Kế hoạch bài dạy theo Chương trình GDPT 2018:

Mở rộng biên độ sáng tạo cho giáo viên

GD&TĐ - Với mỗi giáo viên việc xây dựng Giáo án, nay gọi là Kế hoạch bài dạy là những việc đầu tiên và quan trọng nhất trong thực hiện chương trình mới.

Thí sinh TPHCM sau thi môn Ngữ văn tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023. Ảnh: INT
Thí sinh TPHCM sau thi môn Ngữ văn tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023. Ảnh: INT

Từ góc độ một giáo viên THPT, trong phạm vi bài viết này, tôi xin đề cập, trao đổi một số vấn đề cần lưu ý khi xây dựng Kế hoạch bài dạy theo chương trình mới nhất đối với môn Ngữ văn.

Năm học 2023 - 2024 đang đến gần, ngành Giáo dục cũng như nhà trường, tổ nhóm chuyên môn và mỗi giáo viên đang bắt tay vào xây dựng các kế hoạch giáo dục cho năm học mới, năm học này chúng ta đang tiếp tục thực hiện Chương trình GDPT 2018 đối với các khối lớp 3, 8, 11.

Với mục tiêu dạy học phát triển năng lực, phẩm chất học sinh đòi hỏi mỗi giáo viên cũng phải tích cực nắm bắt chương trình, đổi mới phương pháp dạy học để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

Việc xây dựng Kế hoạch bài dạy của Chương trình GDPT 2018 đang được thực hiện theo Công văn 5512 của Bộ Giáo dục và Đào tạo với những yêu cầu cơ bản về Mục tiêu (về kiến thức, kỹ năng, phẩm chất); Thiết bị dạy học và học liệu; Tiến trình dạy học gồm: Xác định vấn đề/ nhiệm vụ học tập/ Mở đầu, Hình thành kiến thức mới/ giải quyết vấn đề, Luyện tập, Vận dụng.

Chuyển giao nhiệm vụ học tập

Một trong những yêu cầu quan trọng được thể hiện trong Giáo án là cách tổ chức hoạt động dạy học từ việc Chuyển giao nhiệm vụ học tập: Nhiệm vụ học tập rõ ràng và phù hợp với khả năng của học sinh, thể hiện ở việc nêu vấn đề, hướng dẫn cách thực hiện và yêu cầu về sản phẩm mà học sinh phải hoàn thành khi thực hiện nhiệm vụ; hình thức giao nhiệm vụ sinh động, hấp dẫn, kích thích được hứng thú nhận thức của học sinh; đảm bảo cho tất cả học sinh tiếp nhận và sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ.

Cùng với đó là việc Tổ chức cho học sinh thực hiện nhiệm vụ học tập: Khuyến khích học sinh hợp tác, giúp đỡ nhau khi thực hiện nhiệm vụ học tập; phát hiện kịp thời những khó khăn của học sinh và có biện pháp hỗ trợ kịp thời, phù hợp, hiệu quả; không “bỏ quên” học sinh nào. Sau đó là trình bày kết quả làm việc, thảo luận của học sinh và đánh giá, kết luận của giáo viên.

Ngoài ra, các nhóm chuyên môn, các nhà trường cũng cần thường xuyên tổ chức trao đổi chuyên môn, dạy học, dự giờ theo hướng nghiên cứu bài học để đúc kết những kinh nghiệm hữu ích trong việc giảng dạy theo chương trình mới nhất là những bài, những đơn vị kiến thức mới được đưa vào chương trình.

Việc tổ chức các chuyên đề chuyên môn cũng cần tránh hình thức mà cần tập trung chú trọng xây dựng Kế hoạch bài dạy, phương pháp dạy học nhằm phát huy tính chủ động của giáo viên tính tích cực của học sinh trong giờ học cũng như vận dụng kiến thức đó vào cuộc sống.

Việc huy động trí tuệ tập thể trong xây dựng Kế hoạch bài dạy là rất cần thiết đặc biệt với những bài mới được đưa vào chương trình sách giáo khoa, tuy nhiên đó mới chỉ là những định hướng mang tính khung sườn để sử dụng vào mỗi tiết học cụ thể đòi hỏi bản thân mỗi giáo viên cần nghiên cứu thay đổi, bổ sung cho phù hợp với từng lớp, từng nhóm học sinh. Trong quá trình xây dựng Kế hoạch bài dạy mỗi giáo viên cần chú ý đến các hoạt động để tạo sự liên tục, xâu chuỗi trong việc hình thành kiến thức ở học sinh.

Không phải là kịch bản cứng nhắc

Một điều cần lưu ý là Kế hoạch bài dạy không hoàn toàn là một kịch bản cố định như của một MC dẫn chương trình, mỗi giáo viên cần phải hoàn toàn linh hoạt trong quá trình tổ chức dạy học nhất là trước những tình huống trong bài học, những vấn đề còn chưa thống nhất, còn tranh luận trái chiều.

