Luồng gió mới dạy học Ngữ văn

GD&TĐ - Việc thầy cô chú trọng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của HS trong cả dạy học và kiểm tra đánh giá bước đầu tạo luồng gió mới.

Thúc đẩy tính chủ động, sáng tạo của học sinh trong môn Ngữ văn được triển khai từ bậc THCS và THPT. Ảnh minh họa
Thúc đẩy tính chủ động, sáng tạo của học sinh trong môn Ngữ văn được triển khai từ bậc THCS và THPT. Ảnh minh họa

Giáo viên là người đồng hành, dẫn dắt, định hướng

“Nhưng cảm xúc này nhanh chóng qua đi sau tiết học Ngữ văn đầu tiên với cô Lê Hải Châu. Cô giáo dành nhiều thời gian cho các hoạt động thực hành, vận dụng, trình bày, thảo luận, giúp chúng em rèn luyện cả kỹ năng nghe, nói, đọc, viết và cảm thụ văn học. Tiết học với sự tương tác thường xuyên giữa cô và trò, giữa học sinh với nhau nên khá sôi động, hào hứng.

Đặc biệt, hình thức kiểm tra đánh giá rất đa dạng. Chúng em không phải chỉ làm bài trên giấy, trả lời những câu hỏi khô khan mà được lấy điểm qua dự án học tập, các cuộc tranh biện, hùng biện…” - Đặng Mai Anh chia sẻ.

Cảm xúc của Đặng Mai Anh, học sinh lớp 10T2, Trường THPT Ban Mai - Hà Đông (Hà Nội) trước những tiết Ngữ văn đầu tiên ở THPT là lo lắng. Lo vì lần đầu học theo chương trình mới, tiếp xúc với những tác phẩm, cách dạy học mới. Bên cạnh đó, em cũng được biết thầy cô, nhà trường sẽ thực hiện quyết liệt hơn việc đổi mới dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn sau khi có hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.

Cho biết yêu cầu đổi mới trong dạy học Ngữ văn của Bộ GD&ĐT đang được thực hiện nghiêm túc, cô Nguyễn Thị Ngọc Ánh, giáo viên Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (huyện Mỏ Cày Nam, Bến Tre) đồng thời chia sẻ thẳng thắn những khó khăn trong quá trình triển khai. Theo đó, do học sinh lớp 10 năm học này chưa được tiếp cận với Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nên còn lúng túng trong cách tiếp cận nội dung; đặc biệt năng lực viết và nói nghe của các em còn hạn chế.

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất chưa đáp ứng thật tốt cho thực hiện chương trình mới ở tất cả lớp học. Việc không sử dụng lại các ngữ liệu đã học để ra đề tạo sự chủ động, linh hoạt trong kiểm tra đánh giá, nhưng đồng thời cũng là khó khăn cho giáo viên trong lựa chọn ngữ liệu phù hợp.

Trước những khó khăn này, cô Nguyễn Thị Ngọc Ánh cho biết, giáo viên Tổ Ngữ văn của trường đã tham gia tập huấn Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đầy đủ, nghiêm túc; không ngừng học tập, trau dồi nâng cao năng lực chuyên môn. Thầy cô thường xuyên trao đổi, rút kinh nghiệm sau các giờ dạy để tìm ra phương pháp dạy tương đối phù hợp với tất cả học sinh của trường.

“Chúng tôi luôn cố gắng là người đồng hành, dẫn dắt, định hướng học sinh trong quá trình học; giúp các em mạnh dạn, chủ động tiếp cận phương pháp học tập mới nhằm phát huy phẩm chất, năng lực. Một trong những cách làm khá hiệu quả là tổ chuyên môn tổ chức các sân chơi văn học (ngoại khóa, dạy học dự án, trải nghiệm...) nhằm phát huy phẩm chất và năng lực, tạo hứng thú học tập cho học sinh.

Thầy cô trong Tổ Ngữ văn đồng thời nghiên cứu kỹ các văn bản quy định về đổi mới kiểm tra, đánh giá để thực hiện một cách tốt nhất. Theo đó, đánh giá cả quá trình học và sau quá trình học. Thay vì chỉ kiểm tra theo định kỳ như trước đây, giáo viên lắng nghe học sinh trình bày, giải thích, từ đó đánh giá năng lực của các em; đánh giá bằng cả nhận xét và điểm số” - cô Nguyễn Thị Ngọc Ánh cho hay.

Cô Nguyễn Thị Ngọc Ánh, giáo viên Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai và học trò trong giờ Ngữ văn.

Cô Nguyễn Thị Ngọc Ánh, giáo viên Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai và học trò trong giờ Ngữ văn.

