Dù bị từ chối trong tình yêu hay trong công việc, hẳn bạn sẽ cảm thấy một cảm giác buồn bã và thất vọng trào dâng bên trong cơ thể.
Theo nhiều chuyên gia, đây là một chuyện bình thường bởi đó là quá trình tiến hóa của con người về tâm hồn cảm xúc.
Cụ thể hơn, từ thời xa xưa, con người đã tiến hóa để cảm thấy đau khổ khi bị loại trừ khỏi một bầy đàn hay quần thể nguyên thủy.
Nhưng thực sự cảm giác đau khổ khi bị từ chối ảnh hưởng đến con người tới mức nào? Liệu có cách nào có thể giúp vượt qua cảm giác ấy một cách nhẹ nhàng và nhanh chóng?
Cảm giác bị từ chối đau khổ ra sao?
Những nghiên cứu mới nhất cho thấy rằng, việc bị từ chối sẽ kích hoạt những bộ phận cảm giác đau đớn trong não tương tự như khi đau đớn về thể xác.
Để phục vụ cho nghiên cứu, các nhà khoa học đã chọn ra 40 người vừa trải qua một cuộc chia tay đầy đau khổ, rồi đưa họ vào máy chụp cộng hưởng từ.
Sau đó những tình nguyện viên này sẽ được đưa cho xem hình ảnh của người yêu cũ và nói lên suy nghĩ của mình về việc bị từ chối. Các nhà nghiên cứu sẽ ghi lại phản ứng của các tình nguyện viên sau khi quan sát não họ trên máy chụp.
Kết quả cho thấy mỗi khi nhắc lại chuyện bị từ chối, khu vực cảm giác, xúc giác trên vỏ não và một thùy nhỏ ở não sau có phản ứng khá rõ ràng. Đây là hai khu vực được “lập trình” để tạo phản ứng khi cơ thể gặp nỗi đau về thể xác.
Các nhà khoa học ở Viện hàn lâm khoa học Nga nhận định, phát hiện này có thể giải thích rõ hơn cho cảm giác “đau” mỗi khi bị từ chối.
Bị từ chối tình cảm là nỗi đau lớn nhất
Trong khi đó, lời từ chối trong chuyện tình cảm được nhiều nghiên cứu xác định thuộc loại những từ chối có cường độ mạnh nhất, gây ra những nỗi đau rất lớn trong tinh thần và dần “lấn” sang thể xác.
Làm thế nào để “đối phó” với những nỗi đau này?
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, cảm giác đau khổ khi bị từ chối có thể được “điều trị” bằng... thuốc giảm đau, giống như những nỗi đau về thể xác. Vào năm 2010, đã có những thông tin cho rằng thuốc giảm đau có thể giúp con người hàn gắn vết thương lòng.
Trong quá trình nghiên cứu, các chuyên gia đã đưa cho một nửa số tình nguyện viên loại thuốc giảm đau mang tên Tylenol và nửa còn lại là thuốc bổ bình thường. Các ứng viên được yêu cầu uống liên tục mỗi ngày trong vòng 3 tuần.
Kết quả thu được cho thấy trên những người dùng Tylenol, mọi hoạt động của não liên quan đến nỗi đau cả thể xác lẫn tinh thần đều đã suy giảm, trong khi những tình nguyện viên dùng thuốc bổ thì không.
Thuốc giảm đau có thể giúp vượt qua nỗi đau khi bị từ chối
Tuy nhiên, để chữa trị những nỗi đau tinh thần thì việc dùng thuốc không phải là những lời khuyên tối ưu nhất.
Có rất nhiều tài liệu viết về việc làm thế nào để đối mặt và vượt qua những lời từ chối có tính chất quan trọng, như trong chuyện tình cảm hay công việc. Trong đó có một vài chiến lược được các chuyên gia đưa ra như sau:
- Biết rõ khả năng của mình trong mọi lĩnh vực. Dù bạn có thất bại trong việc có được một công việc mà tỉ lệ cạnh tranh là rất lớn cũng không được phép thất vọng đến nỗi để chuyện đó làm nản lòng.
- Bị từ chối không phải lúc nào cũng là lỗi của bạn. Đôi khi bạn bị từ chối vì những lý do khách quan như do hoàn cảnh và nhiều yếu tố khác. Không nên để việc bị từ chối ám ảnh bản thân, từ đó thiếu tự tin trong những lần tiếp theo.
Bị từ chối cũng không phải điều gì quá tệ
Dù đem lại những cảm xúc tiêu cực, nhưng việc bị từ chối đôi khi cũng không phải là một chuyện gì đó quá tồi tệ.
Theo một nghiên cứu của giáo sư tại ĐH John Hopkins (Mỹ), việc bị từ chối có thể kích thích những khả năng tiềm ẩn và truyền cảm hứng cho những tư duy sáng tạo.
Trong tình yêu, bị từ chối một vài lần cũng không phải là một chuyện gì quá nghiêm trọng. Trước khi cảm thấy xấu hổ hay tự ti về bản thân, bạn cần suy nghĩ lại liệu người đó có xứng đáng để đón nhận tình cảm của mình không, hay những tính cách của người đó có phù hợp với mình hay không.
Như người ta vẫn thường nói, một cánh cửa đóng lại cũng là lúc một cánh cửa khác được mở ra. Không nên để việc bị từ chối ngày hôm nay làm nản chí, để có thể thoải mái, tự tin hướng tới những điều tốt đẹp vào ngày mai.