Giáo dục môi trường là môn học bắt buộc tại Ấn Độ

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Nhiều trường đại học ở Ấn Độ có khoá học cấp bằng về Khoa học Môi trường, Quản lý Môi trường và các lĩnh vực liên quan.

Các hiện tượng thời tiết cực đoan gây thiệt hại lớn về người và tài sản tại Ấn Độ.
Các hiện tượng thời tiết cực đoan gây thiệt hại lớn về người và tài sản tại Ấn Độ.

Theo thông báo từ Ủy ban Tài trợ Đại học (UGC), cơ quan quản lý giáo dục đại học của Ấn Độ, tất cả sinh viên đại học ở Ấn Độ sẽ phải học giáo dục môi trường và biến đổi khí hậu. Đây là những môn học bắt buộc mà họ phải hoàn thành trước khi tốt nghiệp.

UGC đã chỉ đạo các trường đại học, cao đẳng giới thiệu môn học về nghiên cứu môi trường cho tất cả các chương trình đào tạo, từ kỹ thuật tổng quát, y tế, kiến trúc đến dược phẩm, quản lý... Nội dung học này nhằm giúp Ấn Độ đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc.

Theo UGC, chương trình giáo dục môi trường đảm bảo tính đa ngành, bao gồm các lĩnh vực như biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, bảo tồn và quản lý tài nguyên sinh học và đa dạng sinh học, ô nhiễm, vệ sinh môi trường, quản lý chất thải, bảo vệ rừng và động vật hoang dã...

Chương trình giáo dục môi trường đã được đưa vào giáo dục đại học ở Ấn Độ trước đây nhưng dưới dạng môn học tự chọn. Hiện nay, sinh viên sẽ học có tập trung hơn và chú trọng vào thực tế thay vì lý thuyết. Các cơ sở giáo dục có thể linh hoạt lựa chọn phương pháp giảng dạy.

Tuy nhiên, nội dung học cần hướng đến sự tham gia và phục vụ cộng đồng, hiểu biết thực tế về các mối đe dọa với môi trường, giáo dục dựa trên giá trị để tìm hiểu về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Các học giả tin tưởng chương trình học mới sẽ nâng cao hiểu biết của sinh viên về khoa học đằng sau các vấn đề môi trường và các biện pháp để giải quyết chúng.

Ông Nagraj Adve, thành viên nhóm Giáo viên chống khủng hoảng khí hậu, nhìn nhận hiệu quả của khóa học bắt buộc sẽ phụ thuộc vào nội dung và cách thức tổ chức khóa học. “Khoá học phản ánh thực tế rằng các vấn đề môi trường đang ảnh hưởng đến chúng ta ngày càng sâu sắc. Sinh viên phải hình thành nhận thức về thực tế đời sống ngoài nội dung học trong nhà trường. Đây là điều cần thiết”, ông Adve chia sẻ.

Nhiều trường đại học ở Ấn Độ có khoá học cấp bằng về Khoa học Môi trường, Quản lý Môi trường và các lĩnh vực liên quan. Đơn cử, Trường Đại học Khoa học Môi trường và Biến đổi Khí hậu thuộc Đại học Nông nghiệp Kerala là một trong những nơi tiên phong ở châu Á triển khai chương trình đại học về khoa học khí hậu. Chương trình cử nhân của trường kéo dài 4 năm.

TS PO Nameer, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Ấn Độ bắt đầu quan tâm đến các chương trình khoa học môi trường và biến đổi khí hậu vì đất nước cần số lượng lớn nhân lực để xử lý những thách thức do biến đổi khí hậu gây ra”.

Nhiều chuyên gia nhìn nhận chương trình học bắt buộc là bước tiến quan trọng trong việc kết hợp giáo dục môi trường vào hệ thống giáo dục chính thống. Điều này là phù hợp trong bối cảnh Ấn Độ ghi nhận nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ lụt, sóng nhiệt... gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Những hiện tượng trên được cho là do biến đổi khí hậu gây ra.

Theo UWN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) được đầu tư xây dựng khang trang. (Ảnh: Thế Lượng)

Hai 'bông hoa' ở trường vùng biên xứ Thanh

GD&TĐ - Hai nữ sinh Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) đã vượt khó, nỗ lực phấn đấu khi đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử và Ngữ văn.