Nét tài hoa của sơn mài Cát Đằng

GD&TĐ - Làng nghề sơn mài Cát Đằng (Yên Tiến, Ý Yên, Nam Định) đã trải qua bao thăng trầm của lịch sử.

Sự khéo léo, tài hoa, sáng tạo của người thợ được thể hiện ở các nét vẽ tạo nên những tác phẩm nghệ thuật sơn mài.
Sự khéo léo, tài hoa, sáng tạo của người thợ được thể hiện ở các nét vẽ tạo nên những tác phẩm nghệ thuật sơn mài.

Dẫu có lúc thịnh lúc suy, song nghề sơn mài truyền thống nơi đây vẫn luôn được người dân gìn giữ và ngày một phát triển.

Duy trì nghề truyền thống

Làng nghề sơn mài Cát Đằng đã có bề dày trên 600 năm. Qua bao biến thiên lịch sử, đến nay, các thế hệ nghệ nhân của làng vẫn miệt mài duy trì và tìm hướng phát triển nghề truyền thống.

Giá trị sử dụng của nghề sơn mài được minh chứng rõ nét trong đời sống nhân dân. Trong không gian của các di tích lịch sử, văn hóa như: Đình, đền, chùa, phủ... hoặc nhà thờ, từ đường họ, những sản phẩm sơn son thếp vàng rực rỡ như các pho tượng, các cỗ ngai, khám, cửa võng, hoành phi câu đối... đã góp phần tô điểm cho nơi thờ tự thêm trang nghiêm, lộng lẫy.

Nhiều sản phẩm của làng nghề đã trở thành biểu tượng văn hóa truyền thống như: Cơi đựng trầu, tráp ăn hỏi... hàng bao đời nay vẫn tiếp tục được sử dụng trong các nghi lễ văn hóa. Các sản phẩm hàng chắp nứa của làng nghề được sử dụng để làm đồ lưu niệm, trang trí trong không gian gia đình, công sở cũng ngày càng được cách tân, mang vẻ đẹp của đời sống đương đại.

Cụ Đinh Khắc Phú (91 tuổi) người có 60 năm gắn bó với nghề sơn mài truyền thống cho biết, nghề này gồm hai lĩnh vực rõ ràng là sơn và mài.

Sơn mài có thể thực hiện được trên nhiều chất liệu khác nhau như: Gỗ mỡ, gỗ dán, giấy nện... Nguyên liệu sơn chính là nhựa cây sơn được trồng nhiều trên những triền đồi vùng trung du Bắc Bộ. Vàng quỳ, bạc quỳ là những lá vàng, bạc được dát thật mỏng để thếp vào sản phẩm. Bột màu, son và các loại đất sét, vải, giấy, dầu trẩu, nhựa thông... là những nguyên liệu không thể vắng mặt trong quy trình sản xuất sản phẩm của Cát Đằng.

“Công đoạn pha chế sơn có vai trò đặc biệt quan trọng, quyết định đến sự thành bại của sản phẩm. Vì thế, người đảm đương phần việc này thường được giao cho các thợ cả, thợ chính hoặc người già có nhiều kinh nghiệm, nắm giữ được những bí quyết tinh hoa của nghề. Và khâu nào cũng đòi hỏi người thợ phải rất kiên nhẫn, tỉ mỉ”, cụ Phú giải thích.

Ngoài pha chế sơn, người thợ sơn mài phải thao tác qua hàng chục công đoạn khác trong khoảng thời gian gần một tháng. Đầu tiên là khâu cắt mộc (gỗ cây, gỗ dán) để tạo hình tùy theo sản phẩm các loại như tranh, bình phong, hộp, khay, đĩa, lọ, bàn cờ…

Khác hẳn với nghề mộc thông thường, đồ mộc để sơn mài tuyệt đối không được đóng đinh mà chỉ dùng mộng mạng gắn bằng sơn ta trộn với mùn cưa. Do vậy, yêu cầu kỹ thuật phải chính xác đến từng mi-li-mét, cho vừa khớp với các bộ phận khác nhau. Sau đó bào nạo, đánh giấy ráp nhẵn nhụi rồi mới chuyển sang bộ phận làm “vóc”.

Công đoạn tiếp theo là dùng “thét tóc” (loại chổi tết bằng tóc) quét sơn sống lên bề mặt sản phẩm, sau đó dùng vải màn thưa phủ lên rồi lại dùng sơn sống quét lại thật kỹ một lớp nữa. Tiếp theo nghệ nhân lấy mùn cưa “rây” đều lên trên lớp sơn mới, dùng lá mít “lài” xoa nhẹ, đều cho phẳng bề mặt rồi đem phơi khô trong khoảng 3 ngày.

Khi sản phẩm đã khô lại, người làm nghề sẽ dùng sơn sống trộn đất sét đã phơi khô, tán nhỏ quét đều, rắc mùn cưa để khô rồi dùng đá mài với nước. Đá mài là loại đá cuội lấy ở dưới suối, thường gọi là đá màu.

