Ba họa sĩ Hà Nội cùng kể câu chuyện tháng Mười

GD&TĐ - Tiết thu Hà Nội bao giờ cũng đẹp và lãng mạn, đó là nguồn cảm hứng để 3 họa sĩ cùng ngồi lại kể câu chuyện tháng Mười thông qua hội họa.

Đây là lần thứ 2 họa sĩ Nguyễn Văn Đức, Tùng Nguyễn, Nguyễn Minh mở triển lãm 'Câu chuyện tháng Mười'.
Đây là lần thứ 2 họa sĩ Nguyễn Văn Đức, Tùng Nguyễn, Nguyễn Minh mở triển lãm 'Câu chuyện tháng Mười'.

“Câu chuyện tháng Mười” là triển lãm chung của 3 họa sĩ: Nguyễn Văn Đức, Tùng Nguyễn, Nguyễn Minh diễn ra từ ngày 22 - 30/10, tại Art Space 42 Yết Kiêu - Trung tâm Phát triển và sáng tạo mỹ thuật thuộc Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam.

Vàng thu đài các trong tranh sơn mài

Triển lãm trưng bày 50 tác phẩm, là những sáng tác mới đây của các nghệ sĩ. Như họa sĩ Vũ Đình Tuấn nhận xét, các họa sĩ không ồn ào mạn đàm về sự thay đổi khắc nghiệt của thị trường bất động sản, những lên xuống thất thường của giá vàng hay chỉ số chứng khoán. Ba họa sĩ của “Câu chuyện tháng Mười” đã nhốt mình vào studio, vẽ và vẽ, bớt nói, bớt cà phê, cần mẫn và đúng hẹn.

Cây bút phê bình hội họa Quách Cường lại thủ thỉ, Hà Nội cuối thu đẹp dịu dàng, thời tiết như chiều lòng người với khí trời mát lạnh, thu đã len lỏi khắp các con phố nhỏ, với kinh kỳ trầm mặc và với những mặt hồ bảng lảng khói sương.

Ba họa sĩ với ba phong cách hội họa khác nhau, ba hình thức thể hiện cảm xúc trên các chất liệu yêu thích của riêng mình, nhưng đều mang đến những rung động và cảm xúc tinh tế nhất về mùa Thu - mùa đẹp nhất của Hà Nội.

Họa sĩ Nguyễn Văn Đức sinh năm 1976, có gần 30 năm sáng tác trên chất liệu giấy dó và sơn dầu và gần đây là hàng loạt tác phẩm sơn mài. Tranh anh đã được trưng bày ở nhiều gallery khắp cả nước và có mặt tại nhiều bộ sưu tập trong và ngoài nước.

Không ồn ào, không ham hố thể hiện hình và sắc, hội họa của Nguyễn Văn Đức vốn tự tại, thanh nhã, truyền cảm và lôi cuốn. Những bức tranh về mùa Thu của Đức có sức quyến rũ đặc biệt ở sắc vàng đài các, mơ màng, hoang hoải.

Đặc biệt với các tác phẩm sơn mài tham gia triển lãm lần này, sắc vàng đặc trưng trong gam màu của Nguyễn Văn Đức đã được anh dùng màu nguyên thủy của vàng lá tạo ra độ sâu thẳm, huyền hoặc và quyến rũ của không gian và thời gian, của sự chuyển biến trong giao mùa khi xuân qua hạ tới hay thu cạn đông về.

Ông Quách Cường cũng cho rằng, tranh phong cảnh của Nguyễn Văn Đức giàu phẩm chất hội họa, thuận theo cảm xúc mà tạo hình. Tranh của anh đẹp một cách trữ tình, xúc động và chân thành.

Anh yêu thích và mê hoặc phong cảnh vùng núi đá Hà Giang cũng như vẻ đẹp vùng Tây Bắc. Những mùa hoa mơ, hoa mận nở trắng rừng, hay những vạt hồng thắm của hoa đào nở rộ trên những mảng tường đá nơi mảnh đất Hà Giang.

“Nguyễn Văn Đức chưa dứt cơn “cảm nắng” với chất liệu sơn mài ta từ vài năm nay. Anh không cố tỏ ra cái vẻ lộng lẫy, đằm sâu, vang vọng mà trái lại một mực khăng khăng với lối vàng son thanh thoát, nhã nhặn. Sơn mài của Đức nhã nhặn tới mức thèm chút gì đó gai gợn, vân vi bất thường trong tạo hình, trong gam màu hay ở đường nét”, họa sĩ Vũ Đình Tuấn cho biết.

Tuy nhiên theo ông Tuấn, nói vậy chứ không dễ bề thay đổi bởi cái “tạng” vẽ kiểu lịch thiệp đã ngấm vào con người họa sĩ, không thể lừa mị chính mình được. Điều đó làm nên sự giản dị, thuận cảm và chân thành trong hội họa của Nguyễn Văn Đức.

ba-hoa-si-ha-noi-cung-ke-cau-chuyen-thang-muoi-2-5813-2994.jpg
Tranh sơn mài của Nguyễn Văn Đức.

