp như soạn giáo án, làm đồ dùng… cũng như các công việc khác do hiệu trưởng quy định để quy đổi đảm bảo làm việc 40 giờ/tuần. Tuy nhiên, trên thực tế, GV mầm non vẫn phải làm việc từ 10 - 12 giờ/ngày.
Giáo viên hợp đồng vẫn “lép vế” trong các trường mầm non Ảnh: Xuân Tùng |
Chia sẻ về những vất vả trong công việc của giáo viên mầm non, cô Đào Thị Loan - Hiệu trưởng Trường mầm non Quỳnh Hưng (Quỳnh Phụ, Thái Bình) - cho biết: Lâu nay, GV mầm non được mệnh danh là giáo viên “3 nhất”. Đó là thời gian làm việc nhiều nhất, áp lực nặng nề nhất nhưng đồng lương lại thấp nhất so với các bậc học khác. Đồng tình, Phó hiệu trưởng Trường mầm non Kỳ Sơn (Tứ Kỳ, Hải Dương) Đoàn Thị Hiền dãi bày: Một ngày làm việc của GV mầm non bắt đầu từ 6.30 - 7.00 sáng (tùy mùa đông hay hè). Đây là thời điểm GV có mặt ở trường để làm vệ sinh lớp học. 7.00- 7.30, các cô sẽ đón cháu, tổ chức ăn sáng. Tiếp đó là dạy học theo từng chủ đề, tập thể dục rồi lại lo bữa trưa, giấc ngủ cho trẻ. Buổi chiều, các cô lại lo dạy, cho trẻ ăn bữa lỡ và trả trẻ. “Theo quy định của nhà trường, 17.30, phụ huynh phải đón hết trẻ nhưng hầu như ngày nào các cô cũng phải ở lại đến 18.00, thậm chí 18.30 do cha mẹ bận việc, đến đón con muộn” - cô Hiền cho biết.
Việc nhiều, lương thấp
Ngày nào cũng quay cuồng trong công việc nhưng so với bậc học khác, lương giáo viên mầm non hiện nay tuy đã có sự thay đổi đáng kể nhưng vẫn chưa tương xứng với công sức họ bỏ ra. Tại Trường Mầm non Quỳnh Hưng, những năm trước, GV dù làm việc 10 năm cũng chỉ hưởng mức lương 1 triệu đồng/tháng. Từ năm học 2010 - 2011, thực hiện Đề án tăng học phí, học phí của trẻ mẫu giáo và nhà trẻ tăng từ 25 ngàn đồng/tháng lên 50 ngàn đồng/tháng, quỹ lương của nhà trường cũng khả dĩ hơn. “Nhà trường đã trả lương cho GV theo mức lương tối thiểu như quy định của nhà nước từ năm học 2010 - 2011, đến năm học 2012 - 2013, học phí tăng thêm 10 ngàn đồng/học sinh/tháng nên nhà trường đã trả lương cho giáo viên theo bằng cấp. Tuy nhiên, việc tăng lương định kỳ, nhà trường vẫn chưa dám nghĩ đến. Vì vậy, với GV hợp đồng, dù đi dạy 5 năm hay 10 năm vẫn không biết đến tăng lương hoặc mỗi lần tăng lương chỉ được cộng thêm vài ba ngàn là điều… bình thường” - cô Loan tâm sự.
Giáo viên mầm non ngoài việc dạy Ảnh: H. Thu |
Còn theo cô Hiền, thực hiện Đề án phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi, đời sống GV mầm non có sự thay đổi đáng kể nhờ việc các trường bán công được chuyển sang công lập. GV vì thế cũng được tuyển dụng dần vào biên chế. Tuy nhiên, do việc tuyển dụng theo lộ trình nên hiện vẫn có sự chênh lệch giữa GV trong biên chế với GV hợp đồng. “GV hợp đồng hiện nay dù được hưởng lương, đóng bảo hiểm như GV trong biên chế nhưng họ vẫn chịu thiệt thòi do chưa được hưởng phụ cấp đứng lớp, phụ cấp thâm niên” - cô Hiền trao đổi.
