Mạng xã hội đối với học sinh: “Trợ thủ” hay “tội đồ“?

GD&TĐ - “Mức độ suy giảm hạnh phúc của học sinh tỉ lệ thuận với thời gian chúng dành cho màn hình và Internet. Vậy, công nghệ số và mạng xã hội đều có ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần của học sinh, thậm chí chúng còn phá hủy cả một thế hệ?” - Giáo sư Tâm lý Jean Twenge thuộc Viện đại học bang tại San Diego đặt câu hỏi trong cuốn sách mới gây tranh cãi iGen của bà.

Tim Cook
Tim Cook

Mạng xã hội và sức khỏe tinh thần

Năm 2015, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thừa nhận rối loạn nghiện game là một “triệu chứng sức khỏe tâm thần”. “Cũng có thể là do không hạnh phúc với quan hệ đời thường nên một số học sinh đã chạy trốn trong màn hình công cụ di động. Như thế, không hạnh phúc là nguyên nhân hay hậu quả của việc chúi mũi vào màn hình?” - Lenhart đặt câu hỏi.

Twenge giải thích: “Câu hỏi ở đây không phải là điều gì đã gây ra tình trạng không hạnh phúc mà điều gì khiến trong vòng 3 năm (2013-2015), số học sinh hạnh phúc và bằng lòng với cuộc sống sụt giảm quá nhanh, trùng với thời gian bùng nổ của màn hình di động” – bà nói.

Facebook và Messenger dành cho trẻ dưới 13 tuổi
Facebook và Messenger dành cho trẻ dưới 13 tuổi

Tác động đối với học sinh

Theo Twenge, hạnh phúc dễ đến với những người tham gia câu lạc bộ thể thao, gặp bạn bè và tham gia các nghi lễ tôn giáo. Nhưng sẽ khó đến với những ai bỏ ra nhiều giờ cho game máy tính và mạng xã hội. Một số nghiên cứu khác đi sâu vào ảnh hưởng của mạng xã hội với sự cô lập và ảnh hưởng của lượt “like” cho một post đến trung tâm “tự sướng” của não.

Một số nghiên cứu chứng minh việc thao tác điều độ và biết tiết chế trên màn hình công cụ cơ động hầu như không gây hại gì cả mà còn cải thiện kỹ năng xã hội và tăng khả năng hồi phục tinh thần cho học sinh. Lenhart nhận định: “Các công cụ di động có cả mặt trái và mặt phải và không ai có thể phủ nhận là nó đang thay đổi cuộc sống của trẻ em theo nhiều cách. Tiếc thay có nhiều nghiên cứu lại đổ lỗi cho công nghệ khi không tìm được thủ phạm nào khác. Công nghệ lúc đó biến thành thảm họa thay vì trợ thủ và cứu tinh. Đây chính là nỗi oan cần được giải cho công nghệ”.

Một phát hiện nữa là mạng xã hội có thể giúp đỡ chứ không làm hại đến cơ hội vào đại học của sinh viên. Hiện nay có khá nhiều đại học hỏi về xu hướng mạng xã hội của sinh viên trước khi xét tuyển. 35% trong 365 nhân viên phụ trách xét tuyển vào các đại học tại Mỹ thú nhận họ có sử dụng phương thức này.

Kết quả: 47% sinh viên cho biết mạng xã hội ảnh hưởng tích cực đến việc học của họ trong khi 42% xem mạng xã hội là yếu tố tiêu cực đối với cuộc sống hàng ngày. Trong thời đại bùng nổ Facebook, Twitter, Instagram, Snapchat và các mạng xã hội khác, có nhiều câu chuyện kể về những sinh viên nghiện mạng xã hội bị loại khỏi trường họ xin vào (tức là những gì họ đưa lên mạng trong quá khứ sẽ ảnh hưởng đến việc học tập của họ trong tương lai) do nghiện mạng xã hội.

