90% kiến thức trọng tâm ở lớp 12
Nhận xét về đề thi tham khảo môn Giáo dục Công dân (GDCD) của Bộ GD&ĐT vừa công bố, cô Vũ Thị Lệ Hằng – giáo viên (GV) môn GDCD, Trường THPT Kim Sơn A (huyện Kim Sơn - Ninh Bình) cho rằng: Kiến thức trọng tâm đề nằm ở chương trình lớp 12 với 36 câu (chiếm 90%), giải đều trong các chủ đề. Chỉ có tỉ lệ nhỏ kiến thức lớp 11 với 4 câu (10%) nằm trong chủ đề Công dân với kinh tế.
Như vậy, việc kiến thức nằm chủ yếu ở lớp 12 sẽ thuận lợi rất nhiều cho HS trong quá trình học và ôn tập vì vừa học xong kiến thức khi học lại sẽ nhớ nhanh và lâu.
Mặt khác, để tham khảo năm nay đã đảm bảo đúng tiêu chí quan trọng của đề thi tốt nghiệp THPT là đảm bảo kết quả xét tốt nghiệp cho học sinh (HS) nên ở mức độ kiến thức nhẹ nhàng vừa phải.
Đề cũng phù hợp với bối cảnh dịch Covid-19 xảy ra ở nhiều tỉnh thành khiến việc học của HS bị gián đoạn.
Theo cô Vũ Thị Lệ Hằng, 36 câu hỏi liên quan đến kiến thức lớp 12 trải đều trong 9/10 bài trong SGK, xung quanh các vấn đề về: Pháp luật và đời sống; Thực hiện pháp luật; Công dân bình đẳng trước pháp luật; Quyền bình đẳng của công dân trong một số lĩnh vực đời sống; Quyền bình đẳng giữa các dân tộc, tôn giáo; Công dân với các quyền tự do cơ bản…
Riêng bài 10: Pháp luật với hòa bình và sự phát triển tiến bộ của nhân loại đã trở thành bài đọc thêm. Vì vậy HS chỉ cần đọc qua tham khảo, còn lại chú trọng học kiến thức nằm trong 9 bài.
Cũng theo phân tích, của cô Hằng, các câu có mức độ vận dụng cao thường rơi vào chuyên đề: Công dân với quyền tự do cơ bản; Công dân với các quyền tự do dân chủ… bởi kiến thức của 2 chuyên đề này cung cấp cho HS hiểu biết các quyền cơ bản gần gũi, thiết thực, gắn liền với HS trong đời sống.
Phương pháp học hiệu quả
Từ phân tích đề thi tham khảo, cô Vũ Thị Lệ Hằng cho rằng thầy cô bộ môn cần xây dựng kế hoạch ôn tập chi tiết và theo kế hoạch chung của từng trường. Đề cương ôn tập đảm bảo giúp HS nắm chắc kiến thức cơ bản để đạt điểm tối đa trong những câu hỏi nhận biết và thông hiểu.
Với mảng kiến thức lớp 12, HS cần học đủ và chắc lý thuyết chung, không nên bỏ qua bài nào bởi như vậy sẽ giúp hiểu sâu kiến thức và làm đúng phần vận dụng tình huống trong bài thi.
Ở kiến thức lớp 11, HS cần lưu ý lý thuyết 5 bài đầu bởi nội dung thi thường rơi vào các phần như: Yếu tố của quá trình sản xuất; chức năng của tiền tệ; tác động của quy luật giá trị; mối quan hệ cung - cầu; chức năng của thị trường.
Khi ôn tập, HS cần làm đi làm lại các câu hỏi trắc nghiệm để vững kiến thức và cách làm. Cần rèn kĩ năng xác định câu hỏi trước, sau đó khoanh vùng câu hỏi xem khu trú vào đơn vị kiến thức ở bài nào? muốn hỏi gì?, xác định từ khóa trong câu hỏi... Sau đó gợi nhớ kiến thức cơ bản trong sách và quyết định chọn câu trả lời.
Để ôn tập hiệu quả, HS cần phân chia theo từng nhóm có trình độ, tiếp thu phù hợp rồi mới đưa ra phương pháp học và ôn cụ thể.
Thông qua các tiết ôn tập cần tự hệ thống hóa kiến thức bằng phương pháp sơ đồ tư duy cho từng chủ đề; HS cũng có thể nhận diện kiến thức bằng các từ khóa gợi nhớ.
Cô Vũ Thị Lệ Hằng lưu ý, quá trình làm bài, khi đã xác định được lệnh hỏi, hỏi cái gì thì gạch chân ngay để tránh nhầm lẫn, hoặc quên. Điều đó cũng giúp định hướng vấn đề, kiến thức không bị lạc đề…
Đối với đề thi tham khảo, có thể coi đây là chỉ dẫn quan trọng cho cả GV và HS trong công tác ôn tập đúng hướng. Tuy nhiên đề thi tham khảo không phải là tất cả kiến thức HS cần học bởi trong 1 đề thi không thể bao quát hết các mảng kiến thức.
Như vậy, HS vẫn cần học đủ, học chắc tất cả kiến thức trong giới hạn ôn tập. Không căn cứ một cách cứng nhắc đề thi tham khảo để loại trừ mảng kiến thức nào đó. Chỉ có ôn tập đầy đủ, hệ thống kiến thức rõ ràng mới giúp HS tự tin yên tâm làm bài thi và đạt điểm cao.
* "Bí quyết bỏ túi" cho thí sinh dự kỳ thi tốt nghiệp THPT - xem TẠI ĐÂY