Rằm tháng 7 hay còn gọi là ngày Tết Trung Nguyên, cũng là ngày xá tội vong nhân theo phong tục của các nước Á Đông.
Theo phong tục của tín ngưỡng dân gian, tháng 7 Âm lịch cũng là thời điểm Diêm Vương mở cửa Quỷ Môn Quan (cửa địa ngục) để ma quỷ được trở về dương thế. Đó cũng là lí do tháng 7 âm lịch hàng năm được dân gian gọi là tháng cô hồn.
Bên cạnh đó, phong tục dân gian của người Việt, Lễ Vu Lan thường làm trùng với Rằm tháng 7. Năm 2022, Lễ Vu Lan rơi vào thứ Sáu, ngày 12/8 dương lịch (15/7 âm lịch). Tuy nhiên, từ 2 - 14/7 âm lịch, người dân đã bắt đầu cúng Rằm tháng 7 để tưởng nhớ, báo ân, báo hiếu công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, tổ tiên.
Theo chuyên gia phong thủy Nguyễn Song Hà, tùy vào điều kiện của gia đình để chọn ngày cúng. Điều quan trọng là gia chủ phải thành tâm và mong muốn thể hiện sự cảm tạ chân thành của mình tới trời Phật, thần linh và tổ tiên là được.
Đồ lễ cúng thần linh và gia tiên
Khi làm cơm, ta nên lựa chọn thực đơn theo mùa cho tươi ngon. Thời điểm này tuy đã bước sang mùa thu nhưng tiết trời còn khá nóng, ta nên lựa chọn đồ ăn có vị mát, tính hàn.
Mâm cúng gia tiên thường là mâm cỗ mặn, kèm theo tiền vàng và cả những vật dụng dành cho người cõi âm làm bằng giấy tượng trưng như quần áo, giày dép...
Các gia đình có thể làm một mâm cơm mặn với đủ các món như xôi, gà luộc, canh, cơm, cá kho,… và đồ vàng mã theo nhu cầu sinh thời của người đã khuất.
Đồ lễ cúng cô hồn (cúng chúng sinh)
Theo tín ngưỡng dân gian thì ngày Rằm tháng 7 còn gọi là ngày “Xá tội vong nhân”, tức là ngày mà Diêm Vương mở cửa địa ngục cho các vong hồn khi tại thế thất cơ lỡ vận, không nơi nương tựa và chịu nhiều oan trái ở kiếp trước...
Những vong hồn này rất đáng thương vì không được ai thờ cúng, hoặc chết đường chết chợ, chết sông chết suối, chết tai nạn, thắt cổ tự tử, ngã giếng... vong cô đơn lang thang vạ vật không tìm được đường về với tổ tiên mang theo nhiều chấp niệm đau khổ với cuộc sống dương gian trước đây. Vì vậy, dân gian thường làm một mâm lễ cho các vong hồn này để chúng không quấy nhiễu dương gian.
Bên cạnh đó, cúng cô hồn cũng là cách để người dương tránh gặp xui xẻo trong tháng 7 cũng như tích đức, tích phước cho con cháu, xóa tội cho vong linh của người thân đã khuất.
Lễ cúng cô hồn được tổ chức vào buổi chiều tối ngày 14/7 hoặc 15/7. Bởi vì, người ta quan niệm, đây là thời gian những vong linh trên đường trở về địa ngục nên cũng là lúc cúng cô hồn chuẩn nhất. Mọi việc cúng phải được hoàn tất vào ngày 15/7. Còn nếu các gia đình cúng sớm thì cũng chỉ có thể sớm nhất là từ ngày 12 tháng 7 âm trở đi.
Mâm cúng cô hồn chỉ nên chuẩn bị các món đồ chay để các cô hồn không phát sinh lòng tham. Một mâm lễ cúng cô hồn điển hình gồm có: quần áo chúng sinh được gỡ ra thành từng món, rải xuống dưới mâm, một ít tiền vàng cũng làm như vậy, vài chén cháo trắng loãng, cốc gạo trộn lẫn với muối (cốc này sẽ được rắc ra vỉa hè hoặc sân nhà về bốn phương tám hướng sau khi cúng xong), một ít bỏng gạo và kẹo bánh các loại, ngô, khoai,sắn luộc rồi cắt thành khúc nhỏ...
Mâm cúng cô hồn bao gồm:
- Muối gạo (1 đĩa): Sẽ được rắc ra vỉa hè ngã ba ngã tư đường hoặc sân trước nhà về bốn phương tám hướng sau khi cúng xong;
- Cháo trắng nấu loãng (12 chén nhỏ), hay là cơm vắt: 3 vắt.
- 12 cục đường thẻ.
- Hoa quả (5 loại 5 màu).
- Giấy áo, giấy tiền vàng bạc.
- Bắp rang, khoai lang, ngô, sắn luộc...
- Mía (để nguyên vỏ và chặt từng khúc nhỏ độ 15 cm).
- Bánh, kẹo, tiền mặt (tiền thật, các loại mệnh giá thấp ).
- Nước: 3 ly nhỏ, 3 cây nhang, 2 ngọn nến nhỏ.
Quần áo chúng sinh với nhiều màu sắc (xanh lam, xanh lá mạ, vàng, hồng...). Khi rải tiền vàng ra mâm, để 4 hướng Đông 3, Tây 7, Nam 9, Bắc 1, mỗi hướng tương ứng với 3-7-9-1 nén hương ( nén nhang)
Bày lễ và cúng ngoài trời hoặc trước cửa chính ngôi nhà. Gia chủ có thể đọc các bài văn cúng hoặc khấn nôm theo tâm nguyện. Kết thúc lễ cô hồn, gạo, muối được vãi ra sân, đường, nhớ là phải đốt vàng mã khi hương còn đang cháy.
* Thông tin mang tính tham khảo, chiêm nghiệm.