Tái hiện Trung thu xưa với nghệ thuật sơn mài

GD&TĐ - Sơn mài được xem là 'quốc họa' của Việt Nam, song có tới gần 90% họa sĩ Việt thành danh là từ sơn dầu.

Họa sĩ Phạm Khắc Thắng hướng dẫn du khách sáng tạo với sơn mài.
Họa sĩ Phạm Khắc Thắng hướng dẫn du khách sáng tạo với sơn mài.

Không chỉ là một triển lãm độc đáo, “Tinh quang hội nguyệt” còn đưa công chúng đến những bất ngờ khi trải nghiệm làm đồ chơi Trung thu qua ngôn ngữ của nghệ thuật và làng nghề truyền thống.

Cùng sáng tạo đồ chơi Trung thu

Dự án nghệ thuật thủ công “Tinh quang hội nguyệt” diễn ra tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) đã và đang đánh dấu bước ngoặt trong việc khám phá và tôn vinh văn hóa truyền thống Việt Nam qua lăng kính của những người trẻ đầy đam mê và sáng tạo.

Được khởi xướng và tổ chức bởi những người trẻ đam mê nghệ thuật, dự án đã thổi hồn vào không gian lịch sử, mang đến cho công chúng một trải nghiệm Trung thu vừa thơ mộng, vừa kỳ bí độc đáo.

Được khai mạc từ ngày 31/8 và kéo dài đến ngày 17/9 để chào đón và hòa mình cùng Trung thu, triển lãm “Tinh quang hội nguyệt” còn tổ chức chuỗi workshop thú vị cùng công chúng trực tiếp làm đèn ông sao, vẽ mặt nạ…

Họa sĩ Phạm Khắc Thắng - nhà sáng lập Dragon Sigma cho biết: “Tinh quang hội nguyệt” - một cái tên không chỉ gợi lên vẻ đẹp lấp lánh của những ngôi sao, mà còn là sự hòa quyện của ánh sáng rực rỡ ấy với mặt trăng trong hiện tượng nguyệt thực, tạo nên một khung cảnh thần thoại hiếm có.

Bởi vậy, đây không chỉ là một triển lãm nghệ thuật thông thường, mà còn là một hành trình trải nghiệm đa giác quan, nơi các giá trị truyền thống và đương đại gặp gỡ, cộng hưởng và tỏa sáng”.

Đến triển lãm, hòa mình cùng chuỗi workshop, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật lấy cảm hứng từ ánh sao, mặt trăng và những biểu tượng của văn hóa Trung thu. Đồng thời được tham gia vào các hoạt động làng nghề truyền thống, từ làm đèn ông sao béo, vẽ mặt nạ hỉ nộ ái ố, sáng tạo tranh sơn mài, làm bánh Trung thu, làm đèn cù, làm cây “chăng sao”…

“Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, mỗi dịp Trung thu về lại được phá cỗ đêm trăng. Đó là hình ảnh tôi thích thú nhất, nhiều sắc màu cùng nô nức tiếng cười của các bạn nhỏ. Bởi vậy, tôi muốn lưu giữ những hình ảnh long lanh ấy bằng việc chuyển thể tác phẩm từ chất liệu bột màu dung dị sang sơn mài với đa dạng chất liệu như cửu khổng, trai để tạo ánh xà cừ lấp lánh; những mảng sáng của trứng trong đêm trăng rằm; bập bùng ánh nến tỏa ra của những chiếc đèn lồng được vẽ bằng vàng, bạc, thiếc”, họa sĩ Phạm Khắc Thắng cho hay.

Từ những giá trị văn hóa truyền thống cần gìn giữ nhưng cũng cần phát triển và mang đến hơi thở mới cho thế hệ trẻ dễ tiếp cận hơn. Triển lãm mà họa sĩ Phạm Khắc Thắng và Dragon Sigma tổ chức không chỉ giúp công chúng hiểu thêm về giá trị văn hóa truyền thống, mà còn tôn vinh vẻ đẹp của chất liệu truyền thống.

Tại không gian thiêng liêng của Văn Miếu - Quốc Tử Giám, “Tinh quang hội nguyệt” như một cây cầu kết nối giữa quá khứ và hiện tại, mang đến một lễ hội Trung thu không chỉ để chiêm ngưỡng mà còn để sống lại những kỷ niệm đẹp, nhằm lan tỏa thông điệp về việc bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống trong thời đại mới.

tai hien trung thu xua voi nghe thuat son mai (2).JPG
Nhiều khách tham quan, đặc biệt là trẻ em thích thú với trải nghiệm sáng tạo.
tai hien trung thu xua voi nghe thuat son mai (3).JPG
Các vật liệu truyền thống để làm thành một tác phẩm sơn mài.

