Kẹo ma túy: Khi trường học là mục tiêu tấn công

GD&TĐ - Mới đây, một số học sinh (HS) tại Quảng Ninh dương tính với ma túy sau khi ăn loại kẹo không rõ nguồn gốc.

Tuyên truyền tác hại ma túy cho học sinh Bắc Giang.
Tuyên truyền tác hại ma túy cho học sinh Bắc Giang.

Cơ quan Công an cùng ngành Giáo dục đã có những khuyến cáo, triển khai đồng bộ giải pháp để ngăn chặn ma túy vào trường học…

Điều tra cơ bản hàng quán

Trước đó (ngày 25/10), 13 học sinh Trường THPT Hoành Bồ (Quảng Ninh) phải nhập viện sau khi cùng ăn một loại kẹo đựng trong gói có ghi chữ nước ngoài do một HS trong lớp mang đến. Qua test nhanh, cơ quan chức năng phát hiện một số HS dương tính với chất THC, một loại chất có trong cây cần sa.

Vào cuộc xác minh, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh xác định đây là vụ ngộ độc thực phẩm chức năng, không có dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan đến ma túy. Đồng thời, hoàn thiện hồ sơ xử lý vụ việc theo quy định. Sự việc là hồi chuông cảnh báo về nguy cơ ma túy xâm nhập học đường.

Chia sẻ với Báo GD&TĐ, Thượng tá Trần Quyết Thắng - Trưởng Công an huyện Phúc Thọ (Hà Nội) - cho biết, hàng năm vào dịp khai giảng Công an huyện chủ động tham mưu cho UBND huyện và phối hợp với Phòng GD&ĐT, nhà trường tuyên truyền giáo dục pháp luật cho HS.

Trong đó, chú trọng trật tự an toàn giao thông và tác hại ma túy học đường, xây dựng mô hình trường học an toàn.

“Thời gian qua có hiện tượng ma túy núp bóng kẹo, nước ép hoa quả xâm nhập vào trường học ảnh hưởng đến sức khỏe của HS, ẩn họa nếu sử dụng nhiều dẫn đến nghiện... Bởi vậy, Công an huyện Phúc Thọ phối hợp với các trường linh hoạt hình thức tuyên truyền đến giáo viên, học sinh về tác hại và phòng chống ma túy…”, Thượng tá Thắng chia sẻ.

Dự kiến HS huyện Phúc Thọ (Hà Nội) trở lại trường học tập từ 8/11 tới đây, Công an huyện Phúc Thọ vận dụng linh hoạt để vừa tuyên truyền phòng chống dịch, vừa gắn với giáo dục pháp luật trong đó có tác hại ma túy học đường.

“Tất cả hàng quán ở khu vực cổng trường sẽ được Công an huyện điều tra cơ bản, gọi hỏi và có yêu cầu cam kết. Đồng thời, xây dựng các cộng tác viên nắm tình hình, kịp thời phát hiện các đối tượng có biểu hiện nghi vấn để thông báo tới cơ quan Công an...”, Thượng tá Thắng tiết lộ.

Công an huyện Phúc Thọ khuyến cáo, phụ huynh học sinh nhắc nhở con em không mua bán đồ ăn nhanh tại các hàng quán xung quanh trường nếu không cần thiết. Qua đó, vừa góp phần phòng, chống  dịch Covid-19 vừa bảo đảm an toàn thực phẩm.

Bịt những kẽ hở nơi công trường

Công an TP Hà Nội hướng dẫn thầy, trò Trường THCS Thái Thịnh (Hà Nội) cách nhận dạng dụng cụ sử dụng ma túy tự chế. Ảnh tư liệu
Công an TP Hà Nội hướng dẫn thầy, trò Trường THCS Thái Thịnh (Hà Nội) cách nhận dạng dụng cụ sử dụng ma túy tự chế. Ảnh tư liệu

Bà Trần Thị Thanh Huế - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sóc Sơn (Hà Nội) - cho biết, Phòng đã chủ động báo cáo UBND huyện xây dựng văn bản chỉ đạo các xã, thị trấn từ đó chỉ đạo Công an các cấp phối hợp với các nhà trường đảm bảo an ninh trật tự trường học.

Theo bà Huế, hiệu trưởng các cơ sở giáo dục nhắc nhở, lưu ý đến giáo viên trong trường để phối hợp tuyên truyền phụ huynh HS về tác hại, chặn nguy cơ ma túy xâm nhập học đường.

Đặc biệt, giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm phải lồng ghép trong các giờ học để tuyên truyền cho HS những khuyến cáo của Bộ Công an, cơ quan chức năng về ma túy.

“Phụ huynh chuẩn bị đồ ăn cho HS tại nhà, cảnh báo các em không được mua đồ ăn nhanh ở phía ngoài cổng trường. Các nhà trường phối hợp với cơ quan chức năng chấn chỉnh xử lý nghiêm việc bán đồ ăn nhanh khu vực của cổng trường. Đây là việc làm cần thiết đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và phòng dịch bệnh Covid-19…”, bà Huế nhấn mạnh.

Bà Huế cũng cho biết, Phòng GD&ĐT phối hợp với Y tế huyện để xây dựng phương án vừa tổ chức dạy học vừa phòng chống dịch bệnh gửi về các nhà trường thực hiện. Đồng thời, các nhà trường phải có phương án tổ chức dạy học gửi về Phòng GD&ĐT để phê duyệt.

“Đến nay, ngành Giáo dục Sóc Sơn đã sẵn sàng đón HS trở lại trường khi được thành phố và Sở GD&ĐT cho phép trong điều kiện đảm bảo an toàn phòng, chống dịch…”, bà Huế nói.

Bà Phạm Thị Hiền - Hiệu trưởng Trường THPT Đông Anh (huyện Đông Anh, Hà Nội) - cho biết, dự kiến HS trở lại học tập từ ngày 8/11, nhà trường kết hợp tổ chức tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho HS năm học 2021 - 2022. Trong đó, sẽ lồng ghép tuyền truyền tác hại ma túy, cảnh báo ma túy ngụy trang dưới vỏ bọc kẹo, nước uống.

“Nhà trường liên hệ tổ dân phố, đặc biệt thị trấn Đông Anh kịp thời phát hiện cơ sở kinh doanh thực phẩm không đảm bảo (nếu có), bán hàng rong khu vực cổng trường. Tuyên truyền đến phụ huynh HS chuẩn bị đồ ăn ở nhà, chuẩn bị nước uống cho HS để bảo đảm an toàn phòng dịch cũng như phòng nguy cơ ngộ độc thực phẩm…”, bà Hiền chia sẻ.

Còn tại Bắc Giang, bà Nguyễn Thị Trúc Vân - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Bắc Giang - cho biết, nhà trường đặc biệt chú trọng tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho HS.

Theo đó, nhà trường mời cán bộ của Công an tỉnh Bắc Giang nói chuyện với HS toàn trường về tác hại ma túy, tệ nạn xã hội, hiện tượng mất an ninh trật tự trường học.

Đồng thời, quán triệt giáo viên chủ nhiệm nhắc nhở, cảnh báo thường xuyên đến HS về ma túy. “Ban quản sinh ký túc xá nhắc nhở HS nội trú không tự ý giao lưu với người lạ, ăn hàng quán, không sử dụng đồ ăn nhanh, thức uống có sẵn từ bán hàng rong khu vực cổng trường. Qua đó, giảm thiểu nguy cơ có thể bị mắc tệ nạn xã hội, mất an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt ma túy núp bóng vỏ bọc…”, bà Vân nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.