Để chủ động trong mọi tình huống nhất thiết mỗi giáo viên phải nghiên cứu bài học để xây dựng cho mình một Kế hoạch bài dạy cụ thể của riêng mình. Một vài năm gần đây do các cơ sở giáo dục thay đổi hình thức kiểm tra, ký duyệt giáo án/ Kế hoạch bài dạy từ hình thức viết tay trước đây sang hình thức giáo án in và giáo án điện tử nên có hiện tượng mua bán giáo án.

Việc mua bán này sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy đáng tiếc nếu giáo viên chủ quan không tìm tòi, nghiên cứu bài học bởi nhiều giáo án rất chung chung, kiến thức không được kiểm chứng, diễn đạt dài dòng, khó hiểu...

Để khắc phục tình trạng này thiết nghĩ các cấp quản lý giáo dục nhất là ở các địa phương cũng cần thay đổi hình thức quản lý, kiểm tra giáo án, tránh việc kiểm tra nặng về hình thức.

Cần để giáo viên linh hoạt trong xây dựng Kế hoạch bài dạy, không nhất thiết tuần tự các bước, các đề mục, không phải điều gì trong bài học cũng phải được thể hiện hết ra trên giáo án. Giáo án có thể kế thừa những giáo án đã xây dựng những năm học trước đây đồng thời có thể liên tục điều chỉnh, bổ sung sau mỗi tiết dạy để đạt hiệu quả cao hơn.

Khi triển khai thực hiện Công văn 5512, Bộ GD&ĐT cũng nhấn mạnh: Kế hoạch bài dạy không cần nêu cụ thể lời nói của giáo viên, học sinh mà tập trung mô tả rõ hoạt động cụ thể của giáo viên: Giáo viên giao nhiệm vụ/ yêu cầu/ quan sát/ theo dõi/ hướng dẫn/ nhận xét/ gợi ý/ kiểm tra/ đánh giá; học sinh thực hiện/ đọc/ nghe/ nhìn/ viết/ trình bày/ báo cáo/ thí nghiệm/ thực hành.

Việc xây dựng Kế hoạch bài dạy nhất thiết phải mang tính khoa học, tính sư phạm, tính hệ thống và dễ thực hiện. Tuy nhiên Kế hoạch bài dạy có tốt đến mấy cũng chưa đủ, để thực hiện nó giáo viên cần sử dụng những phương pháp, kỹ thuật dạy học phù hợp thì mới phát huy hết hiệu quả. Trong những năm gần đây việc đổi mới phương pháp dạy học luôn luôn được ngành Giáo dục quan tâm điều đó cũng giúp giáo viên không ngừng đổi mới đề đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ nhất là từ khi thực hiện Chương trình GDPT 2018.

Hoàng Thị Thu Hương, học sinh Trường THPT Đồng Đậu, huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc) giành giải Nhất môn Ngữ văn Kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh năm học 2022-2023. Ảnh: INT

Hoàng Thị Thu Hương, học sinh Trường THPT Đồng Đậu, huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc) giành giải Nhất môn Ngữ văn Kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh năm học 2022-2023. Ảnh: INT

Đặc thù của môn Ngữ văn

Đối với môn Ngữ văn, việc xây dựng Kế hoạch bài dạy ngoài việc đáp ứng những yêu cầu chung của một giáo án theo quy định chung của Bộ, mỗi giáo viên khi xây dựng giáo án của mình cũng cần chú ý đến đặc thù của bộ môn.

Khi xây dựng chương trình Ngữ văn 2018 các chuyên gia đã chỉ rõ mục tiêu của môn học là; Môn Ngữ văn giúp học sinh khám phá bản thân và thế giới xung quanh, thấu hiểu con người, có đời sống tâm hồn phong phú, có quan niệm sống và ứng xử nhân văn; có tình yêu đối với tiếng Việt và văn học; có ý thức về cội nguồn và bản sắc của dân tộc, góp phần giữ gìn, phát triển các giá trị văn hoá Việt Nam; có tinh thần tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại và khả năng hội nhập quốc tế.

Đặc biệt, môn Ngữ văn giúp học sinh phát triển năng lực ngôn ngữ và năng lực văn học: Rèn luyện các kĩ năng đọc, viết, nói và nghe; có hệ thống kiến thức phổ thông nền tảng về tiếng Việt và văn học, phát triển tư duy hình tượng và tư duy logic, góp phần hình thành học vấn căn bản của một người có văn hoá; biết tạo lập các văn bản thông dụng; biết tiếp nhận, đánh giá các văn bản văn học nói riêng, các sản phẩm giao tiếp và các giá trị thẩm mĩ nói chung trong cuộc sống.

