Phan Như Lâm sinh năm 1993 ở vùng quê nghèo huyện Đức Linh (Bình Thuận). Gia đình Lâm có 7 anh chị em, nhưng không may, một trong số 5 chị gái đã qua đời từ rất sớm, lúc mới 3 tuổi. Ám ảnh này trở thành một ấn tượng theo Lâm cho tới hôm nay, thành một trong những lý do để họa sĩ ca ngợi vẻ đẹp bất tử của phụ nữ.
Năm 2014, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, Phan Như Lâm bén duyên với nghề vẽ, nên bắt đầu học vẽ với các thầy dạy vẽ. So với các bạn trong lớp luyện vẽ, Lâm dường như là hơi già. Năm 2017, Lâm đỗ vào Đại học Mỹ thuật TPHCM và tốt nghiệp sau 5 năm miệt mài.
Khi còn là sinh viên, Lâm may mắn được các “đàn anh” thương dẫn dắt đi vẽ những tác phẩm tranh bích họa. Những hành trình thú vị ấy đã giúp Lâm sớm cảm nhận được lợi ích của nghệ thuật áp dụng vào cuộc sống thực tiễn.
Đó là một trong những điều thú vị để Phan Như Lâm có triển lãm đầu tay – chủ đề “Ánh sáng tình tôi” sẽ diễn ra tại không gian nghệ thuật Huyen Art House (8A Đặng Tất, Q.1, TPHCM), từ ngày 28/7 và kéo dài đến 6/8/2024.
Phan Như Lâm cho rằng: “Tôi bắt đầu sự nghiệp ngay với những giấc mơ tại xưởng vẽ của mình, làm việc với những bức tranh của mình, sống động và trung thực, tôi xem chúng như một cách để thể hiện ý kiến của mình trong cuộc sống. Giống như tôi ghi lại những nét của thời đại đã sống qua những bức vẽ và tranh của tôi. Tôi ghi lại cuộc đấu tranh hằng ngày của con người thông qua niềm đam mê và vẻ đẹp, với màu sắc thú vị của những biểu cảm được thể hiện trên gương mặt”.
Theo giám tuyển Lý Đợi: Xem “Ánh sáng tình tôi” của Phan Như Lâm, thấy có yếu tố liệu pháp/trị liệu tự thân, vì người vẽ đang tìm cách trở thành chính mình. Bộ tranh này là một kết hợp của lối vẽ chân dung mang hơi hướng bán cổ điển, kỹ thuật biểu hiện và tinh thần lãng mạn. Dù cho Phan Như Lâm có mời mẫu Việt để nghiên cứu tạo hình cho một số tác phẩm, nhưng giải phẫu và tạo hình nhân vật nữ lại phảng phất một chút nét Tây.
Tranh của tôi hiền hòa hơn chân dung chính tôi. Tôi quan tâm nhiều hơn đến “vẽ những người khác, đặc biệt là phụ nữ”. Tôi yêu thích sự đẹp đẽ trong nghệ thuật hội họa, vì trong thế giới của chính mình, tôi cảm nhận thấy thật sống động và thích thú.
Phụ nữ trong tranh Phan Như Lâm - cũng như đa số phụ nữ trong tranh của Lê Phổ, Mai Trung Thứ… trước đây - đang trong trạng thái điềm nhiên, thụ hưởng cuộc sống, thụ hưởng tình yêu và hạnh phúc. Nỗi buồn với họ, nếu có, cũng chỉ là nét buồn vương, buồn đài các.
“Những bức tranh trong “Ánh sáng tình tôi” đã giúp chữa lành cho Phan Như Lâm trong nhiều khía cạnh, mà đầu tiên là tâm lý sáng tác. Sau triển lãm này, Lâm sẽ nhìn thấy rõ hơn, tự tin hơn trên con đường mình sẽ đi hoặc sẽ rẽ lối, sẽ thay đổi. Chữa lành cả khía cạnh tham gia thị trường, để bình tĩnh hơn trong làm giá tranh và bán tranh”, giám tuyển Lý Đợi nhận định.
Phân tích các tác phẩm của Phan Như Lâm, giới hội họa cho rằng: Lâm đồng cảm nhiều với sự sống, yêu mến trẻ em, cảm động với phụ nữ trong câu chuyện của họ, tràn ngập sự vui vẻ với thiên nhiên... Lâm dùng những bảng màu ấm áp, rực rỡ trong một lối biểu đạt gần gũi, tươi vui khoảnh khắc bình yên trong cuộc sống. Những vệt sơn bừng bừng màu sắc như cuộc sống tuôn chảy trong tranh.
Họa sĩ Phan Như Lâm chia sẻ: “Tôi mong những bức tranh của tôi mang lại cho người xem cảm nhận được tôi và đối tượng của tôi, và cảm nhận được vẻ đẹp từ chúng, mang lại cho người xem cảm nhận được về bản thân và khoảng thời gian của chính họ. Giữa những bon chen của cuộc sống hiện đại, hy vọng sẽ tìm thấy và giữ được vẻ đẹp lẫn đam mê”.