Dự án đầy tham vọng này công bố tại một sự kiện kinh doanh và đổi mới trên toàn quốc được tổ chức ở Chengdu, một thành phố có 14 triệu dân ở tỉnh Sichuan, miền tây nam Trung Quốc. Wu Chengfeng, chủ tịch của Viện Nghiên cứu Hệ thống Vi điện tử Khoa học và Công nghệ Không gian Chengdu (Casc) cho biết, các kế hoạch phóng vệ tinh chiếu sáng được gọi là “mặt trăng nhân tạo” sáng gấp 8 lần vệ tinh thật sự của Trái đất và có thể thay thế đèn đường trong một khu vực có đường kính 10-80km.
Vệ tinh sáng tạo “được thiết kế để bổ sung cho những đêm không có trăng sáng” đã được tiến hành nghiên cứu trong nhiều năm nay và nhờ những thành tựu về công nghệ, nó sẵn sàng được phóng lên vào năm 2020.
Trong khi những chi tiết chính xác về vệ tinh này chưa được tiết lộ, một số phương tiện truyền thông đã tường trình rằng vật thể trên có một lớp phủ phản chiếu ánh sáng từ mặt trời với những cánh giống như tấm năng lượng mặt trời, có thể được điều chỉnh để chiếu ánh sáng tập trung vào những vị trí chính xác. “Ánh sáng của vệ tinh và thời gian phục vụ đều có thể điều chỉnh và ánh sáng được chiếu trong phạm vi vài chục mét”, Wu Chungfeng nói.
Chưa rõ dự án này có được sự hỗ trợ của chính phủ Trung Quốc hoặc của chính quyền thành phố Chengdu hay không nhưng các viên chức địa phương cho biết họ thú vị với “mặt trăng nhân tạo” này vì nó giúp cắt giảm chi phí đèn đường và thu hút khách du lịch.
Trong khi mặt trăng nhân tạo phát sáng là một dự án gây chú ý cho nhiều người, đồng thời nó cũng nổi lên nhiều câu hỏi. Nhiều người trên nền tảng truyền thông xã hội Weibo đã thắc mắc về cách mà ánh sáng nhân tạo có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ và làm thay đổi tập tính loài vật. Ngoài ra, người ta cũng e ngại nó gây khó khăn cho việc quan sát thiên văn. Tuy nhiên, Kang Weimin, Trưởng bộ phận không gian tại Viện công nghệ Harbin, cho biết vệ tinh chỉ phát ánh sáng mờ mờ nên không tác động gì loài vật.
Cường độ ánh sáng phát ra nơi mặt trăng nhân tạo là một ẩn số khác. Trong khi tờ People’ Daily trích dẫn Wu Chengfeng khi cho rằng ánh sáng phát ra đủ để thay thế đèn đường, thì Xinhua News Agency lại dẫn lời ông ta nói ánh sáng chỉ bằng 1/5 độ sáng của đèn đường thông thường.
Mặt trăng nhân tạo được cho là lấy cảm hứng từ khái niệm của “một nghệ sĩ Pháp, người đã tưởng tượng treo một chuỗi hạt bằng kính bên trên trái đất dể phản chiếu ánh sáng khắp mọi con đường ở Paris quanh năm”, và theo dự án của Znamya ở Nga, tiến hành vào những năm 1990: Phóng vệ tinh nhân tạo lên không gian để phản chiếu ánh sáng Mặt trời xuống Trái đất. Trong một thời gian ngắn, vệ tinh này đã chiếu sáng một phần bán cầu về đêm. Tuy nhiên, sau đó không lâu dự án bị bỏ dở.
Vào năm 2013, thành phố Rjukan ở Na Uy từng lắp đặt 3 tấm gương lớn do máy tính điều khiển để theo dõi sự di chuyển của Mặt trời và phản chiếu ánh sáng xuống quảng trường thành phố.