Bất cập lớn trong hệ thống Giáo dục đại học Ấn Độ

GD&TĐ - Hệ thống giáo dục sau trung học tại Ấn Độ hiện lớn thứ hai thế giới, sau Trung Quốc, với hơn 41 triệu sinh viên.

Nhiều sinh viên Ấn Độ thích du học hơn học đại học trong nước.
Nhiều sinh viên Ấn Độ thích du học hơn học đại học trong nước.

Dù Chính phủ Ấn Độ có kế hoạch mở rộng số lượng sinh viên trong các cơ sở giáo dục đại học trong nước, nhưng các trường đại học đang đối mặt với tình trạng thừa chỉ tiêu. Nhiều trường tư phải đóng cửa vì không đủ sinh viên.

Hệ thống giáo dục sau trung học tại Ấn Độ hiện lớn thứ hai thế giới, sau Trung Quốc, với hơn 41 triệu sinh viên. Năm 2020, Chính phủ Ấn Độ thông qua Chính sách Giáo dục quốc gia (NEP) nhằm tăng tỷ lệ nhập học sau trung học từ mức 27,3% lên 50% vào năm 2035. Ấn Độ sẽ cần tuyển sinh khoảng 34 triệu sinh viên để đạt mục tiêu trên.

NEP cũng nhằm thành lập và phát triển các tổ chức giáo dục đại học ở các khu vực còn hạn chế giáo dục để đảm bảo khả năng tiếp cận, công bằng và hòa nhập. Tuy nhiên, một số dữ liệu gần đây cho thấy số lượng sinh viên mới đăng ký đã giảm ở nhiều trường đại học, ngay cả những trường tốp đầu.

Riêng tại bang Delhi, tỷ lệ sinh viên Ấn Độ ghi danh chỉ đạt 38%. Các trường nghệ thuật, khoa học và kỹ thuật đều thừa hàng ngàn chỉ tiêu. Mức độ thiếu hụt là khác nhau giữa các bang nhưng những thay đổi trên đang vẽ nên bức tranh ảm đạm về giáo dục Ấn Độ.

Theo nghiên cứu của GS Philip G Altbach, Giám đốc sáng lập Trung tâm Giáo dục Đại học quốc tế, ĐH Boston, Mỹ và cộng sự, khác với nhiều quốc gia châu Á khác, vấn đề sụt giảm chỉ tiêu tuyển sinh đại học không đến từ nguyên nhân nhân khẩu học. Thực tế, dân số Ấn Độ đang tăng lên dù tốc độ mở rộng chậm lại.

Nguyên nhân phổ biến được cho là thanh thiếu niên Ấn Độ đang cân nhắc về giá trị của các chương trình và trường học truyền thống. Mục tiêu của thanh thiếu niên hiện nay là tìm được cơ hội việc làm tốt giữa thị trường lao động có nhiều xáo trộn.

Chưa kể, ngày càng nhiều sinh viên Ấn Độ lựa chọn du học nước ngoài bởi nhiều nguyên nhân như giá trị bằng cấp cao hơn, một số quốc gia có chi phí học phải chăng hơn, khả năng ở lại nước ngoài làm việc cao hơn...

Trong khi đó, nhiều trường đại học bị phản ánh là chất lượng đào tạo, cơ sở vật chất sụt giảm. Số lượng trường công lập ở một số ngành nghề như y khoa hạn chế nên sinh viên phải chuyển sang học trường tư vốn đắt đỏ gấp nhiều lần.

Bất chấp việc Chính phủ Ấn Độ muốn mở rộng số lượng cơ sở giáo dục đại học, tình trạng thiếu sinh viên đã và đang diễn ra, gây tác động không nhỏ lên lĩnh vực này. Thiếu nguồn thu từ học phí, hàng trăm trường tư thục phải đóng cửa trong những năm gần đây. Chỉ riêng giai đoạn 2021 – 2022, khoảng 40 trường, chủ yếu là kỹ thuật, đã không tuyển sinh và dần đóng cửa.

Về phía các trường công lập, đội ngũ giảng viên, nhân viên có thể bị cắt giảm khi số lượng sinh viên giảm. Tuy nhiên, các trường được cho là vẫn có thể tồn tại trước thách thức trong ngắn hạn nhờ nguồn tài chính công.

Hậu quả của những thay đổi trên sẽ định hình lại giáo dục đại học ở Ấn Độ. Điều này đòi hỏi chính phủ cần phối hợp với chính quyền các địa phương tìm ra biện pháp khắc phục để tránh việc đóng cửa trường học và tái cấu trúc ngành. Ngoài ra, cũng cần xây dựng tình huống để đối phó với sự sụt giảm tuyển sinh ở từng nhóm sinh viên như thành thị, nông thôn, nền tảng kinh tế...

Trong năm học 2021 – 2022, Viện Công nghệ Ấn Độ thừa 361 chỉ tiêu đại học, 3.083 chỉ tiêu sau đại học và 1.852 chỉ tiêu đào tạo tiến sĩ. Tại Học viện Công nghệ quốc gia Ấn Độ, con số này lần lượt là 685, 3.413 và 914 chỉ tiêu.

Theo UWN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