Chú trọng đề mở, đa dạng hình thức đánh giá

Triển khai đổi mới kiểm tra đánh giá môn Ngữ văn, cô Vũ Thị Hương, giáo viên Trường THCS thị trấn Tuần Giáo (huyện Tuần Giáo, Điện Biên) cùng đồng nghiệp nghiên cứu kỹ văn bản để triển khai đáp ứng yêu cầu. Điểm mới đáng chú ý là hình thức đánh giá phong phú hơn; kết hợp giữa trắc nghiệm khách quan, câu trả lời ngắn và câu hỏi tự luận.

Tổ Ngữ văn đã thảo luận đưa ra cấu trúc đề kiểm tra định kỳ; lưu ý khi xây dựng đề cả về lựa chọn ngữ liệu đọc hiểu, câu hỏi, các phương án trả lời trong câu trắc nghiệm… Chú trọng xây dựng đề mở để phát huy khả năng sáng tạo của học sinh. Đặc biệt, quán triệt việc lấy ngữ liệu ngoài sách giáo khoa để xây dựng đề đọc hiểu và viết.

Tại Trường THPT Phú Bài (Thừa Thiên - Huế), cô Hồ Thị Lệ Hằng, Tổ trưởng chuyên môn Ngữ văn, cho biết: Tổ Ngữ văn đã thảo luận, trao đổi trong các buổi họp chuyên môn về xây dựng kế hoạch giáo dục bộ môn phù hợp thực tế nhà trường. Riêng khối 10, thầy cô chú trọng thảo luận về dạy học theo đặc trưng thể loại; dạy học chú trọng rèn luyện kỹ năng đọc - nói - nghe - viết cho học sinh; cách triển khai hoạt động dạy học trong tiết dạy cụ thể; lựa chọn ngữ liệu ngoài sao cho phù hợp…

Tổ chuyên môn cũng thống nhất thực hiện đa dạng hình thức kiểm tra, đánh giá, như: Xây dựng bài kiểm tra trắc nghiệm khách quan, kiểm tra tự luận, kiểm tra trắc nghiệm kết hợp với tự luận, bảng hỏi ngắn… Việc đánh giá thường xuyên thực hiện linh hoạt, học đến đâu đánh giá đến đó, ghi nhận bảng kiểm, thang đánh giá để quan sát sự chuyển biến về hành động, thái độ và cảm xúc của học sinh. Đánh giá định kỳ được thực hiện theo đúng tinh thần mục tiêu của Chương trình GDPT 2018.

Để đánh giá đúng năng lực đạt được của người học, đề kiểm được giáo viên xây dựng theo hướng mở, căn cứ vào yêu cầu cần đạt của chương trình. Giáo viên chủ động trong việc tìm ngữ liệu ngoài sách giáo khoa để xây dựng đề kiểm tra, cụ thể thang điểm - đáp án thành bảng đánh giá theo tiêu chí.

Trao đổi về đánh giá học sinh với môn Ngữ văn, PGS.TS Bùi Mạnh Hùng, Tổng Chủ biên SGK Tiếng Việt - Ngữ văn, bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống, chia sẻ một số định hướng: Việc đánh giá cần bảo đảm học sinh được bộc lộ, thể hiện phẩm chất, năng lực ngôn ngữ, năng lực văn học của chính mình. Đồng thời, học sinh cần được giáo viên hướng dẫn tìm hiểu, nắm rõ các tiêu chí đánh giá để tự đánh giá và đánh giá lẫn nhau. Việc thiết kế đề kiểm tra, đánh giá cuối học kỳ và cuối năm học thực hiện theo hướng dẫn của các cấp quản lý.

Tuy nhiên, PGS.TS Bùi Mạnh Hùng lưu ý, các hướng dẫn này cũng phải phù hợp với định hướng của chương trình. Cụ thể là sử dụng và khai thác ngữ liệu bảo đảm đánh giá năng lực của học sinh, khắc phục tình trạng chỉ học thuộc, sao chép; tránh dùng lại các ngữ liệu văn bản đã học.

Liên quan đến nội dung thiết kế đề kiểm tra, đánh giá, PGS.TS Bùi Mạnh Hùng nêu quan điểm: Với môn Ngữ văn, đánh giá bằng hình thức tự luận là phù hợp. Các câu hỏi trắc nghiệm khách quan chủ yếu chỉ để kiểm tra kỹ năng đọc hiểu ở mức độ nhận biết, đặc biệt là đọc hiểu văn bản thông tin.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Dựa cậy và níu kéo

GD&TĐ - Mười sáu năm sau khi ký kết thoả thuận liên quan, Mỹ đã khánh thành căn cứ phòng thủ tên lửa đầu tiên trên lãnh thổ Ba Lan.