Mang Tết đến cho học trò vùng cao

GD&TĐ - Giáp Tết là thời điểm học sinh các trường nội trú, bán trú luôn ngóng chờ những hoạt động chuẩn bị đón Tết.

Bữa liên hoan của học sinh Trường PTDTBT Tiểu học Hoàng Thu Phố (Bắc Hà - Lào Cai) trước khi nghỉ Tết. Ảnh: NTCC
Bữa liên hoan của học sinh Trường PTDTBT Tiểu học Hoàng Thu Phố (Bắc Hà - Lào Cai) trước khi nghỉ Tết. Ảnh: NTCC

Dù còn nhiều khó khăn về vật chất, ảnh hưởng của dịch bệnh, song các nhà trường, thầy cô luôn cố gắng mang tới cho học trò không khí Tết ấm áp, từ đó giáo dục giá trị truyền thống và duy trì sĩ số...

Rộn ràng đón Tết

Thầy Nguyễn Tiến Công, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Hoàng Thu Phố (Bắc Hà - Lào Cai), chia sẻ: Năm nay do dịch bệnh khó khăn nên đàn lợn tăng gia được đã tăng cường thành thực phẩm cho bữa ăn bán trú.

Tuy nhiên, hiện tại vẫn còn một số lượng ngan, gà tới lứa có thể sử dụng chế biến để học sinh ăn Tết. Trường chỉ cần trích thêm tiền mua thêm thịt lợn, đỗ xanh để gói bánh chưng. Rau xanh ngoài vườn đã sẵn sàng. Lượng thực phẩm thầy trò tự tăng gia, sản xuất cơ bản đảm bảo cho học sinh liên hoan vui Tết.

Theo thầy Công, nhiều năm gần đây, vào 25 Tết, thầy trò cùng nhau ăn bữa cơm liên hoan chia tay để giáo viên, học sinh về nghỉ Tết. Học sinh vào rừng lấy lá dong gói bánh, thầy cô cùng học trò rửa lá, vo gạo, nhặt đỗ, dạy cách gói và luộc bánh. Ngoài liên hoan tại trường, mỗi học sinh còn được phát 1 bánh chưng mang về đón Tết với gia đình...

Những ngày cận Tết, Trường PTDTBT Tiểu học Nghĩa Thuận (huyện Quản Bạ, Hà Giang) cũng tất bật với hoạt động chuẩn bị cho học sinh, giáo viên ăn Tết. Dẫu nơi đây, thời tiết khắc nghiệt nhưng thầy cô và học trò vẫn cùng nhau dọn dẹp trường, lớp, người quét sân, người chuẩn bị nguyên liệu gói bánh chưng tạo nên không khí rộn ràng.

Cô Đinh Loan Vân, Hiệu trưởng nhà trường, trao đổi: Trường tổ chức chương trình gói bánh chưng cho học sinh ăn Tết từ năm 2017, với mong muốn có một cái Tết sum vầy, để các em cảm nhận niềm vui ngày Tết cổ truyền của dân tộc.

Số thực phẩm được sử dụng trong dịp này chủ yếu do học sinh, giáo viên của trường tăng gia sản xuất. Bắt đầu từ số vốn 10 triệu đồng (được huyện cấp), trường mua lợn về chăn nuôi bằng cơm canh thừa tận dụng từ bữa ăn học trò. Rau xanh cũng được học sinh chăm sóc vừa để ăn hàng ngày vừa để nuôi lợn. 5 năm nay, trường duy trì được đàn lợn, cứ đến cuối năm lại mổ tăng thêm kinh phí mua một số thực phẩm khác để học sinh ăn Tết thật đầy đủ nhất.

Trường PTDTNT THCS Bố Trạch (Quảng Bình) có 288 em, 100% học sinh dân tộc Vân Kiều. Thầy Trần Đình Hòa - Hiệu trưởng nhà trường - chia sẻ: Năm nào tới dịp Tết trường cũng kết hợp với một đơn vị tổ chức đưa học sinh vào buôn làng sinh hoạt văn nghệ, gói bánh chưng chung với bà con. Hoạt động này tạo nên không khí nhộn nhịp, không bị phân tâm học tập, gắn bó với trường lớp.

Ghi nhận chung cho thấy, ở các trường học vùng cao, trường có học sinh bán trú, nội trú, điều kiện đi lại, cơ sở vật chất, đời sống còn nhiều vất vả. Do đó ngoài dạy văn hóa, các thầy cô giáo còn chú ý hướng dẫn học sinh trồng rau, nuôi gà, nuôi lợn phục vụ bữa ăn hằng ngày và để dành ăn Tết.

Năm nay trong tình hình dịch bệnh khó khăn chung nhưng nhiều trường vẫn cố gắng chăm lo cho học sinh học tập, sinh hoạt chu đáo, ăn uống đủ dinh dưỡng, bảo đảm an toàn thực phẩm. Đặc biệt, bữa liên hoan tất niên với đầy đủ món ăn ngày Tết và những sản phẩm do chính tay học sinh làm ra càng góp phần động viên các em sau khi về bản ăn Tết cùng gia đình sẽ trở lại trường học đầy đủ, đúng lịch.

