Mâm lễ cúng Rằm tháng Giêng
Ngày rằm tháng Giêng, các gia đình người Việt thường sửa soạn mâm cỗ cúng mặn gia tiên có 10 món gồm: 4 bát, 6 đĩa. Trong đó, 4 bát là bát canh ninh măng, bát canh nóng, bát canh miến và bát canh mọc. 6 đĩa gồm thịt gà hoặc thịt lợn luộc, giò hoặc chả, nem thính hoặc đĩa xào, dưa muối, xôi hoặc bánh chưng và nước chấm.
Bên cạnh đó, mâm cơm cúng gia tiên cần phải có đầy đủ các vị. Vị mặn của nước chấm, vị cay của ớt, vị chua của đĩa dưa hành và vị ngọt của bánh. Tất cả các vị này sẽ tạo nên một mâm cỗ đủ đầy, cầu mong yên ấm, an lành và xua đi những đen đủi.
Gia đình nào có bàn thờ Phật thì sắm thêm mâm lễ cúng Phật. Đó là mâm lễ chay tinh khiết gồm hương, hoa, đèn, nến, trái cây tươi. Có thể thêm món bánh trôi nước với ý nghĩa cầu mong cả năm mọi việc đều hanh thông, trôi chảy, hạnh phúc tròn đầy. Ngoài ra cần hạn chế dùng hương liệu. Mâm cỗ chay tùy loại có từ 10, 12 tới 25 món.
Điểm đặc biệt trên mâm cỗ chay là sự hiện diện của những màu sắc tượng trưng cho ngũ hành. Màu đỏ tượng trưng cho hành hỏa, xanh của hành mộc, đen của hành thổ, trắng của hành thủy, vàng của hành kim.
Các bạn nên mua hoa tươi để dâng trên ban thờ, không dùng hoa quả giả. Hoa để dâng ban thờ thường là hoa cúc vàng, cúc vạn thọ hoặc hoa huệ trắng.
Trong ngày lễ này, tùy vào điều kiện kinh tế và phong tục tập quán vùng miền mà các bạn có thể chuẩn bị mâm cỗ cúng khác nhau. Tuy nhiên cần thể hiện tấm lòng thành kính và biết ơn đối với Phật, thánh, ông bà, tổ tiên, cầu mong một năm an lành, may mắn và nhiều tài lộc.
Lưu ý khi thắp hương
Khi thắp hương, người dân thường thắp theo số lẻ, bởi số lẻ tượng trưng cho phần âm. Trong ngày Rằm tháng Giêng tới đây, các bạn chỉ nên thắp từ 1 đến 3 nén hương trên mỗi bát hương.
Bên cạnh đó nên thắp hương vào 1 trong 2 khung giờ là giờ Thìn, từ 7h – 9h sáng hoặc giờ Mùi, từ 13h – 15h, bởi đây là 2 khung giờ đẹp nhất trong ngày giúp cho nghi thức cúng bái đắc được nhiều cát khí nhất.
Chú ý khi thắp hương cần phải ăn mặc chỉnh tề, không mặc quần đùi, áo cộc hay ăn mặc luộm thuộm… Đặc biệt, khi khấn vái cần phải liền mạch, thành tâm, thể hiện sự tôn trọng với các vị Phật, thần linh và tổ tiên.
Lưu ý khi đốt vàng mã
Đốt vàng mã là tục lệ truyền thống nhằm bày tỏ lòng thành kính của gia chủ đối với người đã khuất. Nhiều gia đình cho rằng càng đốt nhiều vàng mã, càng thể hiện được tấm lòng của con cháu, những mong cầu vì thế mà dễ dàng được linh ứng.
Thế nhưng, đốt vàng mã chỉ mang tính biểu tượng, không thể dùng làm thước đo cho sự thành tâm của mỗi người. Đạo Phật cũng không dạy phải đốt vàng mã cho người đã mất, vừa phí phạm lại ô nhiễm môi trường. Vì vậy, gia chủ không nhất thiết phải sắm mâm cao cỗ đầy hay đốt quá nhiều vàng mã.
* Thông tin mang tính tham khảo, chiêm nghiệm.