Một kế hoạch được 3 bạn nhanh chóng triển khai. Giày được đặt ở Hà Nội và chuyển theo tàu lên vùng núi. Đến nay, Hoài Chung cùng bạn bè đã thực hiện 2 chuyến tình nguyện như thế.
Giày và bao đỏ lì xì
Là giám đốc học vụ một học viện Anh ngữ tại TPHCM, có mối quan hệ rộng trên thế giới mạng, chàng trai sinh 1984 Hoài Chung không quá khó để kêu gọi sự hỗ trợ của cộng đồng.
Bên cạnh sự đóng góp của 3 thành viên chính của dự án “Giày cho trẻ Sa Pa” và bạn bè trong nước, Chung còn nhận được tiền hỗ trợ từ mạng lưới các du học sinh khắp nơi trên thế giới, thông qua hình thức chuyển khoản Paypal. Chỉ trong một tuần, 120 triệu đồng đã sẵn sàng cho chuyến tình nguyện đợt Giáng sinh 2013.
Trong chuyến tình nguyện này, Chung và 2 bạn đã tặng giày tại 4 địa điểm cho trẻ em tiểu học. Riêng những đứa trẻ chân trần lang thang trên đường, ngoài tặng giày, nhóm tình nguyện còn tặng một phong bao lì xì. Mỗi phong bì lì xì trị giá 50.000 đồng.
“Một cô giáo ở TPHCM không muốn tặng giày mà gửi một xấp phong bì đỏ. Đây là phần tiền lì xì mang đến niềm vui bất ngờ cho trẻ em lang thang” - Chung nói.
Chuyến tình nguyện mùa Đông kết thúc. Nhóm dùng hết 110 triệu đồng. Còn 10 triệu đồng, Chung công bố chi tiêu và dùng “làm vốn” để tiếp tục quyên góp cho chuyến trở lại Sa Pa dịp Valentine mới đây. Theo Chung: “Valentine không dừng lại ở tình yêu đôi lứa. Nó còn là tình yêu với tha nhân. Đặc biệt là những trẻ nghèo”.
Tiền trạm kỹ
Sau chuyến thiện nguyện ở Sa Pa lần một, trên một trang báo mạng đã đăng 2 bài viết khá tương phản nhau. Bài thứ nhất phản ánh các nhóm tình nguyện đến sưởi ấm những bàn chân trần trên tuyết của trẻ Sa Pa.
Bài thứ hai lại cho rằng, trẻ em Sa Pa rất sành điệu, chỉ mang giày có thương hiệu. Những đôi giày từ các tổ chức thiện nguyện tặng, nếu không “thời trang” thì các em sẽ không dùng.
Nhận được những đường link “chất vấn” của bạn bè, Chung hoang mang thật sự. Anh chàng cho hay: “Mình đã liên lạc ngay với các thầy giáo ở các bản đã tổ chức và chọn đối tượng trẻ nghèo để tụi mình phát quà, nhằm xác minh lại sự việc sau chuyến thiện nguyện.
Các thầy cô giáo trả lời rằng, Sa Pa cũng như mọi nơi khác, cũng có trẻ nhà giàu, trẻ nhà nghèo. Tuy nhiên, những trẻ được nhận giày đều là những đối tượng thực sự cần”.
Từ câu chuyện này, Chung rút ra một kinh nghiệm: Người hoạt động tình nguyện, dù đến vùng đất nào thì cũng cần nghiên cứu thật kỹ lưỡng để những phần quà được đến đúng những người thực sự cần đến.
Chung chia sẻ: “Ở Sa Pa, có nhiều nhóm tình nguyện đến giúp đỡ trẻ em nghèo. Cũng có thể xảy ra tình trạng có nhiều đợt tặng quà cùng đến một nơi.
Vì vậy, công tác tiền trạm đến những bản xa nhất là rất cần thiết. Thông thường, những vùng sâu chưa khai thác du lịch, đời sống người dân còn nghèo lắm. Đó là đối tượng để tụi mình hướng tới”.
Tâm thế của người tình nguyện
“Tụi mình luôn đặt mình vào vị trí bình đẳng với người nghèo vì nếu tình nguyện viên không hiểu biết thì vô tình làm cho người nghèo mặc cảm và buồn.
Mình nghe một câu chuyện về một nhóm tình nguyện mang chocolate đến phát cho trẻ vùng sâu. Và từ đó về sau, những đứa trẻ luôn trong tình trạng thèm thuồng chocolate.
Vậy là vô tình, người làm tình nguyện đã mang thêm sự thiếu thốn không tồn tại trước đó. Điều này, bộ môn nghiên cứu Phát triển cộng đồng mà tụi mình được học đã chỉ rõ” - Hoài Chung chia sẻ.
Người hoạt động tình nguyện đến một vùng xa, nơi đồng bào dân tộc chưa bị ảnh hưởng nhiều bởi thế giới công nghệ, họ có thế mạnh là sự chân thật, nét văn hóa riêng.
Chung kể: “Đợt trước, tụi mình chỉ có 3 người đi phát quà, nếu xảy ra chen lấn thì thật đáng lo ngại. Vậy mà khi tụi mình đến Sa Pa phát những phong bì lì xì và những đôi giày, các em ở đây thực sự rất ngoan và tôn trọng thứ tự, đứng đợi, không chen lấn, xô đẩy. Mình đã nói với các em những gì các em đã thể hiện là đáng quý và khuyến khích các em nên giữ gìn những điều mà các em đang có″.