Thế nhưng, ma túy núp bóng các loại kẹo, các loại thực phẩm chức năng, các loại đồ uống… được rao bán khá phổ biến trên mạng thì sự “biến tướng” trong cách tiếp cận với “người tiêu dùng” như thế, thật quá nguy hiểm. Nhất là, ma túy được bọc dưới lớp vỏ kẹo sô cô la, bán ngay trước cổng trường học thì xem như tai họa đã sát nhà rồi.
Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) vừa lên tiếng cảnh báo, gần đây trên thế giới và cả ở Việt Nam xuất hiện hai dạng ma túy là thực phẩm chức năng chứa chất ma túy và ma túy pha trộn, đóng gói dưới dạng đồ uống.
Điều đáng ngại là, loại thực phẩm chức năng có chứa chất ma túy, được sản xuất đóng gói ở một số nước cho phép với hàm lượng quy định ghi trên bao bì sản phẩm và có cảnh báo người dùng, song một số đối tượng lén lút đưa vào Việt Nam, lại không có bất kỳ sự cảnh báo nào nên khi dùng quá liều cho phép có thể dẫn đến bị ngộ độc.
Vì cứ nghĩ đó là thực phẩm chức năng đơn thuần nên hầu như người sử dụng không hề cảnh giác, đến khi bị ngộ độc thì mới hay. Ngoài ra, ma túy còn được pha trộn dưới dạng thực phẩm đồ uống đóng gói, được bán tràn lan tại nhiều nơi, nhất là cho lứa tuổi học trò, cũng là một mối hiểm họa lớn.
Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã dẫn ra hàng loạt các vụ ma túy núp bóng kẹo hoặc thực phẩm chức năng như vụ bán bánh cần sa trên mạng ở Hà Nội cuối năm 2019; nhóm học sinh ở Hoành Bồ (Quảng Ninh) sử dụng kẹo chứa chất ma túy, bị ngộ độc cấp cứu vào tháng 10/2021; vụ bán nước xoài có chứa chất ma túy tại TPHCM tháng 10/2020; vụ bán kẹo sô cô la có chứa chất ma túy tại Đông Anh, Hà Nội được phát hiện hồi tháng 6/2022…
Những cuộc điều tra độc lập của các nhà báo trong vai trò là “người tiêu dùng” tại vùng tam giác kinh tế các tỉnh phía Nam gần đây cho thấy, tình trạng pha trộn ma túy vào thực phẩm chức năng, vào kẹo, vào nước uống của bọn tội phạm ma túy là khá phổ biến. Cầm đầu băng nhóm mua bán ma túy dưới dạng “núp bóng” này có khi là những thanh niên mới 20 tuổi!
Trước đây, bọn tội phạm ma túy thường dụ dỗ, mồi chài con cái các gia đình khá giả hoặc con quan chức hư hỏng vào con đường nghiện ngập bằng cách “tập làm quen” với ma túy miễn phí, đến khi “con mồi” nghiện ngập lúc nào không biết. Nhiều gia đình tán gia bại sản từ những cuộc mồi chài này.
Bây giờ, bọn tội phạm ma túy quỷ quyệt hơn bằng cách pha trộn ma túy vào kẹo bánh và các loại đồ uống, bán ngay trước cổng trường. Các em học sinh hoàn toàn không hề hay biết những chiếc bẫy đang rình rập và chờ đón mình, dẫn vào con đường tội lỗi. Một thanh sô cô la có chứa ma túy chưa hẳn đã nghiện nhưng cứ mỗi ngày một thanh kẹo như thế, cánh cửa nghiện ngập chỉ cách các em một khoảng tơ tóc.
Bên cạnh việc tăng cường tấn công các loại tội phạm liên quan đến ma túy của cơ quan công an thì ngành Giáo dục, nhất là các trường học và các bậc phụ huynh cũng cần hết sức cảnh giác với thủ đoạn mới này của bọn buôn bán ma túy núp bóng các loại kẹo.