Cho đến nay, đã có nhiều công ty, thương hiệu lớn ngừng quảng cáo trên YouTube như Starbucks, Wal-Mart, PepsiCo, GM , Verizon và AT&T…Nhiều người cho rằng, lý do là tức giận khi quảng cáo của họ xuất hiện cùng với các đoạn video cực đoan.
Tuy nhiên, theo Inc, lời giải thích đó chưa thuyết phục bởi YouTube là trang web có lượng truy cập nhiều thứ hai thế giới với hơn một tỷ giờ xem mỗi ngày.
Inc cho rằng lý do thực sự nằm ở mối liên quan với những người tạo ra nội dung cực đoan đó trong mô hình kinh doanh của YouTube.
The New York Times viết: "YouTube phân chia doanh thu quảng cáo với người dùng, có nghĩa là các công ty có nguy cơ trực tiếp tài trợ cho người tạo ra những nội dung kích động hận thù, gây nghiện ma túy hoặc khủng bố".
Nói cách khác, nhiều công ty lo sợ rằng, một phần số tiền quảng cáo của họ sẽ trở thành quỹ cho IS tạo ra các video tuyển dụng hay cho những người cực đoan tuyên truyền về phân biệt chủng tộc cũng như làm nhiều điều sai trái khác.
Trong một bài đăng gần đây, Giám đốc Kinh doanh Philipp Schindler của Google đã "xin lỗi sâu sắc" các công ty và thương hiệu có phần quảng cáo xuất hiện kèm các nội dung cực đoan, không phù hợp với giá trị của họ.
Ông Schindler nói: "Chúng tôi biết rằng điều này là không thể chấp nhận được đối với các khách hàng đã tin tưởng vào chúng tôi. Đó là lý do tại sao chúng tôi đã tiến hành xem xét kỹ lưỡng các chính sách và công cụ quảng cáo và tại sao chúng tôi công khai cam kết thực hiện những thay đổi nhằm cho phép các khách hàng có quyền kiểm soát nhiều hơn vị trí xuất hiện quảng cáo của họ".
Ông Schindler cũng nói rằng Google sẽ hạn chế chặt chẽ hơn các nội dung xúc phạm, gây khó chịu.