Dòng tranh chân dung Ba Tỉnh
Với 80 tác phẩm chân dung mang đậm phong cách Ba Tỉnh, triển lãm “Bản diện kim cương II” vừa được khai mạc vào chiều tối 1/10 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Triển lãm đã và đang thu hút đông đảo công chúng yêu mến mỹ thuật, giới hội họa và đặc biệt các văn nghệ sĩ – chủ thể chính trong các tác phẩm đặc tả trong sự nghiệp cầm cọ của họa sĩ Ba Tỉnh.
Nếu như trong nhiếp ảnh - báo chí, nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán được coi là “vua ảnh” chuyên chụp chân dung các nghệ sĩ, thì trong hội họa Ba Tỉnh lại được xếp vào hàng “vua họa chân dung” với gia tài khổng lồ gần 300 tác phẩm tranh sơn dầu vẽ chân dung các văn nghệ sĩ, trí thức nổi tiếng.
Tại buổi khai mạc, họa sĩ Thành Chương nhận định, Ba Tỉnh là người cả đời gắn bó với hội họa và từng thành công với thể loại biếm họa, toát lên tinh thần vui vẻ mà sâu sắc, ý nhị. Thế nhưng họa sĩ Ba Tỉnh cũng luôn đau đáu với nghệ thuật vẽ tranh chân dung, ông đắm chìm trong đó rồi hình thành một dòng tranh chân dung riêng biệt.
Vào những năm 1980, họa sĩ Thành Chương và Ba Tỉnh gặp nhau rồi nhanh chóng trở thành đôi bạn vẽ thân thiết, họ hay đi thực tế cùng nhau và góp ý cho nhau về chủ đề, đề tài cũng như chia sẻ các kỹ thuật cá nhân. Thành Chương khuyên Ba Tỉnh nên thiên về vẽ chân dung và nên vẽ văn nghệ sĩ với lý do “hầu hết văn nghệ sĩ có gương mặt hầm hố, râu ria xồm xoàm dễ vẽ”.
Với nền tảng là một họa sĩ biếm họa, Ba Tỉnh lập tức nhận ra điểm mạnh bản thân và “nguồn tài nguyên” phong phú, đặc sắc trong con đường họa chân dung văn nghệ sĩ Việt. Thế rồi từ “thai nghén” cho đến “sinh nở”, hơn 20 năm sau, vào năm 2004 Ba Tỉnh giới thiệu 21 bức tranh chân dung nghệ sĩ tại trụ sở Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam (51 Trần Hưng Đạo, Hà Nội).
Các bức chân dung được chia thành 3 nhóm: 7 người đã khuất, 7 người luống tuổi và 7 người còn trẻ. Lần ra mắt này được thi sĩ Hoàng Cầm đến dự và đọc thơ tình Kinh Bắc thay cho lời dẫn chương trình.
Đến điêu khắc gia Phạm Văn Hạng đứng ngắm chân dung nhà giáo Văn Như Cương cũng phải thốt lên một tiếng “tuyệt”. Sau đó, gia đình nhà văn Nam Cao đã giới thiệu người cháu họ có gương mặt hao hao để làm mẫu cho Ba Tỉnh vẽ chân dung nhân kỷ niệm lần thứ 90 và vinh danh tên tuổi, sáng tác của Nam Cao vào năm 2006.
Dịp đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội (2010), Ba Tỉnh đã tổ chức triển lãm cá nhân quy mô đầu tiên với 108 bức họa chân dung văn nghệ sĩ mang tên “Bản diện kim cương bất hoại”. Các nghệ sĩ lớn của Việt Nam hiện diện nổi bật qua nét vẽ của Ba Tỉnh, từ các danh họa Đông Dương như: Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Sáng cho đến nhạc sĩ Văn Cao, Trịnh Công Sơn…
Tranh của Ba Tỉnh có độ tương phản rõ nét khi áp dụng kỹ thuật chiaroscuro, tạo ảo giác nổi trên bề mặt hai chiều về hình khối do ánh sáng phản xạ, nhằm mô phỏng các hiệu ứng mắt người nhìn thấy trong không gian thực ba chiều. Sự độc đáo ấy tạo ra dấu ấn không thể trộn lẫn để hình thành dòng tranh chân dung đặc trưng mang tên Ba Tỉnh.
“Vẽ giống thôi, chưa đủ!”
Họa sĩ Đinh Quang Tỉnh sinh năm Giáp Thân (1944), trong một gia đình nhà nho có truyền thống cách mạng ở xã Xuân Thành (Xuân Trường, Nam Định). Cha ông là liệt sĩ Đinh Thúc Dự, được tỉnh Nam Định chọn đặt tên cho một con đường ở TP Nam Định.
Cụ của họa sĩ Ba Tỉnh là nhà nho Đinh Mẫn Cấp từng đỗ đạt trong kỳ thi Hương năm Bính Tý (1876). Sau này đã tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục và Đông Du của chí sĩ Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh. Ông nội Ba Tỉnh là cụ Đinh Đức Hợp - một trong những người học chữ Quốc ngữ đầu tiên ở Nam Định.
Dòng chảy của một gia đình nho gia đã thấm vào con người Ba Tỉnh, ngoài hội họa ông còn được biết đến trong nghiệp văn bút, với các tác phẩm: “Cái cu vẹo của thằng cháu đích tôn”, “Những người đàn bà khóc trên sông Cầu Chày”, tập ký “Đại tá anh hùng tình báo Đinh Thị Vân”.
Trong hội họa, Ba Tỉnh dồn nhiều tâm huyết đặc tả chân dung và cả tâm hồn nghệ sĩ, để người xem thấy được những “gương mặt không bao giờ mất”. Để có những bức chân dung ấn tượng, chạm đến những điều kỳ diệu của thị giác, ông đã kỳ công nghiên cứu đối tượng được chọn vẽ và quan sát thật kỹ lưỡng, tập trung vào khuôn mặt để nhập tâm, đặc tả diện mạo, biểu cảm, thần sắc và ánh sáng.
Đối với những văn nghệ sĩ ông được tiếp xúc và trực tiếp vẽ thì không có nhiều trở ngại, nhưng khi vẽ những bậc tiền bối đã qua đời, không có cơ hội gặp mặt thì đó thực sự là một cuộc tưởng tượng liên tài. “Nếu chỉ giống không thôi thì không đủ. Giống nhưng phải toát lên cái hồn cốt của nhân vật.
Nguyễn Quang Thiều và Hoàng Trần Cương là 2 nghệ sĩ khó vẽ nhất trong số những người mà tôi đã vẽ. Bởi bản thân họ có sự mạnh mẽ, quyết liệt thể hiện ngay trên gương mặt. Đã là nghệ thuật thì phải được khởi nguồn từ cảm xúc thật, tranh mới có thể thăng hoa. Và khi cảm hứng đến thì người họa sĩ phải đón bắt ngay để thổi hồn vào tác phẩm”, họa sĩ Ba Tỉnh cho hay.
“Vẽ tranh chân dung bằng màu dầu cũng giống như nhà văn viết tiểu thuyết về thân phận con người. Nhà văn có thể mặc sức khai thác mọi ngóc ngách đời sống con người, còn họa sĩ thì bằng sắc màu có thể miêu tả trạng thái nhân vật, trực tiếp hoặc ẩn dụ, bay bổng phóng khoáng hay trầm lắng suy tư, thậm chí có thể vẽ từ trong khóe mắt đến sâu thẳm tâm hồn nhân vật mình yêu thích” - Họa sĩ Ba Tỉnh.