Ví dụ khi xây dựng giáo án bài Tấm lòng người mẹ, sách giáo khoa Ngữ văn 11 (bộ Cánh diều) trước tiên giáo viên cần xác định rõ mục tiêu giúp học sinh nhận biết, phân tích và đánh giá được một số yếu tố về nội dung (đề tài, chủ đề chính và chủ đề phụ, tư tưởng, các giá trị văn hóa, triết lí nhân sinh…) và hình thức (câu chuyện, sự kiện, nhân vật, chi tiết quan trọng, không gian, thời gian, người kể chuyện toàn tri, sự thay đổi điểm nhìn) của văn bản truyện.

Sau đó học sinh có thể hiểu và phân tích được nhận vật trong truyện, hiểu được giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo sâu sắc mới mẻ của tác phẩm, rồi đến các năng lực đặc thù và hình thành phẩm chất ở học sinh. Từ đó giáo viên xây dựng cách thức tổ chức hoạt động cho phù hợp, hiệu quả, phát huy tích cực của học sinh.

Khi xây dựng Kế hoạch bài dạy môn Ngữ văn, chúng tôi kì vọng các bộ sách giáo khoa tới đây cần được thẩm định một cách kỹ lưỡng để đảm bảo tính khoa học, tính giáo dục nhằm phát huy tính tích cực của học sinh trong việc chiếm lĩnh tri thức cũng như tránh được tình trạng văn mẫu tràn lan hiện nay.

Hoạt động dạy và học theo chương trình mới cũng cần tránh những kiến thức hàn lâm, kinh viện mà cần gắn với đời sống thực tế, sự thay đổi và phát triển của xã hội, nhất là giúp học sinh tạo lập được những văn bản cần thiết phục vụ cho cuộc sống của đa số học sinh, sau đó mới hướng tới những học sinh có năng lực văn chương, có khả năng thẩm bình văn học để các em có cơ hội phát triển theo con đường văn học sau này.

Bên cạnh đó, giáo viên cũng rất cần những tư liệu văn học liên quan đến tác giả, tác phẩm đang được học cũng như những nhận định, đánh giá về các tác giả, tác phẩm đó để giáo viên, học sinh có điều kiện mở rộng hơn từ những vấn đề ngoại văn bản.

Nhất là với những tác phẩm mới đưa vào chương trình Ngữ văn 11 như: Nỗi niềm tương tư, Tấm lòng người mẹ, (bộ Cánh diều), Tú Uyên gặp Giáng Kiều, Người ngồi đợi trước hiên nhà (bộ Chân trời sáng tạo), Cải ơi, Nàng Ờm nhắn nhủ (bộ Kết nối tri thức).

Để làm được điều này các nhà soạn sách cần bám sát mục tiêu của chương trình tổng thể, nâng cao tính khoa học, chuyên nghiệp trong việc biên soạn chương trình đồng thời lắng nghe những ý kiến đóng góp của dư luận, nhất là các nhà khoa học, các nhà giáo.

Nhà nghiên cứu Phạm Thành Hưng cho rằng: “Tiếp nhận văn bản văn chương là một quá trình tạo nghĩa cho văn bản. Bài thơ, cuốn sách như một điểm xuất phát, một kích thích ban đầu, thậm chí “tác phẩm chỉ thực sự tồn tại, ra đời khi nó được đọc”. Mỗi cá nhân độc giả có một “chân trời đón đợi” riêng trước tác phẩm văn chương, để văn bản của tác giả được tái tạo, chế biến lại thành một thế giới nghệ thuật mới, của riêng mình”.

Có thể nói xây dựng Kế hoạch bài dạy là một khâu quan trọng trong hoạt động dạy học, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn trong khi thực hiện chương trình mới nhưng chúng tôi luôn luôn tin tưởng ngành Giáo dục sẽ vượt qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ trong năm học mới.

Công văn 5512 đã nêu rõ các bước chung nhất trong xây dựng Kế hoạch bài dạy cho nhiều cấp học và đã thực hiện trong những năm qua, ở từng địa phương cũng đã có sự linh hoạt trong vận dụng nhằm phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Tuy nhiên, mỗi giáo viên cũng cần xác định vấn đề cơ bản nhất của một Kế hoạch bài dạy là mục tiêu bài học và cách thức tổ chức dạy học để đạt mục tiêu ấy. Để xác định được điều đó đòi hỏi giáo viên phải nắm bắt được yêu cầu cần đạt của bài học.

Mục tiêu phải được cụ thể, phải trả lời được câu hỏi học sinh làm được những gì (chiếm lĩnh được gì và dựa vào đâu để vận dụng được gì) sau bài học. Giáo viên cần bám sát chương trình môn học, nghiên cứu, tìm tòi bài học một cách nghiêm túc, hơn nữa phải căn cứ vào các điều kiên thực tế ở địa phương, trường lớp mình giảng dạy và quan trọng nhất vẫn là đối tượng học sinh cụ thể của từng lớp mình dạy để thiết kế những Kế hoạch bài dạy chất lượng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.