'Mặt tối' tại thủ phủ luyện thi đại học ở Ấn Độ

GD&TĐ - Những vụ tự tử tại thành phố luyện thi Kota làm nổi bật lên văn hóa thi đại học khốc liệt và áp lực đè nặng lên học sinh phổ thông Ấn Độ.

Biển quảng cáo của các trung tâm luyện thi ở Kota, Ấn Độ.
Biển quảng cáo của các trung tâm luyện thi ở Kota, Ấn Độ.

Bán đất cho con học thêm

Hàng năm, khoảng 300 nghìn thí sinh đổ xô đến thành phố Kota, bang Rajasthan, Ấn Độ và “rúc mình” trong những phòng học nóng nức, bụi bặm, nơi họ dành 18 tiếng mỗi ngày luyện thi đại học. Sau nhiều tháng ròng rã ôn luyện, một số thí sinh trúng tuyển và hiện thực hóa ước mơ trở thành bác sĩ, kỹ sư nhưng với những người khác, kỳ thi sẽ phá hủy họ.

Với 65% dân số, tương đương 1,4 tỷ người, dưới 35 tuổi và việc ngày càng nhiều người trẻ theo đuổi giáo dục đại học, mức độ cạnh tranh của các kỳ thi này đang “nóng” hơn bao giờ hết. Trong bối cảnh đó, Kota được biết đến là “thủ phủ luyện thi” tại Ấn Độ. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi từng nhận xét Kota là “thánh địa giáo dục của Ấn Độ”. Ngành công nghiệp luyện thi ở đây hiện có giá trị ước tính khoảng 120 tỷ rupee.

Học phí luyện thi một năm trung bình là 150 nghìn rupee và chi phí sinh hoạt hàng tháng tại các trung tâm (bao gồm chỗ ở và thức ăn) là 30 nghìn rupee. Trước đây, mô hình luyện thi dành riêng cho tầng lớp trung lưu nhưng hiện nay, ngay cả những gia đình khó khăn cũng tìm cách xoay xở đủ tiền cho con đi học.

Năm ngoái, ông Kedar Korde, sống bằng nghề nông tại Hingoli, Maharashtra, đã bán mảnh đất duy nhất của gia đình và chuyển nhà đến Kota để đăng ký cho hai con trai, 14 và 17 tuổi, theo học tại Allen.

Ông Korde cho biết: “Các con trai là tất cả của tôi. Tôi muốn mang đến cho các con nền giáo dục tốt nhất có thể và điều đó chỉ có thể tìm thấy ở Kota. Tôi rất buồn khi bán mảnh đất vì đó là nguồn sinh kế duy nhất của gia đình nhưng đó là lựa chọn bắt buộc. Các con sẽ không phải chịu cảnh bần cùng như tôi”.

Ông Korde đang làm bảo vệ ký túc xá. Gia đình 4 người sống trong một căn phòng nhỏ trong khi con trai lớn chuẩn bị cho kỳ thi đại học y. Tuy nhiên, tiền lương của ông bố vẫn không đủ để trang trải chi phí.

Vì vậy, ở quê nhà, cha của ông, Ramdas, cũng đang bán dần những miếng đất của mình để góp tiền vào việc học cho các cháu trai. “Tôi đã bỏ học từ năm lớp 7 nên tôi không ngần ngại bán hết đất của mình để lo cho các cháu trai đi học. Nếu chúng trở thành bác sĩ hay kỹ sư sẽ là vinh hạnh của gia đình và ngôi làng của tôi”, ông Ramdas, 69 tuổi, cho hay.

Các trung tâm luyện thi ở Kota giúp học sinh tham gia các kỳ thi đại học có tính cạnh tranh cao như kỳ thi vào trường y, trường kỹ thuật...

Bên trong một lớp học thêm tại Kota, Ấn Độ.

Bên trong một lớp học thêm tại Kota, Ấn Độ.

Không có thời gian cho bạn bè

Năm 2023, hơn 2 triệu thí sinh tham dự Kỳ thi tuyển sinh vào các trường y khoa (NEET) nhưng tổng chỉ tiêu cả nước chỉ là 140 nghìn suất. Cùng lúc đó, một triệu thí sinh khác sẽ tham gia Kỳ thi tuyển sinh vào các trường kỹ thuật hàng đầu (IIT) để tranh giành 10 nghìn suất học. Đây vốn là những kỳ thi thu hút đông đảo thí sinh tham dự và cũng có áp lực khủng khiếp nhất.

