Thay đổi dạy học Ngữ văn, Lịch sử bắt đầu từ đổi mới kiểm tra, đánh giá

GD&TĐ - Tại Hội thảo đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn, Lịch sử ở trường phổ thông, nhiều đại biểu cho rằng, đổi mới phương pháp giáo dục hai môn học trên là chưa đủ, điều quan trọng và tiên quyết là phải đổi mới kiểm tra, đánh giá.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Giúp trò rút ra bài học

Thầy Nguyễn Đức Cương, Khoa Sử, Trường Đại học Sư phạm Huế cho rằng, dạy học Lịch sử bước đầu là tái hiện lại lịch sử qua các sự kiện, tiếp đó là hình thành nhận thức, tư duy, giúp học trò rút ra bài học, biết vận dụng kiến thức vào thực tiễn.

Trong khung chương trình có yêu cầu cần đạt, thầy cô lấy đó là căn cứ để xác định mục tiêu, chọn lựa phương pháp để giảng dạy cho học trò. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là đổi mới phương pháp giáo dục đi đôi với đổi mới kiểm tra đánh giá.

Khẳng định đổi mới dạy học phải gắn liền với đổi mới kiểm tra đánh giá bởi thực tế phụ huynh và học sinh đang có quan điểm học để thi. Nếu không đổi mới kiểm tra đánh giá khó tránh được lối dạy truyền thống.

Chia sẻ quan điểm cá nhân, cô Nguyễn Thị Hiền, Phó Hiệu trưởng THPT chuyên Thái Bình, tỉnh Thái Bình cũng thẳng thắn nhìn nhận: Phương pháp dạy học đổi mới mới phát huy được phẩm chất năng lực của học sinh nhưng ở Thái Bình nhiều trường còn khó khăn về cơ sở vật chất, phương tiện hỗ trợ dạy học còn hạn chế. Bên cạnh đó, một bộ phận thầy cô ngại đổi mới, lúng túng trong cách làm, mong muốn có tài liệu minh hoạ cụ thể về đổi mới bộ môn nên rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống để tăng cường điều kiện phục vụ dạy học cũng như bồi dưỡng cho đội ngũ.

Thầy Lê Văn Thắng, giáo viên Ngữ văn Trường THCS Trần Phú, quận Lê Chân, TP Hải Phòng bày tỏ sự đồng tình với đổi mới phương pháp giáo dục, đặc biệt môn Ngữ văn. Với việc ra đề kiểm tra theo hướng mở, ngoài SGK là sự đổi mới trong kiểm tra, đánh giá. “Thầy cô cần phân biệt giữa văn mẫu và làm theo mẫu. Bởi văn mẫu là gợi ý cho học sinh hình dung ra cách làm bài, là phương tiện công cụ cho học sinh”, thầy Thắng lưu ý.

Nhiều năm nay, ngành Giáo dục Hải Phòng đã bắt nhịp đổi mới trong kiểm tra đánh giá bằng cách ra đề Ngữ văn trong kỳ thi vào 10 theo hướng mở. Cách làm này nhận được sự ủng hộ tích cực của giáo viên và phụ huynh học sinh.

Cô Đặng Thị Anh, giáo viên Ngữ văn Trường THCS An Đồng, huyện An Dương, TP Hải Phòng cho rằng, việc đổi mới trong cách ra đề thi trong kỳ thi vào 10 của thành phố phù hợp với xu thế chung. Từ đó thay đổi tư duy của học sinh và cách dạy của giáo viên. Phần đọc hiểu trong đề Ngữ văn vào 10 năm nay là một ngữ liệu ngoài SGK, nên không có việc học sinh học tủ, trúng tủ. Để làm được bài, các em phải có kỹ năng đọc hiểu văn bản, biết vận dụng những kiến thức chung. Cách ra đề như này sẽ tiệm cận đổi mới hình thức kiểm tra, đánh giá.

Ảnh minh họa/ INT

Ảnh minh họa/ INT

Chấm dứt “cầm tù” cảm xúc vì văn mẫu

Còn văn mẫu còn “cầm tù” cảm xúc, tình cảm là “dập khuôn” theo cảm xúc của người khác. Vì thế, cần thủ tiêu cách dạy văn theo lối đọc chép để làm bài, trả bài.

Theo thầy Bùi Minh Đức, Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, dạy văn theo mẫu có nguyên nhân chủ quan và khách quan. Điều này, bắt nguồn từ việc các trường sư phạm đào tạo đội ngũ giáo viên theo cách truyền thụ một chiều, kiến thức hàn lâm; thậm chí nhiều nơi còn dạy đọc chép, ảnh hưởng lớn đối với chất lượng giáo viên. Nhiều sinh viên ra trường khó khăn khi tiếp cận các kiến thức ngoài SGK, vì thế việc dạy và hướng dẫn học sinh rất khó.

Bên cạnh đó là nhận thức dạy văn theo “lối mòn” của giáo viên; chương trình SGK, tài liệu hướng dẫn giáo viên chưa thay đổi; thói quen của phụ huynh, học sinh học để thi khiến đổi mới dạy học khó khăn. Vì thế cần thay đổi kiểm tra, đánh giám dần dần sẽ lan tỏa, tạo thói quen đổi mới.

Là giáo viên Ngữ văn ở Lào Cai, cô Đỗ Thu Hà - Trường THPT số 1, TP Lào Cai mong muốn được tư vấn, bồi dưỡng nâng cao phương pháp dạy học phù hợp với học sinh vùng cao để đạt mục tiêu giáo dục.

Dạy học môn Ngữ văn theo hướng rộng mở trí tưởng tượng là vô cùng cần thiết nhưng với các tỉnh còn khó khăn về đội ngũ, thẩm định, chấm bài cho học sinh rất cần chỉ đạo kịp thời định hướng kiểm tra, đánh giá, nhất là học sinh học theo chương trình hiện hành.

Cho rằng đổi mới giáo dục có nhiều vấn đề phải bàn, cô Phạm Thị Thu Hiền, Giảng viên Khoa Sư phạm, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội quan tâm đến việc đào tạo bồi dưỡng giáo viên và đổi mới kiểm tra đánh giá.

Trường Đại học Giáo dục thường xuyên có rà soát, cập nhật đổi mới so với thực tiễn, vì thế sinh viên ra trường nhanh chóng bắt nhịp yêu cầu. Nhưng đội ngũ giáo viên hiện nay nhiều người chưa tiếp cận kịp nên cần bồi dưỡng thường xuyên, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ. Cô Hiền đồng quan điểm, phải có sự đồng bộ giữa dạy và thi mới giải quyết dứt điểm vấn đề đổi mới dạy học.

Cô Nguyễn Thanh Thuý, chuyên viên Lịch sử, Phòng Trung học, Sở GD&ĐT Hải Dương bày tỏ mong muốn, bên cạnh việc bồi dưỡng giáo viên, ngành cần quan tâm giảm áp lực cho thầy cô trong việc đánh giá theo chuẩn nghề nghiệp, đánh giá xếp loại viên chức vì nhiều tiêu chí chung chung, chồng chéo, để họ dành thời gian đầu tư cho chất lượng chuyên môn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