Thống kê của Bộ GD&ĐT, hiện cả nước vẫn còn khoảng 40% GV mầm non ngoài biên chế chưa được hưởng lương theo ngạch bậc, chưa được tăng lương định kỳ hay hưởng phụ cấp đứng lớp… Ngoài nguyên nhân do điều kiện kinh tế của mỗi địa phương, còn một lý do khác là sự bất cập về chế độ chính sách giữa các bậc học.
Cụ thể, dù đã vào biên chế nhưng việc có được hưởng phụ cấp đứng lớp hay không còn phụ thuộc vào quỹ tiền lương thu từ học phí của nhà trường. Việc quy đổi số giờ dạy dư thừa tuy đã có quy định nhưng hầu như chưa được thực hiện… GV trong biên chế đã vậy, GV hợp đồng càng không thể trông mong vào việc được hưởng những ưu đãi trên.
Đề án phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi được phê duyệt với kỳ vọng nâng cao chất lượng bậc học vốn non yếu này. Thực hiện Đề án, các địa phương đã tiến hành chuyển đổi loại hình trường, có cơ chế chính sách cho GV. Đây là tin vui với đội ngũ GV mầm non, nhưng trong quá trình thực hiện đã bộc lộ bất cập, đó là sự chênh lệch về thu nhập giữa GV biên chế và hợp đồng tuy có cùng công sức lao động như nhau. Thiết nghĩ, lương chỉ là yêu cầu trước mắt, cái mà giáo viên mầm non trông chờ nhất vẫn là sự công bằng trong công việc và hưởng thụ. Để làm được điều này cần sự thống nhất chung về cơ chế chính sách trên toàn quốc.
Việc xác định biên chế vẫn chưa theo nhu cầu thực tế Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi giai đoạn 2010 - 2015 đã đi được già nửa chặng đường. Nhưng khó khăn nhất vẫn là đội ngũ giáo viên. Cả nước có 17 vạn giáo viên mầm non, trong đó 9 vạn là giáo viên ngoài biên chế. Mặc dù để số giáo viên này ngoài biên chế là một bất cập lớn nhưng ngành Giáo dục các địa phương vẫn bị khống chế định biên hàng năm. Hướng dẫn kế hoạch biên chế năm 2013 của Sở Nội vụ Nam Định (http://sonoivu.namdinh.gov.vn/Home/tochucnhanuoc/Bomay-Bienche/2012/318/Huong-dan-ke-hoach-bien-che-hanh-chinh-nam-2013.aspx) là một ví dụ sinh động: Biên chế trong các trường mầm non: + Đối với 21 Trường Mầm non công lập cũ (20 trường mầm non của thành phố Nam Định và 1 trường mầm non của huyện Trực Ninh) đã được giao biên chế, tạm thời ghi nhận số biên chế này. + Đối với các Trường Mầm non được chuyển từ Trường Mầm non bán công sang Trường Mầm non công lập theo Quyết định 18A/2010/QĐ-UBND ngày 1/9/2010 của UBND tỉnh, năm 2012 giao đủ số biên chế theo Nghị quyết 141/2011/NQ-HĐND ngày 9/7/2011 của HĐND tỉnh về phát triển giáo dục mầm non, trong đó giao mỗi trường hạng I là 7 biên chế, trường hạng II là 6 biên chế nhưng đối với những xã, phường, thị trấn có 3 trường mầm non trở lên thì cũng không quá 15 biên chế. Ngoài ra, Sở Nội vụ Nam Định cũng lưu ý, số lượng giáo viên mầm non được hỗ trợ tiền lương và tiền đóng BHXH, BHYT được quy định trong Quyết định số 18B/2010/QĐ-UBND phải giảm đi số lượng tương ứng với số biên chế được giao bổ sung thêm năm 2012 để mỗi trường mới chuyển đổi có đủ 6 - 7 biên chế. |
La Giang