Là một nhà sư phạm, không nằm ngoài "đám đông" - những người quan tâm đến mọi vấn đề thời sự, đặc biệt vấn đề liên quan đến giáo dục, TS. Vũ Thu Hương - nguyên giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội nêu quan điểm: Theo dõi diễn biến chung, tôi thực sự lấy làm giật mình vì phần lớn những lời phản đối đều đi theo các hướng chửi bới, xúc phạm, hoặc đề cao thuyết âm mưu như: Tiền in sách giáo khoa lên đến trăm tỉ, ngàn tỉ...
"Thật buồn là những lời xúc phạm dạng này không hề hiếm gặp trong thời đại bùng nổ thông tin ở nước ta. Thiết nghĩ, mỗi người nên soi lại "văn hóa tranh luận" của mình bởi hệ lụy của những "quá lời" sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín cá nhân trong việc làm gương cho con cái của bạn." - TS. Vũ Thu Hương chia sẻ.
Trao đổi với phóng viên Báo Giáo dục & Thời đại, TS. Vũ Thu Hương nêu quan điểm cá nhân về một số nguyên tắc cần lưu ý để luôn là một người tranh luận có văn hóa khi chúng ta tham gia phản biện một vần đề.
1. Tôn trọng người tranh luận
Một nguyên tắc vàng là không bao giờ xúc phạm nhân thân và nhận xét về đối tượng trong tranh luận. Họ có thể rất xấu về hình thức nhưng hiểu biết của họ về nội dung đang tranh luận đáng phải ngạc nhiên. Vậy nếu mình xoay từ chi tiết của bài tranh luận sang hình dáng hoặc tính cách người đang tranh luận, phải chăng mình không còn gì để nói, phải chăng đã nhận thua nên mới cần đề cập sang vấn đề khác?
Đề cập đến nhân thân người khác khi tranh luận là cố tính xúc phạm họ và do đó phần nào né tránh tranh luận. Thực sự điều đó đã khiến ta tự xúc phạm bản thân mình.
Điều đặc biệt là khi đọc tranh luận của một số thanh niên, hoặc thậm chí nhỏ tuổi mà gọi GS. Hồ Ngọc Đại với cách hỗn hào, xúc phạm, không mấy ai cảm thấy có thiện cảm mà lập tức dân cư mạng sẽ đặt dấu hỏi về nhân cách của người Việt khi bình phẩm xúc phạm người lớn tuổi. Điều này hoàn toàn trái với phong tục tập quán của người Việt vốn trân trọng và đề cao người lớn tuổi.
2. Khi nhìn nhận một vấn đề, tuyệt đối tránh thuyết âm mưu
Theo phân tích của TS. Vũ Thu Hương, đây là điều khá nhiều người mắc phải. Khi các bạn nhìn nhận chưa thấu đáo thì rất cần bỏ công ra tìm hiểu, đừng ngay lập tức chụp mũ kiểu: chắc chắn họ giấu diếm để làm gì đó (hại) ...., vì tiền cả thôi, ...Thuyết âm mưu này thật sự nguy hiểm. Nó có thể biến 1 sự việc giản đơn thành ra nguy hiểm tầm cỡ quốc gia.
Ví dụ: chương trình CNGD của thày Đại, nhiều bạn nói là các chuyên gia biết nó dở hơi nhưng nể (..???) không dám nói.
Thực ra, khi ta nhìn nhận xét 1 căn nhà, ta sẽ nhìn tổng thể, hướng nhà, dáng nhà, vị trí của nó, bố trí phòng, phong thủy nhà... để ta kết luận là nó có ổn không. Nếu có 1, 2 viên gạch xây lệch, bị vỡ, ta sẽ cho sửa chữa chứ không ai vì vài viên gạch vỡ mà người ta đập nát cả căn nhà đi để xây lại cả.
TS. Vũ Thu Hương |
3. Đừng đánh giá hồ đồ trước khi tìm hiểu
"Khi nhận định về chương trình Công nghệ GD của Giáo sư Hồ Ngọc Đại, không ít cư dân mạng đã nhận định rằng, giáo sư làm vậy vì số tiền ngàn tỉ in sách. Nếu không cũng là một ủy ban nào đó ăn mất số tiền này. Tuy nhiên, với tư cách là người viết và in sách rất nhiều, tôi khẳng định việc này là thật sự hồ đồ". - TS. Vũ Thu Hương nhận định.
Cuốn sách Tiếng Việt lớp 1 theo Công nghệ Giáo dục có giá 35.500VND, trong đó có chi phí giấy, chi phí in ấn, chi phí thẩm định, chi phí biên tập, chi phí vẽ hình, chi phí phát hành,… Theo giá thông thường, giáo sư Đại không nhận được nhiều tiền. Tuy nhiên, thực tế, giáo sư Đại đã tặng không cuốn sách cho Bộ GD&ĐT từ nhiều năm nay mà chỉ lấy nhuận bút có 5.000VND suốt 40 năm cuốn sách được lưu hành.
4. Chê bai, dìm hàng, không làm mình nổi bật lên đâu
Khi chúng ta đọc các bài chê bai, chúng ta có thể cũng nhìn ngay thấy những phản hồi rằng: bạn đã làm được gì chưa mà chê bai, dìm hàng người khác?
Rõ ràng, khi chúng ta dành cho người khác những lời lẽ xúc phạm, chúng ta gần như cũng nhận lại nguyên vẹn những lời lẽ đó với thái độ coi thường của người khác.
5. Tuyệt đối tránh phân biệt vùng miền
TS. Vũ Thu Hương chia sẻ rằng, có 1 bạn trên mạng xã hội khi tranh luận về chương trình của GS. Hồ Ngọc Đại nói rằng: "Năm 1975 mới giải phóng, trước đó miền Bắc làm gì có đủ ăn mà đòi sáng tạo hay nghĩ ra cái gì. Làm gì có chuyện áp dụng 40 năm?"
Các bạn nghe lý luận đó thấy thế nào? Điều này rõ ràng là bạn ấy cố tình xúc phạm cả một cộng đồng dân cư lớn có rất nhiều đóng góp cho đất nước kể cả trí tuệ, công sức, xương máu và tính mạng.
6. Cẩn trọng khi tiếp xúc với một cải cách mới mẻ
Nếu chúng ta chưa tìm hiểu rõ ngọn ngành mà lập tức cho ý kiến về cải cách hay sáng kiến mới mẻ nào đó, rất dễ đó là một phát ngôn hồ đồ, thiếu kiểm soát. Điều đó còn có thể gây ra hậu quả là các sáng kiến, các ý tưởng cải cách sẽ không dám xuất hiện vì lo sợ bị ném đá, phản đối. Người Việt Nam chúng ta vì thế cũng không dám sáng tạo, không dám đổi mới, luôn đi theo lối mòn trong suy nghĩ và hành động dẫn đến ảnh hưởng lớn cho xã hội.