Để chuẩn bị cho các kỳ thi trên, hàng trăm nghìn học sinh ở Kota, phần lớn trong độ tuổi từ 17 - 20, phải tuân theo lịch học dày đặc trong cả tuần. Vì muốn giành chỗ ngồi đẹp trong phòng học hơn 300 người, nhiều sĩ tử phải dậy từ 4 giờ sáng đến lớp tranh chỗ và dành 6 giờ tiếp theo trong phòng học nhỏ bé, nóng nực.

Dù là học thêm, học sinh sẽ làm bài kiểm tra hai tuần một lần và được xếp hạng công khai dựa trên điểm số. “Tôi không có thời gian dành cho bạn bè hay giao lưu. Bây giờ, sách là người bạn duy nhất của tôi”, Rani Kumari, 22 tuổi, đang ôn thi vào trường y tại Kota cho biết.

Cạnh tranh vào các trường y hoặc kỹ thuật ở Ấn Độ rất khốc liệt.

Cạnh tranh vào các trường y hoặc kỹ thuật ở Ấn Độ rất khốc liệt.

Còn Shree Kumar Verma, 19 tuổi, đang ôn luyện cho Kỳ thi NEET tại Học viện Hướng nghiệp Allen, trường luyện thi lớn nhất Kota. Theo Shree, Kota là thành phố căng thẳng nhất Ấn Độ. Nhìn đâu người ta cũng thấy sự tuyệt vọng của giới trẻ nước này. Rất nhiều người ước mơ trở thành kỹ sư hoặc bác sĩ và họ phải trải qua rất nhiều khó khăn để đạt được điều đó. Kota mang lại cho họ tất cả hoặc không có gì.

Nằm trong thành phố Kota, không nơi nào thể hiện khát vọng thành công của thanh thiếu niên Ấn Độ nhiều như ở ngôi đền Radha Krishna. Những người trẻ đến đây và viết nguệch ngoạc hàng nghìn lời cầu nguyện trên tường như “xin thần linh hãy ban cho con thành công”; “xin Người hãy ở bên con, hãy để bố mẹ con đều hạnh phúc, hãy giúp con vượt qua NEET 2024”; “thần linh hãy hướng dẫn con cách làm việc thật chăm chỉ”... Tu sĩ Pandit Radhe Shyam cho biết ông phải quét vôi các bức tường hai tuần một lần để có thêm chỗ trống cho những lời thỉnh cầu.

Nhìn bề ngoài, Kota là thành phố mang lại thành công cho người trẻ Ấn Độ. Nếu đạt điểm cao trong các kỳ thi đại học hàng năm, các thí sinh sẽ được in ảnh lớn, dán trên các biển quảng cáo tại các trung tâm. Họ cũng được trường đại học vinh danh, trao tặng tiền mặt trị giá 100 nghìn rupee.

Chiến thắng bằng bất cứ giá nào

Tuy nhiên, mặt tối của định nghĩa “thành công” trên là văn hóa luyện thi đại học khắc nghiệt tại Kota và gánh nặng học tập mà gia đình, xã hội đặt lên vai những đứa trẻ 16, 17 tuổi. Chỉ tính riêng trong năm 2023, 27 học sinh luyện thi tại Kota đã tự tử.

Đây là số học sinh tự tử cao nhất mà thành phố này ghi nhận từ khi các trung tâm ôn thi đại học mọc lên. Nhận định vấn đề này đã trở nên đặc biệt nghiêm trọng, một số bộ trưởng trong Chính phủ Ấn Độ đề xuất cấm các trung tâm luyện thi. Vấn đề cũng được nêu ra tại cuộc họp Quốc hội Ấn Độ vừa qua.

Trong tháng 10 vừa qua, chính quyền bang Rajasthan đã công bố bộ hướng dẫn mới nhằm nỗ lực hạn chế tỷ lệ tự tử tăng cao. Đơn cử, để tránh việc học sinh tự làm hại bản thân, người ta đã tháo dỡ những chiếc quạt trần trong phòng học vì đây là phương tiện thường được học sinh dùng để treo cổ.

Trong khi những lời chỉ trích nhắm vào các trường luyện thi, nhiều học sinh và chuyên gia tâm lý tại Kota cho rằng áp lực lớn nhất đến từ gia đình học sinh. Theo quan niệm của người Ấn Độ, việc gia đình có con cái làm bác sĩ hoặc kỹ sư rất được coi trọng và nhiều phụ huynh coi Kota là con đường để biến điều này thành hiện thực.

