Cô giáo Hoàng Thị Hồng Hạnh –Trường THPT số 1 huyện Văn Bàn (Văn Bàn – Lào Cai) - Giáo viên giỏi cấp tỉnh Lào Cai môn GDCD; tổ trưởng cốt cán GD Công dân cấp tỉnh Lào Cai, tư vấn cho HS cách ôn tập hiệu quả trước giờ G.
“Mẹo” tìm đáp án đúng khi quên kiến thức nền
Theo cô Hoàng Thị Hồng Hạnh, để làm tốt bài thi môn GDCD tốt thì việc nắm kiến thức nền trong SGK rất quan trọng nhưng ở giai đoạn này mới học kiến thức nền, hoặc học thuộc từng nội dung trong SGK thì quá muộn. Mà nếu có học thuộc kiến thức nền thời điểm này cũng không thể kịp.
Trong khi đó, môn GDCD có đặc thù khác với các môn học khác đó là nội dung kiến thức gắn liền với đời sống thực tiễn và những vấn đề liên quan mật thiết đến quyền và nghĩa vụ của HS hàng ngày.
Do đó khi làm bài, đứng trước những câu hỏi về những vấn đề pháp luật nhưng HS không thể nhớ hết những vấn đề pháp luật hay những quy định của luật pháp thì có thể đứng ở góc độ đạo đức để tìm câu trả lời đúng.
HS cần hiểu rằng, pháp luật ra đời sau đạo đức và nó có nền tảng đạo đức. Chính vì thế khi không am hiểu pháp luật hoặc vì một lý do nào đó chưa học được hết nền tảng kiến thức trong SGK thì hãy đặt mình vào trong những tình huống, phương án lựa chọn đó.
Cô Hạnh đưa ra ví dụ cụ thể: Khi câu hỏi đặt ra những hành vi nào sau đây không phải là cạnh tranh lành mạnh rồi đưa ra 4 phương án trả lời. Lúc đó HS hãy đặt mình vào vị trí của phương án định chọn để xem xã hội, mọi người có đồng tình không. Thông thường phương án đúng sẽ là phương án số đông xã hội đồng tình và cũng là phương án có nền tảng đạo đức phù hợp với quy định của pháp luật.
Ví dụ khác, có HS lựa chọn đáp án hành vi cạnh tranh lành mạnh là đầu cơ tích trữ rối loạn thị trường. Trường hợp này, HS cần đứng luôn vào vị trí của người bị động cơ tích trữ để suy luận. Ví như hộp khẩu trang 25 nghìn, nhưng có người đầu cơ tích trữ ôm hết hàng và bán giá 500 nghìn, vậy bản thân HS có thấy đúng hay ấm ức khi phải mua sản phẩm trên với giá đắt không?
Rõ ràng, HS có thể không nhớ hết quy định pháp luật nhưng hoàn toàn có thể đứng từ góc độ đạo đức chọn những phương án mà số đông xã hội đồng tình thì sẽ chọn được đáp án đúng.
Học theo từ khóa và sơ đồ tư duy
Cô giáo Hoàng Thị Hồng Hạnh khẳng định: Kiến thức nền trong SGK hết sức quan trọng nhưng nếu không thể học được toàn bộ nội dung trong SGK thì có thể học từ khóa.
Đặc biệt ở thời điểm HS sắp thi thì có thể ngồi lại để dựa trên các bài học trong SGK (chương trình lớp 12 có 9 bài, lớp 11 có 4 bài) để vẽ sơ đồ tư duy từng bài chứ không phụ thuộc vào sơ đồ tư duy của GV đưa ra sẵn trước đó. Như vậy, HS sẽ nắm được kiến thức nền tảng và không bỏ sót kiến thức GV đã đưa ra.
Cô Hạnh lưu ý, ở môn GDCD đôi khi câu hỏi nhằm ngay vào tên bài hoặc tên đề mục để hỏi chứ không như các môn học khác. Vì vậy sơ đồ tư duy là một cách hữu hiệu để HS nhớ được kiến thức nền trong SGK.
Mặt khác, đối với những câu hỏi vận dụng môn GDCD có một lợi thế là tất cả các tình huống thực tế, vấn đề thời sự đều gắn liền với cuộc sống của HS hiện tại. Khi đặt mình vào tình huống đó sẽ giúp HS không lựa chọn các phương án đi ngược lại lựa chọn của số đông.
Và để không bị nhầm lẫn thì điều nhất thiết khi làm những câu hỏi vận dụng đó là HS phải đọc câu hỏi trước xem hỏi gì. Nếu hỏi nhân vật A vi phạm pháp luật gì? thì chỉ tìm đúng nhân vật A. Còn nhân vật B, C… không quan tâm tới.
Ngoài ra, theo kinh nghiệm của cô Hạnh khi làm bài thì câu hỏi thường được bố trí từ đơn giản đến phức tạp, từ dễ đến khó. Từ câu 81- 120 được phân bố từ nhận biết, thông hiểu, vận dụng bậc thấp và vận dụng bậc cao. Và với đặc thù môn GDCD thì phần nhận biết và thông hiểu buộc HS phải tái hiện kiến thức, học thuộc kiến thức mà HS lại khá lười học thuộc.
Cũng vì thế HS hay làm phần vận dụng bậc thấp và vận dụng bậc cao trước. Dẫn tới tình huống HS làm câu sau trước và bỏ qua câu trước nên dễ bị lọt, bỏ quên. Như vậy khi làm xong bài HS phải kiểm tra lại từ đầu tới cuối xem có bỏ sót câu nào không, đã khoanh đủ 40 câu chưa…
Đặc biệt chú ý, khi làm bài HS đừng chăm chăm vào 1 vài câu mà hãy đọc bao quát từ câu 81 đến câu 120 xem câu nào dễ làm trước, câu nào chưa làm được thì để lại sau. Như vậy HS sẽ phân bổ thời gian hợp lý và làm bài hiệu quả hơn.
Cô Hoàng Thị Hồng Hạnh đặc biệt nhắc nhở HS: Không một phương thuốc nào hữu hiệu hơn trong quá trình làm bài thi và có kết quả tốt đó là để đầu óc thoải mái. HS đừng lo lắng, mất tự tin mà ảnh hưởng tới tâm lý làm bài. HS cần có chế độ nghỉ ngơi, bồi dưỡng sức khỏe, tinh thần thật hợp lý trước khi bước vào Kỳ thi.