Giáo viên hướng dẫn học sinh gói bánh chưng. Ảnh: NTCC
Giáo viên hướng dẫn học sinh gói bánh chưng. Ảnh: NTCC

Giáo dục truyền thống và duy trì sĩ số

Thầy Trần Đình Hòa cho biết: Dù học sinh dân tộc Vân Kiều không có phong tục ăn Tết Nguyên đán như một số dân tộc khác, song với mong muốn giữ gìn và giáo dục cho học sinh về Tết truyền thống của người Việt nên trong điều kiện khó khăn tới đâu trường cũng duy trì, tổ chức tốt nhất hoạt động này.

“Để giáo dục truyền thống một cách sinh động, hiệu quả, học sinh được trải nghiệm trực tiếp trong văn hóa Tết người Việt. Như vậy, sau này dù ở đâu, làm gì các em vẫn hiểu và hướng về quê hương, đất nước mình”, thầy Hòa thông tin.

Tại Trường PTDTBT Tiểu học Hoàng Thu Phố (Bắc Hà, Lào Cai), trước Tết 1 tuần học sinh đã chủ động hỏi thầy cô khi nào tổ chức liên hoan, gói bánh chưng. Theo thầy Nguyễn Tiến Công - Hiệu trưởng nhà trường, điều đó chứng tỏ học sinh háo hức, mong chờ hoạt động ý nghĩa này. Không khí trường, lớp học vì thế gần như không còn tình trạng uể oải, nghỉ học sớm như thời gian trước đây. Việc duy trì tỷ lệ chuyên cần của học sinh luôn đạt 100% trong nhiều năm qua. Giáo viên không còn vất vả đi vận động học sinh trốn học trở lại trường…

Được tham gia gói bánh chưng ở trường 3 lần, Thào Thị Kim, lớp 5B, Trường PTDTBT Tiểu học Hoàng Thu Phố, dân tộc Mông, bày tỏ: “Em và các bạn thấy vui khi được học cách gói bánh chưng và biết thêm về phong tục ngày Tết của các dân tộc khác nhau trên khắp mọi miền Tổ quốc. Các thầy cô đã đem đến cho chúng em trải nghiệm thú vị, nhiều kỹ năng sống thông qua hoạt động tập thể và liên hoan với món ăn dân tộc ngày Tết...”.

Em Giàng A Vàng, lớp 4, Trường PTDTBT Tiểu học Hoàng Thu Phố, chia sẻ: “Gần Tết nhà trường lại tổ chức gói bánh chưng, em rất thích hoạt động này. Các thầy cô không chỉ dạy cách gói bánh chưng vuông mà còn dạy chúng em gói bánh chưng gù theo phong tục của dân tộc. Như vậy, khi về nhà, em có thể giúp bố mẹ gói bánh chưng…”.

Thầy Phạm Văn Tường - Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học xã Mậu Long (Yên Minh, Hà Giang) - trao đổi: Qua các hoạt động văn hóa văn nghệ, gói bánh chưng, liên hoan ngày Tết… các nhà trường đều mong muốn và hướng tới giáo dục học sinh giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam, dù mỗi dân tộc có phong tục ngày Tết khác nhau, cách gói bánh chưng, cách thức đón Tết riêng. Cùng đó tạo thêm hoạt động để cuốn hút học sinh tại trường, lớp, không nghỉ học tự do, bỏ học trước Tết.

Thầy Tường khẳng định: Nhờ tổ chức nhiều hoạt động, nhiều năm qua tỷ lệ chuyên cần của học sinh dịp giáp Tết luôn đạt gần 100%. Sau bữa ăn Tết tại trường, các em vui vẻ trở về nhà đón Tết với gia đình với niềm vui vẫn lưu lại mãi trong tâm trí. Từ đây hình thành trong các em cảm xúc yêu trường lớp, hào hứng hoạt động ngoại khóa, muốn được tới trường, gặp thầy cô, bạn bè… 

Tin tiêu điểm

Hệ thống HIMARS của Ukraine sẽ được sử dụng để phóng ATACMS.

Canh bạc nguy hiểm với ATACMS

Thế giới
GD&TĐ - Theo chuyên gia quân sự kỳ cựu Nga, Andrey Koshkin, hệ thống phòng thủ nhiều tầng của Moscow luôn sẵn sàng đánh chặn mọi tên lửa, kể cả ATACMS tầm xa.

Đừng bỏ lỡ

Học sinh lớp 12 đăng ký phương thức xét tuyển sớm của Trường Đại học Công Thương TPHCM, tháng 4/2024. Ảnh: Mạnh Tùng

Điểm cao chẳng thể chủ quan

GD&TĐ - Dù đạt điểm cao ở các kỳ thi đánh giá năng lực, thí sinh vẫn cần tập trung tốt cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT, đồng thời đăng ký nguyện vọng hiệu quả nhất.