TS Neena Vijayvargiya, chuyên gia Tâm thần làm việc tại Kota, cho biết: “Hầu hết các trường hợp học sinh mắc vấn đề tâm thần mà tôi điều trị đều do áp lực đến từ gia đình. Họ gieo vào đầu những đứa trẻ suy nghĩ rằng “con phải chiến thắng bằng bất cứ giá nào””.

Theo chuyên gia này, nhiều phụ huynh không chấp nhận việc con cái thất bại. Vì vậy, cuộc sống, cảm xúc và giá trị của học sinh gắn chặt với điểm số mà các em đạt được trong kỳ thi đại học. Điều đó khiến học sinh nảy sinh áp lực và không tìm được cách giải tỏa.

Hồi tháng 9, một nữ sinh 17 tuổi đang ôn thi đại học đã treo cổ tự tử trong phòng ngủ. Theo cảnh sát, em này viết trong nhật ký những lời cầu xin được rời khỏi Kota. Cha của cô gái cũng thừa nhận rằng con gái ông đã nhiều lần bày tỏ mong muốn được trở về nhà.

“Cho dù điều gì xảy ra, vợ chồng tôi đều nhất quyết không cho con bỏ học ở Kota và trở về nhà. Vợ tôi nói với con gái qua điện thoại rằng chúng tôi đã chi gần một triệu rupee cho việc học tập ở Kota”, ông bố cho hay.

Thí sinh tham dự Kỳ thi tuyển sinh vào các trường y khoa Ấn Độ (NEET).

Thí sinh tham dự Kỳ thi tuyển sinh vào các trường y khoa Ấn Độ (NEET).

Thiếu nhận thức

Tại các trung tâm luyện thi, vấn đề sức khỏe tinh thần của học viên được quan tâm. Đơn cử, Allen, một trong những trung tâm lớn ở Kota, có hơn 50 bác sĩ tâm thần, nhân viên cố vấn trực tiếp và đường dây trợ giúp 24/7.

Tuy nhiên, theo bà Vijayvargiya, ở Ấn Độ, sự kỳ thị và thiếu nhận thức về sức khỏe tinh thần khiến các bậc phụ huynh bỏ qua các dấu hiệu trầm cảm ở con cái. Nhiều học sinh phải trùm khăn kín đầu, đeo kính râm tìm đến bác sĩ tư vấn vì họ sợ bị phát hiện, nhất là nữ sinh. Nếu bị phát hiện đến gặp bác sĩ tâm thần, họ có thể gặp trở ngại khi kết hôn.

Kỳ thi đại học khốc liệt là vấn đề chung của nhiều quốc gia châu Á như Ấn Độ, Hàn Quốc hay Trung Quốc. Trong những năm gần đây, Hàn Quốc và Trung Quốc đã mạnh tay xử lý vấn đề trên.

Mới đây, Hàn Quốc công bố kế hoạch điều chỉnh Kỳ thi tuyển sinh đại học Suneung (hay CSAT). Theo đó, số lượng môn thi tại Kỳ thi Suneung sẽ giảm xuống thông qua việc tích hợp vào các môn thi chính gồm Tiếng Hàn, Toán học, Khoa học Xã hội, Khoa học Tự nhiên và Giáo dục Nghề nghiệp.

Đề thi cũng giảm độ khó. Khoảng 50% câu hỏi của đề thi sẽ nằm trong chương trình giảng dạy trực tuyến trên kênh truyền hình giáo dục EBS để thí sinh có thể tự ôn luyện mà không cần phụ thuộc vào các trung tâm luyện thi tư nhân.

Còn Trung Quốc đã triển khai chính sách “giảm kép” trong giáo dục, trong đó gồm cấm tổ chức dạy thêm cho học sinh dưới 16 tuổi vào ngày lễ hoặc cuối tuần và giảm khối lượng bài tập về nhà trong trường học.

Kota sở hữu hàng chục trung tâm luyện thi tư nhân chuyên cung cấp các khóa ôn tập chuyên sâu để thí sinh bước vào các kỳ thi tuyển sinh đại học khốc liệt như thi vào trường y, trường kỹ thuật... Đại diện các trung tâm tìm đến trường phổ thông để khuyến khích phụ huynh đăng ký. Nhiều học sinh từ năm 11 tuổi đã được gửi đến Kota và chuẩn bị cho các kỳ thi đại học.

Theo TG

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