Để sơn mài mang hơi thở đương đại

Trao đổi với Báo GD&TĐ, họa sĩ Phạm Khắc Thắng cho rằng, sơn mài truyền thống không chỉ dừng lại bởi hình ảnh xưa cũ mà cách thể hiện từ bố cục, màu sắc, chất liệu cũng đã mang đến hơi thở đương đại.

Dự án mong muốn các bạn trẻ tiếp cận sơn mài với nhiều góc nhìn hơn. Những đồ dùng như bình phong cũng được hiện đại hóa nhưng vẫn có chất liệu truyền thống của sơn mài, hình ảnh con bướm dễ gần gũi với mọi người và trong không gian nhà cửa hiện đại.

Mới đây, đồ án tốt nghiệp khóa DH19 - Khoa Mỹ thuật truyền thống, chuyên ngành sơn mài (Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp) của Đinh Quang Hùng có sự hỗ trợ phát triển của họa sĩ Phạm Khắc Thắng đã xuất sắc giành vị trí Á khoa.

Thiết kế vách ngăn decor sơn mài của Hùng không chỉ là tín hiệu vui cho thấy nghệ thuật sơn mài chưa bao giờ “già cũ” hay thoái trào, ngược lại là chất liệu màu mỡ để lớp trẻ khám phá và sáng tác. Vách ngăn decor bên cạnh tính thẩm mỹ và giá trị văn hóa, đã gây ấn tượng với sự độc đáo trong thiết kế và tính ứng dụng cao.

“Các chất liệu sơn mài của Dragon Sigma vẫn lưu giữ được những đặc tính cơ bản không thể thiếu của sơn mài truyền thống, nhưng cũng có sự đổi mới trong hình ảnh, đồ dùng để các bạn trẻ dễ dàng tiếp cận từ làm tranh cho đến các đồ dùng đồ vật hàng ngày”, họa sĩ Phạm Khắc Thắng nhấn mạnh.

tai hien trung thu xua voi nghe thuat son mai (4).JPG
Tác phẩm 'Múa rồng đêm Trung thu' bán đấu giá tại sự kiện 'Tinh quang hội nguyệt'.

Trước “Tinh quang hội nguyệt”, vào tháng 3/2024 họa sĩ Phạm Khắc Thắng và các học viên của Dragon Sigma đã có một triển lãm gây tiếng vang mang tên “Giũa: Phong sắc”. Triển lãm chọn chữ “Giũa” - một kỹ thuật mài trong hoạt động sơn mài, tên hoạt động hướng tới tinh thần không ngừng rèn giũa bản thân. Đồng thời, tựa đề triển lãm là một cách chơi chữ ngụ ý “phóng” nhằm mang tới hi vọng về sự chuyển động tiến lên phía trước.

Sơn mài được xem là “quốc họa” của Việt Nam, song có tới gần 90% họa sĩ Việt thành danh là từ sơn dầu. Một quốc gia định hình được “đặc sản” mỹ thuật là sơn mài, sớm đưa sơn mài vào hội họa để dạy từ những năm 1930 nhưng lại có quá ít nghệ sĩ quan tâm tới chất liệu truyền thống.

Đó cũng là lý do mà họa sĩ Phạm Khắc Thắng muốn kéo người trẻ đến với truyền thống, để thấy sự diệu kỳ của nghệ thuật truyền thống cũng như sự tinh tế của cha ông ta.

Không nằm ngoài sứ mệnh chấn hưng văn hóa, lan tỏa giá trị truyền thống đến đông đảo công chúng - “Tinh quang hội nguyệt” cũng tạo ra những trải nghiệm thú vị cho người trẻ khi đến với sơn mài từ việc thực hành sử dụng phổ màu tươi sáng, hình ảnh dân gian nhưng đầy táo bạo mang hơi thở đương đại để diễn đạt về những khoảnh khắc của Trung thu.

“Với sứ mệnh thổi hồn vào nghệ thuật sơn mài, đưa nghệ thuật đến gần hơn với công chúng, đặc biệt là giới trẻ. Chúng tôi tin rằng, sơn mài không chỉ là di sản, mà còn là chất liệu sống động, có thể kể những câu chuyện đương đại một cách tinh tế và độc đáo. Thông qua các workshop và triển lãm, chúng tôi mong muốn khơi dậy niềm đam mê sáng tạo, giúp mọi người khám phá vẻ đẹp của sơn mài và tự tin thể hiện bản thân qua ngôn ngữ nghệ thuật này”. Họa sĩ Phạm Khắc Thắng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