Khi đã mài nhẵn với nước lại dùng “mo” (cưa từ sừng trâu) phủ lên bề mặt sản phẩm lớp sơn sống trộn đất sét, để khô rồi lại quét sao cho sản phẩm được phủ từ 2 - 3 lớp rồi để khô hẳn, đem mài với nước bằng đá cho thật nhẵn.

Mài xong mới dùng sơn thí quét đều, để khô khoảng 2 - 3 lớp rồi lại mài tiếp cho nhẵn. Đến đây công đoạn làm vóc mới hoàn thành và người thợ bắt đầu vẽ các chi tiết bằng hỗn hợp màu pha với sơn. Vẽ xong mới đến công đoạn gắn lên sản phẩm các loại vật liệu trang trí như: Vỏ trai, vỏ trứng, thếp bạc..., để khô sơn rồi dùng sơn cánh gián phủ lên bề mặt bức tranh một lớp nữa.

Lúc này toàn bộ bề mặt sản phẩm chỉ có màu đen, phải hong thật khô khoảng 3 ngày rồi lại đem mài với nước. Càng mài, những chi tiết, đường nét của sản phẩm mới dần dần lộ ra và nổi lên với đặc trưng màu trầm nhưng sâu.

Trước đây, tất cả các công đoạn của nghề đều phải làm thủ công, chất lượng của sản phẩm hoàn toàn phụ thuộc vào kỹ thuật, kinh nghiệm kết hợp với tài hoa từ bàn tay, khối óc, thẩm mỹ của người thợ.

Nghề sơn mài truyền thống nhiều công đoạn kỳ công và đòi hỏi độ chính xác, tinh xảo trong tất cả mọi khâu phải tiệm cận đến mức hoàn hảo. Để hoàn thành một sản phẩm, người thợ phải mất từ một đến vài tháng. Vì thế, số lượng sản phẩm hàng hóa làm ra ít, giá thành cao nhưng bù lại các sản phẩm sơn mài truyền thống thường có độ bền và giá trị sử dụng đến hàng trăm năm.

net-tai-hoa-cua-son-mai-cat-dang-7-5469.jpg
Trang trí họa tiết cho sản phẩm cần người thợ có tay nghề cao và có năng khiếu về hội họa.
net-tai-hoa-cua-son-mai-cat-dang-4-4030.jpg
Tinh hoa nghề sơn mài Cát Đằng được thể hiện qua nước sơn sản phẩm khi hoàn thiện.

Hòa quyện truyền thống với hiện đại

Theo những biến chuyển của nhịp sống đương đại, sản phẩm của làng sơn mài Cát Đằng cũng có nhiều thay đổi để thích ứng với nhu cầu thực tế. Trước đây, người ta vẫn thấy hàng sơn mài chỉ được làm trên những tấm gỗ đã được chọn lựa rất kỹ, thì nay, người Cát Đằng đã sáng tạo thêm những sản phẩm từ việc chắp nứa rồi đem sơn mài. So với gỗ, loại mặt hàng này vừa nhẹ, giá rẻ hơn, chất lượng đảm bảo, thu hút được nhiều khách hàng và chủ yếu có thể xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới.

Để có được sản phẩm chắp nứa sơn mài sớm “nổi danh” như thế cũng không phải đơn giản. Anh Bùi Văn Khánh (45 tuổi), chủ một xưởng với 20 năm sản xuất sản phẩm tre, nứa ghép sơn mài chia sẻ: “Ngay từ việc chọn mua nứa, người thợ cũng phải khéo chọn những cây nứa bánh tẻ, không quá non cũng không quá già.

Khi đem về phải mang ngâm nứa dưới nước ít nhất 6 tháng để sản phẩm sau này không bị mối mọt, có độ bền lâu. Sau đó, đến khâu pha nứa, pha nan, vót và đánh bóng nan rồi người ta để nghiêng nan cẩn thận uốn chặt theo hình khuôn, rồi quết một lớp keo được pha chế bằng tạp chất sao cho không còn kẽ hở giữa các vòng nứa rồi mới đem mài miết đến khi sản phẩm nhẵn bóng và đạt được độ mỏng cần thiết mới thôi”.

Theo anh Khánh, trước đây, riêng khâu mài phải làm thủ công, thường mất ít nhất 3 tháng mới xong một sản phẩm như bình hoa, chậu cảnh, còn bây giờ nhờ có máy móc hiện đại nên chỉ mất vài ba ngày hoặc một tuần là xong. Đặc biệt không được dùng nan cật, vì sản phẩm sẽ không đảm bảo độ bền, dẻo vốn có.

Đến đây coi như khâu sơ chế thô đã hoàn thành. Những sản phẩm đó tiếp tục được chuyển đến tay các nghệ nhân trang trí thêm đủ kiểu hoa văn cách điệu, pha màu rồi phun sơn thật đều lên sản phẩm.

Hiện nay, cơ sở của anh Khánh tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động địa phương với mức thu nhập từ 6 - 7 triệu đồng/tháng. Trung bình mỗi năm cơ sở sản xuất khoảng 2 triệu sản phẩm xuất khẩu ra nước ngoài, doanh thu tương đương khoảng 60 tỷ đồng tiền hàng.

