Theo cô Hương, để đạt điểm cao môn GDCD không khó, tuy nhiên dưới sự hướng dẫn của giáo viên, học sinh cần chăm chỉ ôn tập. 4 kỹ năng học sinh cần rèn luyện là: Học và làm các câu hỏi trắc nghiệm, viết sơ đồ tư duy; cùng nhau trao đổi, truy bài; nhận biết dạng biểu đồ, phân tích bảng số liệu; phân phối thời gian hợp lí khi làm bài.
Để ôn tập tốt môn học, cô Hương xây dựng theo các chủ đề. Mỗi chủ đề sẽ có cấu trúc, mức độ khác nhau dựa trên đề minh họa của Bộ GD&ĐT.
Cô Hương phân tích: Theo như đề minh họa đưa ra, chủ đề “Pháp luật và đời sống” có 7 câu, trong đó Nhận biết 3 câu, Thông hiểu 2 câu và 2 câu Vận dụng thấp. Chủ đề này không khó khi học sinh chỉ cần nắm được khái niệm pháp luật, các đặc trưng và vai trò của pháp luật.
Hay như chủ đề “Công dân bình đẳng trong một số lĩnh vực của đời sống xã hội” sẽ có 10 câu. Trong đó, 3 câu Thông hiểu, 2 câu Nhận biết, 3 câu Vận dung thấp và Vận dụng cao 2 câu... Chủ đề này, cô Hương nhấn mạnh kiến thức: Bình đẳng trong hôn nhân và gia đình; Bình đẳng trong lao động; Bình đẳng trong kinh doanh.
Mỗi chủ đề ôn tập cô giáo hướng dẫn học sinh các hoạt động cụ thể.
Thứ nhất: Căn cứ vào kế hoạch ôn thi, học sinh chủ động chuẩn bị nội dung ôn tập ở nhà theo từng chủ đề. Sau đó các em xây dựng dàn ý chi tiết của chủ đề ôn, có thể trình bày sơ đồ tư duy.
Thứ hai: Để việc ôn tập hiệu quả, cô Hương phân công mỗi buổi học là một nhóm phụ trách phần kiểm tra, báo cáo kết quả chuẩn bị. Các nhóm trưởng thống kê và báo cáo kết quả phần chuẩn bị ở nhà của các thành viên về: số lượng thành viên đã chuẩn bị dàn ý, sản phẩm...Học sinh chữa chéo dàn ý đã chuẩn bị theo cặp hoặc theo nhóm,… Quá trình đó, cô giáo có thể đưa thông tin phản hồi để cả lớp bàn luận thêm, học sinh khắc sâu kiến thức khi cô chỉnh sửa bài.
Thứ ba: Khi nắm chắc kiến thức, cô Hương cho học sinh trả lời các câu hỏi trắc nghiệm theo mức độ khác nhau.
Kết quả ôn tập của học sinh được đánh giá qua các bài kiểm tra viết và một số đề thi thử. Để trò nắm vững kiến thức, rèn luyện kỹ năng cho kỳ thi cô Hương xây dựng các đề thi thử cùng hướng dẫn chấm chi tiết, học trò tự chấm cho nhau.
Với những học sinh tham gia thi cao đẳng và đại học, cô giáo tăng cường mức độ vận dụng cao, vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết tình huống thực tiễn. Ngoài ra, cô định hướng học sinh lựa chọn, tham khảo thêm các nguồn học liệu khác như: Tài liệu hướng dẫn ôn thi tốt nghiệp phổ thông tài liệu ôn thi đại học, các trang thông tin chuyên ngành trên mạng Internet, theo dõi tình hình thời sự trong nước và thực tiễn của quê hương,…
Cô Hương chia sẻ, nhiều học sinh chưa ý thức được tầm quan trọng của môn học trong kỳ thi tốt nghiệp THPT nên có tâm lý thờ ơ. Vì thế, để học sinh có hứng thú với môn học, cô Hương thường dành thời gian trò chuyện với các em về mục tiêu, động lực học tập; động viên trò bằng cách mua đồ ăn, nước uống cho các em trong giờ giải lao và khen thưởng kịp thời với học sinh đạt điểm 8,9,10 qua các lần kiểm tra, thi thử.