Khai mạc vào ngày 24/10 và kết thúc vào ngày 24/11 tại Art gallery 30 Quang Trung (Hà Nội), triển lãm “Trăng cố quận” trưng bày các tác phẩm thực hành sơn mài của Nguyễn Tuấn Cường trong nhiều năm qua, kể từ khi anh tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp.
Đối với Nguyễn Tuấn Cường, đời sống của sơn mài gắn chặt với ánh sáng và bóng tối. Với họa sĩ không đến từ phía hàn lâm mà khởi điểm từ một tuổi thơ phụ việc sơn mài trong xưởng hoạ, những tiếp xúc thẩm mỹ ban đầu vô cùng tự nhiên và trong trẻo này, theo thời gian, đã trở thành cội rễ trong hành trình hội họa của Tuấn Cường.
Những thực hành sơn mài của Nguyễn Tuấn Cường trong nhiều năm qua đều hiển lộ đến ám ảnh từ ánh sáng và bóng tối. Tất cả đối tượng mà anh thể hiện trong tranh đều được đặt trong tham chiếu của sáng – tối. Ánh sáng không chỉ đến từ mảng sáng, mà còn đến từ cả mảng tối, là một trong những lợi thế đặc thù của chất liệu sơn mài.
Kĩ thuật lót vàng dưới nền sơn ta đã giúp sức cho mảng tối cũng toả sáng, và cũng giúp hoạ sĩ rộng cửa hơn trong việc điều tiết sắc độ của mảng sáng. Sắc âm của sơn ta quyện với sắc trầm của hoạ sĩ, khiến cho tranh vương vấn nét hoài hương và tính cổ điển.
“Trăng cố quận” là khởi đầu cho một đề tài mới của Nguyễn Tuấn Cường. Sau 25 năm thể hiện ánh sáng dưới sắc âm của mảng tối, hoạ sĩ đã bứt mình ra, thể nghiệm thứ ánh sáng của mảng sáng. Ánh sáng của trăng, của đèn, của hoàng hôn hay bình minh, thậm chí là của sương sớm và của mưa đêm.
Những lớp sơn ta mỏng mảnh chồng lấp khiến bước chuyển sắc độ đạt mức vi tế, và kiến tạo những hiệu ứng động của màu theo góc mắt người xem.
Ánh trăng đêm xanh lơ, ánh sương vàng vọt, ánh mưa đêm liêu trai… như hoài vọng về những niềm tín ngưỡng linh thiêng, về sự chở che vỗ về của những bề trên cao xanh đối với cuộc đời người bé mọn ở chốn nhân gian.
Xem tranh sơn mài Nguyễn Tuấn Cường, người xem cảm nhận họa sĩ đã mải miết mài tìm một ánh trăng giữa bầu trời sâu thẳm, cũng là cố tìm thấy ánh sáng cuộc đời. Dù chạm đến vấn đề bút pháp to tát nhưng loạt tác phẩm vẫn khá nhẹ nhõm và nhiều cảm xúc, có lẽ là bởi cá nhân tác giả chưa từng cố gắng “đặt vấn đề”.
Nguyễn Tuấn Cường chỉ đang bộc lộ những trầm tích mà cuộc đời thuần nhất sơn mài của anh ta mang đến. “Trăng cố quận”, bởi thế không chỉ là ánh sáng và bóng tối, mà còn là suy tư của một hoạ sĩ sơn mài.