Theo anh Ngô Văn Nam (44 tuổi), người có hơn 30 năm gắn bó với nghề, thì khâu pha chế và phun sơn là khó nhất. Bí quyết của làng nghề cũng được giữ kín ở đây, nếu không phải là trai làng thì không được truyền dạy.

Đã có nhiều người ở nơi khác tìm đến Cát Đằng học nghề nhưng họ vẫn không thể biết được bí quyết pha trộn sơn, hay kỹ năng xử lý sản phẩm vừa phun sơn xong bỗng gặp trời mưa. Làm sao để sơn không bị bay mất màu? Người vùng khác đành phải chờ nắng rồi đem sơn lại. Nhưng người Cát Đằng thì lại có thể giữ nguyên màu sơn ở bất cứ thời điểm hay hoàn cảnh nào.

Anh Nam và nhiều nghệ nhân của làng đã ra các tỉnh ngoài để làm và mở các lớp dạy nghề sơn mài ở khắp nơi. Dù đi đâu, họ cũng khẳng định sự tài hoa, khéo léo của người thợ sơn mài Cát Đằng.

Bà Ngô Thị Miện (69 tuổi) gắn bó với nghề sơn mài 55 năm cho hay, sản phẩm sơn mài trên nứa đã sơ khai từ những năm 60 của thế kỷ trước. Sản phẩm ban đầu làm ra đơn giản, xuất khẩu kèm với mặt hàng sơn mài sang Liên Xô và một số nước Đông Âu trước đây. Khi thị trường Liên Xô không còn, nghề cũng bị mai một dần.

Tuy nhiên, những người thợ tâm huyết trong làng đã không vì thế mà bỏ nghề, ngược lại càng kiên trì nghiên cứu thay đổi mẫu mã, chọn nguyên, phụ liệu có giá rẻ, nhưng bền, đẹp và không độc hại để sản xuất, rồi đi “gõ cửa” các nơi để chào hàng. Sau nhiều lần đúc rút kinh nghiệm, hoàn thiện, nâng cao chất lượng, phù hợp với thị trường, những năm trở lại đây, khách hàng mới thực sự thích thú với những mặt hàng mới này.

Hiện nay, sản phẩm sơn mài Cát Đằng rất đa dạng, chủ yếu là đồ gia dụng gia đình, đồ trang trí nội thất như bình, lọ, tranh, phù điêu... Sản phẩm có nguồn gốc từ Cát Đằng không những được tiêu thụ mạnh trong nước, mà còn là mặt hàng xuất khẩu, được ưa chuộng tại nhiều thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản, Nga…

net-tai-hoa-cua-son-mai-cat-dang-2-1411.jpg
Công đoạn mài sản phẩm trong quy trình làm hàng chắp (trên chất liệu mây, tre, nứa...).
net-tai-hoa-cua-son-mai-cat-dang-5-6121.jpg
Có những công đoạn có thể sử dụng máy móc gia công để tăng năng suất lao động.

Đối mặt cùng khó khăn, thách thức

Trong giai đoạn hiện nay, nghề sơn mài Cát Đằng đang đứng trước những khó khăn, thách thức mới. Cơ chế thị trường, sự cạnh tranh quyết liệt với các sản phẩm đa dạng của các địa phương khác, trong khi năng lực quản lý và kinh doanh của các chủ doanh nghiệp còn hạn chế, đặc biệt là trình độ ngoại ngữ và tin học.

Mặt khác, các nguồn nguyên vật liệu đang dần cạn kiệt và tăng giá, mặt bằng sản xuất nhỏ lẻ chật hẹp, tình trạng ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động và cộng đồng...

Nhận thức được những thuận lợi và khó khăn của làng nghề truyền thống sơn mài Cát Đằng, UBND xã Yên Tiến đã xây dựng quy hoạch khu sản xuất làng nghề. Trong đó chủ trương dành một khu đất cách xa khu dân cư để tập trung các cơ sở sản xuất, quy hoạch các khu vực ngâm nứa, tre để tránh gây ô nhiễm môi trường.

Bên cạnh đó, để quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị nghề sơn mài Cát Đằng, xã Yên Tiến thường xuyên quảng bá giới thiệu sản phẩm làng nghề, mở rộng thị trường tiêu thụ, đảm bảo sự gắn kết và phát triển bền vững.

Phối hợp với các cơ quan chuyên môn mở các lớp truyền dạy nghề cho thế hệ trẻ, đặc biệt là những kỹ năng, kỹ thuật mang tính bí quyết của làng nghề. Quan tâm và có những chính sách đãi ngộ với lớp nghệ nhân cao tuổi đang nắm giữ các bí quyết nghề để gìn giữ và tiếp tục phát huy giá trị của nghề sơn mài truyền thống.

Với các giá trị về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, cùng với giá trị sử dụng và kinh tế của di sản, ngày 8/5/2017, Bộ VH,TT&DL đã có Quyết định số 1852/QĐ-BVHTTDL đưa nghề sơn mài Cát Đằng vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