Ý nghĩa to lớn
Tại phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 6/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 95/NQ-CP ngày 07/7/2023.
Theo đó, Chính phủ thông qua đề xuất của Bộ GD&ĐT về sự cần thiết ban hành Luật Nhà giáo, đồng thời lưu ý rằng “xây dựng Luật Nhà giáo là luật mới, khó, đối tượng rộng, tác động lớn, liên quan đến nhiều luật, cần có chính sách ưu tiên về nguồn lực và tổ chức thực hiện”.
Thủ tướng giao Bộ GD&ĐT khẩn trương tiến hành công việc, đảm bảo tiến độ thông qua Chính phủ vào tháng 3 năm 2024 và trình Quốc hội vào kỳ họp thứ Tám Quốc hội khóa XV.
Nhiệm vụ nghiên cứu xây dựng trình Quốc hội ban hành Luật Nhà giáo được đặt ra từ năm 2004 tại Chỉ thị 40. Tuy nhiên, đến nay gần 20 năm nhiệm vụ này chưa hoàn thành sau 2 lần bị hoãn. Đến 2022, Bộ GD&ĐT tiếp tục đề nghị Quốc hội cho phép xây dựng Luật Nhà giáo nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến tiêu chuẩn, tuyển dụng, quản lý, đãi ngộ, tôn vinh…
Có thể khẳng định, Luật Nhà giáo đã được ngành giáo dục nói chung, đội ngũ nhà giáo nói riêng, mong ngóng, chờ đợi cũng như đặt nhiều kỳ vọng vào những tác động tích cực mà Luật sẽ mang lại khi được thông qua.
Đã có thâm niêm công tác lâu năm trong ngành giáo dục, thầy giáo Nguyễn Văn Lự - giáo viên môn Ngữ văn tại Trường THPT Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) không giấu được niềm vui khi biết Chính phủ đã thông qua đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo về sự cần thiết ban hành Luật Nhà giáo. Thầy Lự cho rằng, khi Luật Nhà giáo được ban hành sẽ cụ thể hóa được quyền lợi, trách nhiệm của nhà giáo cũng như chế độ đặc thù của ngành; vị thế của nhà giáo cũng được nâng cao hơn.
Thầy Lự cho biết: Luật Nhà giáo sẽ có nghĩa rất lớn đối với các thế hệ nhà giáo từ người đã nghỉ dạy đến người đang mơ ước vào nghề. Những người đang làm và sẽ làm nghề dạy học sẽ yên tâm và tin tưởng, yêu nghề và tận tâm với nghề trọn đời.
“Luật Nhà giáo làm cơ sở để các tổ chức xã hội như Công đoàn, Hội giáo chức…bảo vệ các quyền và lợi ích của nhà giáo. Các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội dựa vào Luật để xây dựng chính sách và thực hiện các chính sách về Nhà giáo. Nhà giáo muốn được hưởng tiền lương và đãi ngộ tương xứng, nếu được Luật hóa thì việc thực hiện không khó. Việc khởi kiện, tranh chấp đến quyền lợi, danh dự nhà giáo sẽ thuận lợi hơn việc cần lại dựa vào những bộ Luật khác xử lí”, thầy Lự khẳng định.
Giờ ôn tập Ngữ văn của thầy giáo Nguyễn Văn Lự và học sinh Trường THPT Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc). Ảnh tư liệu |
Cần những quy định cụ thể
Hiện biên chế sự nghiệp của ngành giáo dục chiếm khoảng 70% tổng biên chế sự nghiệp của cả nước. Đây là lực lượng đông đảo nhất trong tổng số công chức, viên chức của tất cả các ngành/lĩnh vực, có vai trò quan trọng trong sự phát triển của đất nước. Thống kê toàn quốc hiện có khoảng 1,6 triệu nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đang làm việc trong cả hai khối công lập và ngoài công lập.
Hiện nay, nhà giáo được đồng nghiệp, người thân, nhân dân, học sinh và cơ quan nhà nước vinh danh, tôn trọng, khi mọi thứ đều tuyệt vời, không phát sinh mâu thuẫn.
Tuy nhiên, khi có sự việc mẫu thuẫn xảy ra, nhà giáo thường bị xử theo tình tiết tăng nặng và áp lực về danh dự của nghề rất lớn. Sự không công bằng đó, nhiều người cho rằng bắt nguồn từ sự chung chung về tiêu chuẩn và quyền lợi, nghĩa vụ của nhà giáo.
Vì vậy nhiều cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên mong muốn khi xây dựng Luật Nhà giáo cần có những quy định cụ thể trong việc bảo vệ quyền lợi, danh dự, nhân phẩm của giáo viên.
Thầy giáo Nguyễn Văn Lự chia sẻ: Những nhà giáo chân chính và có chuyên môn giỏi thường có cá tính, ngay thẳng, không ngai nói ra những khuất lấp nhưng nhiều khi họ bị loại dần bằng những biểu quyết số đông, vô lý mà không có cơ sở nào bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhà giáo tốt đó. Luật Nhà giáo sẽ đem lại sự tin yêu nghề và tự hào về nghề cho hàng triệu nhà giáo nước ta. Đây sẽ là cơ sở để nhà giáo, một đối tượng, một chủ thể trong xã hội được Luật pháp bảo hộ bằng định nghĩa và biện pháp, chính sách cụ thể.
Góp ý tâm huyết vào việc xây dựng Luật Nhà giáo, thầy giáo Nguyễn Thế Lượng - Phó Hiệu trưởng trường THPT Hạ Hòa (Phú Thọ) cũng cho rằng, khi biên soạn và ban hành Luật Nhà giáo, chúng ta cần nghiên cứu và đưa vào những vấn đề vừa mang tính tổng quan, vừa mang tính cụ thể về các vấn đề liên quan đến nhà giáo.
Trong đó, cần xây dựng chi tiết, cụ thể các bộ tiêu chí của Luật về các quy định nhà giáo phải thực hiện, về các chế độ chính sách, về hoạt động giảng dạy hàng ngày của nhà giáo. Cần có sự tích hợp các quy định về nhà giáo ở nhiều văn bản khác nhau để đưa vào Luật Nhà giáo để đảm bảo sự thống nhất, toàn diện khi áp dụng vào thực tiễn giáo dục.