Điều này gây lo lắng cho các bậc cha mẹ, nhưng thực tế lại khác. Nhiều đại học xem việc sinh viên tiếp cận với mạng xã hội là điểm cộng trong xét tuyển chứ không phải điểm trừ.

“Tôi làm việc trong công nghệ và quên đi ảnh hưởng của nó với con cái - bà Melinda Gates, vợ của tỉ phú Microsoft Bill Gates có 3 con sinh sau 1995 viết trên tờ Washington Post - Bản thân điện thoại và ứng dụng mạng xã hội không tốt hay xấu nhưng sẽ xấu khi học sinh chưa được chuẩn bị và trang bị đầy đủ để thích nghi và điều tiết niềm đam mê. Khi đó, chúng sẽ là lực cản cho sự phát triển bình thường. Ngược lại, học sinh sẽ học được rất nhiều điều trên smartphone và được kết nối với thế giới bên ngoài theo phương cách mới ở mọi lúc mọi nơi. Các cộng đồng bị đẩy ra ngoài lề xã hội như gay và lesbian đã nhận được sự hỗ trợ chưa từng thấy trước khi có mạng xã hội”.

Sheryl Sandberg của Facebook

Sheryl Sandberg của Facebook

Phản ứng của những “người khổng lồ”

Trong một sự kiện công nghệ tại Đại học Harlow ở Essex, Anh, Tim Cook, giám đốc điều hành công ty Apple nói với một phóng viên tờ The Guardian: “Tôi không có con nhưng tôi có đứa cháu và tôi muốn đặt ra giới hạn cho nó trong không gian mạng. Có một số nó không được phép tham gia, trong đó có cả mạng xã hội”.

Luật bảo vệ riêng tư trẻ em trên mạng của Mỹ (Coppa) có đưa ra các hạn chế về việc thu thập thông tin trẻ em dưới 13 tuổi của các công ty công nghệ. Nhiều mạng xã hội tuân thủ luật này nên không cho trẻ dưới 13 tuổi dùng dịch vụ. Tháng 12/2017, Facebook tung ra phiên bản chat Messenger riêng dành cho trẻ dưới 13. Nhưng tháng 11/2017, cơ quan quản lý thông tin Anh Ofcom đưa ra báo cáo cho thấy số học sinh dùng mạng xã hội tiếp tục tăng. Báo cáo này khiến tổ chức từ thiện NSPCC tố cáo Facebook, Instagram và Snapchat đã cố tình nhắm mắt làm ngơ trước vấn đề.

Facebook và các mạng xã hội khác còn bị tố là đã gây nghiện cho công chúng, đặc biệt là học sinh. Tổ chức công dân Time Well Spent vừa thành lập nhận định: “Những nội dung đưa lên mạng xã hội đang làm mờ nhạt cuộc sống thật của học sinh. Thế giới ảo chiếm lĩnh thế giới thật. YouTube sẽ không bao giờ thay đổi nếu chúng ta không hợp sức bắt nó phải thay đổi”.

Nhiều lãnh đạo công nghệ, từ bà Sheryl Sandberg, trưởng bộ phận điều hành của Facebook, đến Sundar Pichai, giám đốc điều hành Google đã có mặt tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (World Economic Forum) ở thành phố Davos (Thuỵ Sĩ) nhưng trong những cuộc họp kín họ đều bác bỏ yêu cầu quản lý chặt hơn nội dung do sợ tác động xấu lên môi trường tự do của không gian mạng.

Thái độ này khiến nhiều nhà bảo vệ trẻ em kêu gọi các chính phủ nên can thiệp nhiều hơn nữa vào hoạt động của mạng xã hội. “Facebook với hơn 1,3 tỉ tài khoản cá nhân có ảnh hưởng cực lớn đến cách chúng ta nhận thông tin và cách chúng ta sống. Vì vậy nó không thể đứng ngoài luật pháp mà cần có sự can thiệp để tránh gây ra những hậu quả nghiêm trọng” - tiến sĩ Joss Wright thuộc Viện Internet Oxford (OII) nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