Lãng mạn, sâu lắng của Hà Nội phố

Họa sĩ Tùng Nguyễn (sinh năm 1984) đem đến triển lãm chùm tác phẩm mới, tiếp nối seri “Đêm của phố”. Những tác phẩm về phố xá, về bước chuyển của mùa trong tranh anh phảng phất, hòa quyện nét trầm lắng, xao xác của đất kinh kỳ.

Anh vẽ phố bằng cảm xúc sâu lắng, bằng những rung động và trải nghiệm sống trong lòng những con phố nhỏ, những dãy nhà tường vôi, những mái ngói xô nghiêng phủ kín rêu xanh.

Tranh của Tùng như né tránh ồn ào để về miền tĩnh lặng, nhưng càng tĩnh bao nhiêu thì lại chất chứa cảm xúc bấy nhiêu. Đó là những thân phận, những rung cảm và cả ám ảnh trong hình khối và màu sắc mà họa sĩ thể hiện.

Lần này với các tác phẩm Phố trên chất liệu sơn dầu rất nhuyễn và tinh tế đã nói lên sự tĩnh lặng của đêm, của phố, của sự trầm lắng trong tâm hồn con người, ẩn sâu dưới những mái ngói nâu trầm, những mảng tường đậm màu thời gian nơi phố cổ của Hà Nội nay.

ba-hoa-si-ha-noi-cung-ke-cau-chuyen-thang-muoi-3-1758-1651.jpg
Tác phẩm của Nguyễn Minh.
ba-hoa-si-ha-noi-cung-ke-cau-chuyen-thang-muoi-4-503-2614.jpg
Tác phẩm của Tùng Nguyễn.

Xem tranh Tùng Nguyễn, họa sĩ Đình Tuấn lại cho rằng, lần này dường như cô đọng hơn trong quy hình và diễn màu. Mênh mang và phẳng phiu để tôn vinh những điểm nhấn đắt đỏ và quý hiếm. “Với nghệ sĩ, khoảng trống không phải để nghỉ mát mà để ngắm nhìn và suy tưởng. Gần đây, Tùng Nguyễn thiên nhiều về hòa sắc xanh, êm đềm nhưng ám ảnh”, họa sĩ Đình Tuấn cho biết.

Họa sĩ Nguyễn Minh trẻ nhất trong nhóm, anh sinh năm 1985, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 2014. Sáng tác của anh chủ yếu sử dụng màu nước và bột màu trên giấy, sơn dầu. Tranh của anh mang một phong thái dịu dàng đầy tươi trẻ và thi vị.

Với bảng màu tươi sáng, nhẹ nhàng trong sắc vàng mơ, trái với vẻ ngoài to lớn chắc nịch thì hội họa của Nguyễn Minh lại lãng mạn, tràn đầy lạc quan tươi sáng. Trong bố cục tạo hình, anh thiên về cảm hứng ngẫu nhiên để tạo nên những nét cọ mềm mại, loang chảy trên các tác phẩm màu nước.

Nhà phê bình Quách Cường cho rằng, dù Nguyễn Minh vẽ màu nước hay bột màu hoặc sơn dầu thì hòa sắc trong tranh luôn trong trẻo và êm dịu, dù đề tài trong tác phẩm là chân dung, tĩnh vật hay cuộc sống xung quanh. Ngắm tranh Nguyễn Minh luôn có được tâm hồn thư thái và năng lượng tươi trẻ dạt dào.

Nhóm họa sĩ “Câu chuyện tháng Mười” cho biết, đây là lần thứ 2 nhóm tổ chức triển lãm cùng chủ đề với mong muốn mang đến cho công chúng thêm nhiều rung cảm trong mùa Thu. Cuối tháng 10/2022, triển lãm cùng tên cũng diễn ra với 30 tác phẩm, đem lại những ấn tượng đặc biệt cho công chúng và giới mỹ thuật tại Hà Nội.

“Tôi không cố ý đặt câu hỏi có gì mới trong “Câu chuyện tháng Mười”. Thực tế 3 họa sĩ của triển lãm vẫn đang trong giai đoạn phát triển, với những chuyển biến vi tế chứ không dụng ý đột phá mang tính bước ngoặt nào. Với tư cách đồng nghiệp, tôi luôn hi vọng và chờ đợi những biến động tích cực trong tư tưởng tạo hình của họ, để thấy rằng sáng tạo là không có giới hạn”, họa sĩ Vũ Đình Tuấn cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Đường đi của thịt thối

GD&TĐ - Hôm đầu tháng 1/2025, lực lượng Cảnh sát giao thông tỉnh Bình Phước đã bắt giữ một vụ vận chuyển thịt thối vào TPHCM.